![image hoi dap](/_nuxt/img/Asked_Questions_mobile.40768fc.jpg)
![image hoi dap](/_nuxt/img/Asked_Questions_desktop.5d6ef50.png)
Phân tích bài Hơi ấm bàn tay
Lưu Quang Vũ được biết đến là nhà tiên phong cho văn học đổi mới, người chắp bút những tác phẩm sống mãi với thời gian. Sau đây, hãy cùng Topbee Phân tích bài Hơi ấm bàn tay nhé!
![Phân tích bài Hơi ấm bàn tay](https://api.topbee.vn/storage/uploads/images/phan-tich-bai-hoi-am-ban-tay_1.jpg)
Dàn ý Phân tích bài Hơi ấm bàn tay
1. Mở bài
- Giới thiệu khái quát tác giả Lưu Quang Vũ
- Giới thiệu nội dung chính của tác phẩm Hơi ấm bàn tay
- Nêu vấn đề nghị luận: Phân tích bài Hơi ấm bàn tay
- Trích thơ
2. Thân bài
a. Giới thiệu phong cách sáng tác của Lưu Quang Vũ
- Kịch: mang hơi hướng cách tân một cách độc đáo, thể hiện xung đột trong phong cách sống và quan niệm sống, qua đó bày tỏ khát vọng hoàn thiện nhân cách con người
- Thơ của ông không thể hiện những nét sắc sảo, dữ dội như kịch, mà lại giàu xúc cảm, trăn trở, khát khao.
b. Giới thiệu hoàn cảnh sáng tác tác phẩm Hơi ấm bàn tay
- Bài thơ được ra đời khi Lưu Quang Vũ mới chớm độ 20, ông đã có những cảm xúc rung động, nồng nàn, viết bài thơ dành tặng cho người con gái đầu tiên trong cuộc đời là Tố Uyên – diễn viên điện ảnh tài sắc, nữ chính trong bộ phim “Con chim vành khuyên”.
c. Phân tích bài Hơi ấm bàn tay
- Khổ 1: Cuộc tình đầy trong sáng, gần gũi nhưng cũng vô cùng thiêng liêng
+ Cái nắm tay: ngôn ngữ giao tiếp không lời, vô cùng đặc biệt. Là nguồn điện, nguồn động lực mà ta trao nhau, làm ấm cả một mùa đông lạnh giá hay dịu mát một mùa hè oi bức.
+ Hơi ấm chính là cầu nối tình yêu giữa anh và em, dù ta có cách xa nhưng hơi ấm, lòng ta vẫn hướng về nhau, vẫn bồi hồi, đầy xúc cảm trong những ngón tay.
=> Khung cảnh đầy xao xuyến, bồi hồi.
- Khổ 2: Sự đồng điệu sâu sắc từ tâm hồn đến cảm xúc của cặp đô
+ Dòng sông – phù sa: biểu tượng của sự kết nối, hòa quyện -> mối quan hệ vô cùng thắm thiết và cao cả
+ Hai màu sắc, hai cuộc đời, trao nhau cảm thương, hai bàn tay nắm chặt, tạo ra một không gian chung trong cuộc sống, kết nối, hỗ trợ, đồng điệu nhau
+ “Nghe máu mẹ cha chuyển giữa mỗi tay mình”: cuộc tình có sự chấp thuận của bề trên, đầy trách nhiệm và tình cảm.
- Khổ 3,4: Tình yêu giữa những biến động của đất nước, thời đại
+ Màu xanh: màu của niềm tin, sự tươi mới, đầy hy vọng về một cuộc sống tươi đẹp
+ Động từ “nhớ”: nỗi nhớ tha thiết về những ký ức và kỷ niệm tươi đẹp của mối tình
+ Trải qua nhiều khó khăn: xây trận địa, lắp đạn, vầng trán thấm mồ hôi
→ Luôn nỗ lực và cống hiến hết mình vì công việc, làm việc đầy ý nghĩa, không chỉ để bảo vệ cho đất nước, mà còn để bảo vệ tình yêu chúng mình.
+ Bàn tay ta như tỏa sáng, mang theo những tia nắng tích cực, đầy niềm tin và hy vọng về một tương lai tươi sáng, hòa bình.
=> Hình ảnh, ngôn từ mạnh mẽ → Sự nhiệt huyết, lạc quan trong tiềm thức của anh và em trước tình cảnh đất nước, cũng như tình yêu chúng mình.
