Thơ mới là gì? Những nhận định hay về thơ mới
Thơ mới là một phong trào thơ nổi bật của nền văn học Việt Nam, đây là một trong những bước ngoặt lịch sử của thơ ca nói riêng và văn học nói chung. Hãy cùng Topbee đi nhận định về thơ mới nhé!
Thơ mới là gì
- Định nghĩa:
Một trào lưu văn học ra đời bao giờ cũng phản ánh những đòi hỏi nhất định của lịch sử xã hội. Bởi nó là tiếng nói, là nhu cầu thẩm mỹ của một giai cấp, tầng lớp người trong xã hội. Thơ mới là tiếng nói của giai cấp tư sản và tiểu tư sản. Sự xuất hiện của hai giai cấp này với những tư tưởng tình cảm mới, những thị hiếu thẩm mỹ mới cùng với sự giao lưu văn học Đông Tây là nguyên nhân chính dẫn đến sự ra đời của Phong trào thơ mới 1932-1945.
- Thời gian xuất hiện: đầu những năm 1930
- Hoàn cảnh ra đời: ra đời trong thời kỳ Việt Nam đang từng bước hội nhập, thích ứng với văn hóa phương Tây.
- Vị trí: là một phong trào thơ ca nổi bật,sự kết hợp hài hòa giữa những màu sắc truyền thống đậm tính dân tộc cùng những sắc thái hiện đại từ văn hóa phương Tây.
- Các giai đoạn của phong trào Thơ mới:
+ Giai đoạn 1932 - 1935: Là giai đoạn đầu tiên diễn ra cuộc đấu tranh giữa Thơ mới và “Thơ cũ”. Ở giai đoạn này hai trường phái thơ đối chọi gay gắt và tới cuối năm 1935 thì sự thắng nghiêng về phía Thơ mới. Các nhà thơ tiêu biểu trong giai đoạn này có thể kể đến Thế Lữ, Lưu Trọng Lư…
+ Giai đoạn 1936 - 1939: Là giai đoạn Thơ mới chiếm ưu thế, đặc biệt trong thời kỳ này sự phát triển từ lãng mạn đã dần hình thành theo hướng siêu thực, tượng trưng. Các nhà thơ tiêu biểu trong giai đoạn này có thể kể đến Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử,…
+ Giai đoạn 1940 - 1945: Là giai đoạn có nhiều khuynh hướng phát triển, chi phối sâu sắc là khuynh hướng thoát ly. Giọng thơ thời kỳ này thường mang màu sắc buồn.
- Đặc điểm:
+ Thơ mới đưa những cái tôi, những suy nghĩ cá nhân được đề cao, được bộc bạch ra và là tiếng nói từ trong sâu thẳm tâm tư mỗi người. Phá bỏ những xiềng xích, những điều đã cũ kỹ trong khuôn mẫu của thơ ca cũ ( thơ ca Trung Đại). Tạo nên một cuộc cách mạng cho phong trào thơ ca, đưa thơ ca lên một tầm cao mới. Cũng như là nền móng cho thơ ca hiện đại được ra đời và phát triển.
+ Thơ ca thời kỳ này lấy khuynh hướng lãng mạn làm tiêu chuẩn, lý tưởng về “ cái tôi” cá nhân cũng như “cái tôi” cộng đồng. Nếu như ở thời kỳ thơ Trung Đại thì việc nước, việc dân được đặt lên hàng đầu thì ở phong chào Thơ mới cá nhân mới là sự vật chính:
“ Ta là một, là riêng, là thứ nhất”
+ Các nhà thơ thời kỳ này tìm đến thơ ca như một sự giải thoát, thoát ly khỏi hiện thực tàn khốc của chế độ thực dân nửa phong kiến đang bao trùm khắp cả nước thời điểm bấy giờ. Họ không có đủ dũng cảm để đối mặt với thực tại nên tìm đến thơ để đưa những mộng tưởng, những hy vọng của mình đến với một thế giới tốt đẹp hơn.
+ Song tuy lấy trữ tình và thiên nhiên làm chủ đề chính nhưng Thơ mới vẫn không bỏ rơi thời đại. Thơ mới vẫn cùng với thời đại bước tiếp qua những khó khăn khi ấy, vẫn ấp ủ trong mình lòng yêu nước, khát khao được tự do và độc lập.
Những nhận định hay về thơ mới
- “Thơ mới là nỗi niềm, thái độ , là một cuộc ra trận của cả một thế hệ văn chương, một lực lượng trẻ văn hóa dân tộc quyết đổi mới cả một nền văn thơ, văn chương đã mỏi mòn, khô cứng, bạc màu”. - Huy Cận.