- Khổ cuối:
+ Bức tranh hòa bình đầy tươi sáng, hạnh phúc, tự do và niềm vui cùng những đàn chim bay rợp trời trưa
+ “Cơn mưa đầu hạ”: tưới mát, làm mới tình yêu của chúng mình
+ Dù có cách xa, thì ta vẫn tìm đến nhau, “tìm đến nơi này âu yếm nắm tay ta”.
d. Nghệ thuật
- Ngôn từ lúc nhẹ nhàng, ấm áp, khi mạnh mẽ, đầy nhiệt huyết
- Phép điệp từ “tay” (11 lần): gợi lên những cảm xúc lưu luyến, bồi hồi, đầy xúc cảm.
→ Tay chính là ngôn ngữ không lời, là hơi ấm che chở và bảo vệ nhau qua bao giông bão.
- Cách xưng hô mình – ta: gần gũi, cách xưng hô quen thuộc trong những bài ca dao đầy thân thương, tình cảm, làm cho mối tình của đôi ta thêm sâu sắc, gắn kết, hòa hợp.
3. Kết bài
- Khẳng định lại giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm
- Nêu cảm nghĩ của bản thân
![Phân tích bài Hơi ấm bàn tay](https://api.topbee.vn/storage/uploads/images/phan-tich-bai-hoi-am-ban-tay_2.jpg)
Phân tích bài Hơi ấm bàn tay
Nhà phê bình nghệ thuật Nguyễn Thị Minh Thái đã nhận định về Lưu Quang Vũ rằng: “Lưu Quang Vũ trước hết và cuối cùng vẫn là một nhà thơ. Tôi tin, không có thơ thì Lưu Quang Vũ chắc chắn không có kịch và không thể trở thành một nhà viết kịch bật sáng đến thế trong thời kỳ đổi mới văn nghệ". Có thể thấy, ông là một cây bút tài hoa của nền văn học Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. Không chỉ nổi tiếng là ngòi bút thể hiện nhiều cách tân độc đáo, Lưu Quang Vũ còn được nhắc đến những bài thơ tình say đắm, lãng mạn. Qua bài thơ Hơi ấm bàn tay, ta có thể cảm nhận được sự thâm tình của ông dành cho mối tình đầu – Tố Uyên
Tặng Uyên
Phút đưa nhau ta chỉ nắm tay mình
Điều chưa nói thì bàn tay đã nói
Mình đi rồi hơi ấm còn ở lại
Còn bồi hồi trong những ngón tay ta.
Như hai dòng sông gặp gỡ đổi phù sa
Nhập luồng nước, hoà nhau màu sắc
Trao cảm thương, hai bàn tay nắm chặt
Nghe máu mẹ cha chuyển giữa mỗi tay mình.
Những ngày xa, trời nhớ một màu xanh
Xây trận địa bàn tay ta rám nắng
Khi vuốt ngọn cỏ non khi lắp đạn
Khi áp lên vầng trán thấm mồ hôi.
Bàn tay ta trên ngực lớn cuộc đời
Ấm hơi ấm ở tay mình lưu luyến
Và ở tận đầu kia trận tuyến
Bàn tay mình mang ánh nắng tay ta.
Khi đàn chim bay tới rợp trời trưa
Cồn mây về mang cơn mưa đầu hạ
Hai vì sao đổi ngôi trong đêm gió...
Đó chính tay mình đang vượt khoảng xa
Tìm đến nơi này âu yếm nắm tay ta.
1967
Lưu Quang Vũ sinh ra và lớn lên trong gia đình tri thức, bên cạnh đó còn là con trai của nhà viết kịch Lưu Quang Thuận. Do đó, cha truyền con nối, Lưu Quang Vũ cũng sở hữu những tài hoa trong làng kịch, với những vở kịch gây chấn động dư luận như: Lời nói dối cuối cùng, Nàng Xi-ta, Tôi và chúng ta,… Những vở kịch của ông mang hơi hướng cách tân một cách độc đáo, thể hiện xung đột trong phong cách sống và quan niệm sống, qua đó bày tỏ khát vọng hoàn thiện nhân cách con người. Không những vậy, Lưu Quang Vũ còn được biết đến là ngòi bút đa tài, ông đã từng làm thơ, sáng tác truyện ngắn, vẽ tranh,… Thơ của ông không thể hiện những nét sắc sảo, dữ dội như kịch, mà lại giàu xúc cảm, trăn trở, khát khao. Có lẽ, đến cuối cùng, chỉ còn tình yêu là ở lại. Ông dùng thứ chất liệu ấy cùng những cảm xúc nồng nàn, chân thành, những câu từ bay bổng, cộng hưởng lại tạo ta những áng thơ da diết, đầy thâm tình.