- Thơ mới về cơ bản hoàn toàn đối lập với thơ cũ, như Lưu Trọng Lư đã nói một cách hình tượng “Các cụ ta ưa những màu đỏ chót, ta lại ưa những màu xanh nhạt. Các cụ bâng khuâng vì những tiếng trùng đêm khuya, ta lại nao nao vì tiếng gà gáy đúng Ngọ. Nhìn một cô gái xinh xắn, ngây thơ, các cụ coi như đã làm một điều tội lỗi, ta thì cho là mát mẻ như đứng trước một cánh đồng xanh. Cái ái tình của các cụ chỉ là sự hôn nhân, nhưng đối với ta thì trăm hình muôn trạng: cái tình say đắm, cái tình thoảng qua, cái tình gần gũi, cái tình xa xôi, cái tình giây phút, cái tình nghìn thu”.
- Con người cá nhân, cá thể xuất hiện trong Thơ mới là con người trực tiếp đối diện với thế giới và đối diện với chính mình, là con người đã rũ bỏ gánh nặng của nhà luân lý với thơ và bằng thơ, là con người hoàn toàn tồn tại với tư cách là một cái tôi mang cảm xúc cá thể. Xuân Diệu trong lời tựa “Gửi hương cho gió” đã từng nhận mình "Tôi là con chim đến từ núi lạ/ Ngứa cổ hót chơi…”. Chế Lan Viên cũng bộc lộ “Thi sĩ không phải là Người. Nó là Người Mơ, Người Say, Người Điên. Nó là Tiên, là Ma, là Quỷ, là Tinh, là Yêu. Nó thoát Hiện Tại. Nó xối trộn Dĩ Vãng. Nó ôm trùm Tương Lai”. Còn Hàn Mặc Tử thì viết : " Người thơ là khách lạ đi giữa Nguồn Trong Trẻo. Trên đầu Người là cao cả, vô biên và vô lượng; xung quanh Người là mơn trớn với yêu đương vây phủ bởi trăm giây quyến luyến - làm bằng êm dịu, làm bằng thanh bai. Gió phương mô đẩy đưa Người đến bến bờ xa lạ, đầy trinh tiết và đầy thanh sắc... Tôi làm thơ? Nghĩa là tôi nhấn một cung đàn, bấm một đường tơ, rung rinh một làn ánh sáng... Tôi làm thơ? Nghĩa là tôi yếu đuối quá! Tôi bị cám dỗ. Tôi phản lại tất cả những gì mà lòng tôi, máu tôi, hồn tôi đều hết sức giữ bí mật".
- Chính Phan Khôi, người đề xướng ra nó, cũng chưa biết gọi tên là gì, chỉ giới thiệu sơ lược trên Phụ nữ Tân văn số 122, 1932, như sau: "…Tôi sắp toan bày ra một lối Thơ mới. Vì nó chưa thành thục nên chưa có thể đặt tên là lối gì được, song có thể cứ cái đại ý của lối Thơ mới này ra, là: đem ý có thật trong tâm khảm mình tả ra bằng những câu, có vận mà không phải bó buộc bởi niêm luật gì hết".
- Nguyễn Thị Kiêm, một trong những nhà diễn thuyết đầu tiên ủng hộ phong trào Thơ mới cho rằng: “Muốn cho tình tứ không vì khuôn khổ mà đẹt mất thì cần một lối thơ khác, do lề lối nguyên tắc rộng rãi hơn. Thơ này khác lối xưa nên gọi là Thơ mới.”
- Hoài Thanh, Hoài Chân tổng kết phong trào lại cho rằng: "Không thể hiểu theo cách định nghĩa của ông Phan Khôi. Thơ tự do chỉ là một phần nhỏ trong Thơ mới. Phong trào Thơ mới trước hết là một cuộc thí nghiệm táo bạo để định lại giá trị những khuôn phép xưa".
- "Phong trào Thơ mới vứt đi nhiều khuôn phép xưa, song cũng nhiều khuôn phép nhân đó sẽ bền vững... trong các khuôn phép mới xuất hiện đều bị tiêu trầm như thơ tự do, thơ mười chữ, thơ mười hai chữ, hay sắp sửa tiêu trầm như những cách gieo vần phỏng theo thơ Pháp".
- Thơ mới được Hoài Thanh, Hoài Chân tuyển vào tập Thi nhân Việt Nam và đi đến kết luận: "Nhìn chung các thể thơ 7 từ, 8 từ, lục bát và năm từ là những thể thơ được phổ biến nhất trong phong trào Thơ mới”.
--------------------------------------
Trên đây là bài nhận định hay về thơ mới. Hi vọng bài viết trên của Topbee sẽ giúp ích cho các em trong quá trình học tập. Chúc các em học tốt môn văn!