Bài thơ “Hơi ấm bàn tay” là những thanh âm da diết, bay bổng như thế. Bài thơ được ra đời khi Lưu Quang Vũ mới chớm độ 20, ông đã có những cảm xúc rung động, nồng nàn, viết bài thơ dành tặng cho người con gái đầu tiên trong cuộc đời là Tố Uyên – diễn viên điện ảnh tài sắc, nữ chính trong bộ phim “Con chim vành khuyên”. Những kỷ niệm ngây thơ, trong sáng, nồng nhiệt cùng mối tình đầu sẽ khiến con người ta nhớ mãi, bồi hồi, đầy xúc cảm trước những thi vị của cuộc sống, kỷ niệm.
Phút đưa nhau ta chỉ nắm tay mình
Điều chưa nói thì bàn tay đã nói
Mình đi rồi hơi ấm còn ở lại
Còn bồi hồi trong những ngón tay ta.
Mở đầu bài thơ, tác giả mang đến những hình ảnh tinh tế, trong sáng, gần gũi nhưng cũng đầy thiêng liêng. Chỉ với cái nắm tay nhẹ nhàng cũng đủ để bộc lộ tấm chân tình của anh và em, một ngôn ngữ giao tiếp không lời vô cùng đặc biệt. Cuộc đời là những chuyến đi, là những lần gặp gỡ rồi chia ly tha thiết, cái nắm tay chính ta nguồn điện, nguồn động lực mà ta trao nhau, làm ấm cả một mùa đông lạnh giá hay dịu mát một mùa hè oi bức. “Mình đi rồi hơi ấm còn ở lại”. Có thể thấy, hơi ấm chính là cầu nối tình yêu giữa anh và em, dù ta có cách xa nhưng hơi ấm, lòng ta vẫn hướng về nhau, vẫn bồi hồi, đầy xúc cảm trong những ngón tay. Những rung động đầu đời của nhà thơ thật thiêng liêng và trong trẻo, mở ra một khung cảnh đầy lưu luyến trong buổi chia ly, khiến lòng bồi hồi, xao xuyến.
![Phân tích bài Hơi ấm bàn tay](https://api.topbee.vn/storage/uploads/images/phan-tich-bai-hoi-am-ban-tay_3.jpg)
Như hai dòng sông gặp gỡ đổi phù sa
Nhập luồng nước, hoà nhau màu sắc
Trao cảm thương, hai bàn tay nắm chặt
Nghe máu mẹ cha chuyển giữa mỗi tay mình.
Những dòng thơ cho ta thấy được sự đồng điệu sâu sắc từ tâm hồn đến cảm xúc của cặp đôi. “Như hai dòng sông gặp gỡ đổi phù sa”, dòng sông – phù sa là biểu tượng của sự kết nối, hòa quyện, có thể cảm nhận được mối quan hệ của nhà thơ cùng người yêu vô cùng thắm thiết và cao cả. Tình cảm ấy như làn nước nhập vào luồng nước hòa vào dòng sông, hai màu sắc, hai cuộc đời, trao nhau cảm thương, hai bàn tay nắm chặt, tạo ra một không gian chung trong cuộc sống, kết nối, hỗ trợ, đồng điệu nhau. Năm 21 tuổi, Lưu Quang Vũ cưới Tố Uyên, “nghe máu mẹ cha chuyển giữa mỗi tay mình” – biểu tượng của cuộc tình có sự chấp thuận của bề trên, đầy trách nhiệm và tình cảm.
Những ngày xa, trời nhớ một màu xanh
Xây trận địa bàn tay ta rám nắng
Khi vuốt ngọn cỏ non khi lắp đạn
Khi áp lên vầng trán thấm mồ hôi.
Bàn tay ta trên ngực lớn cuộc đời
Ấm hơi ấm ở tay mình lưu luyến
Và ở tận đầu kia trận tuyến
Bàn tay mình mang ánh nắng tay ta.
Hạnh phúc, đồng điệu là vậy, nhưng đáng buồn là khi cuộc tình của ta đang ở trong thời buổi chiến tranh đầy biến động, cuộc hôn lễ, đám cưới không thể được tổ chức, diễn ra thật chu đáo. “Nhớ một màu xanh” - Màu xanh là màu của niềm tin, sự tươi mới, đầy hy vọng về một cuộc sống tươi đẹp. Tuy nhiên màu sắc hy vọng ấy được kết hợp với động từ “nhớ” còn cho thấy nỗi nhớ tha thiết về những ký ức và kỷ niệm tươi đẹp của mối tình. Trong thời kỳ đầy biến động ấy, anh và em phải trải qua những vất vả, cống hiến hết mình cho đất nước, công việc: xây trận địa, lắp đạn, vầng trán thấm mồ hôi. Có thể thấy, dù có phải trải qua bao khó khăn, vất vả, chúng ta vẫn luôn nỗ lực và cống hiến hết mình vì công việc, làm việc đầy ý nghĩa, không chỉ để bảo vệ cho đất nước, mà còn để bảo vệ tình yêu chúng mình.
“Bàn tay ta trên ngực lớn cuộc đời” cho thấy một tấm lòng, tình yêu cao cả luôn dành cho đất nước cũng như mối tình. Anh và em ở tận đầu kia tiền tuyến, nhưng vẫn lưu luyến, giữ những hơi ấm ấm áp, lạc quan, tích cực trước những khó khăn, thách thức trước mắt, trong những trận tuyến đầy khắc nghiệt. Bàn tay ta như tỏa sáng, mang theo những tia nắng tích cực, đầy niềm tin và hy vọng về một tương lai tươi sáng, hòa bình. Những dòng thơ với hình ảnh, ngôn từ đầy mạnh mẽ, tươi sáng, cho thấy sự nhiệt huyết, lạc quan trong tiềm thức của anh và em trước tình cảnh đất nước, cũng như tình yêu chúng mình.
Khi đàn chim bay tới rợp trời trưa
Cồn mây về mang cơn mưa đầu hạ
Hai vì sao đổi ngôi trong đêm gió...
Đó chính tay mình đang vượt khoảng xa
Tìm đến nơi này âu yếm nắm tay ta.
"Khi đàn chim bay tới rợp trời trưa” – một bức tranh hòa bình đầy tươi sáng, hạnh phúc, tự do và niềm vui cùng những đàn chim bay rợp trời trưa. “Cơn mưa đầu hạ” như tưới mát, làm mới tình yêu của chúng mình, đôi ta hòa quyện, gắn kết với nhau như “Hai vì sao đổi ngôi trong đêm gió”. Dù có cách xa, thì ta vẫn tìm đến nhau, “tìm đến nơi này âu yếm nắm tay ta”.
Có thể thấy, ở bài thơ Lưu Quang Vũ sự dụng phép điệp từ “tay” (11 lần): gợi lên những cảm xúc lưu luyến, bồi hồi, đầy xúc cảm. Tay chính là ngôn ngữ không lời, là hơi ấm che chở và bảo vệ nhau qua bao giông bão. Bên cạnh đó, cách xưng hô mình – ta còn gợi nên sự gần gũi, cách xưng hô quen thuộc trong những bài ca dao đầy thân thương, tình cảm, làm cho mối tình của đôi ta thêm sâu sắc, gắn kết, hòa hợp.
Bài thơ đầy cảm xúc nồng nàn, thắm thiết là thế, nhưng mối tình của Lưu Quang Vũ cùng Tố Uyên chỉ kéo dài vỏn vẹn 3 năm. Tuy nhiên, chẳng thể trách mối tình kết thúc là do ai, bởi ngày từ đầu họ đã đến với nhau bằng tình cảm chân thành nhất, mộc mạc nhất, đổ vỡ là một điều không ai muốn trong tình yêu.
Những áng văn, thơ tình của Lưu Quang Vũ luôn khiến người đọc phải bồi hồi, xao xuyến bởi những cảm xúc, gợi tả vô cùng chân thật và chân thành của mình. Với tài năng nghệ thuật của mình, những tác phẩm của ông luôn mang đến những giá trị thẩm mỹ rất cao, không bao giờ cũ.
“Nếu em biết những gì tôi đã sống
Những buồn vui tôi đã có trong đời
Nếu em biết bây giờ tôi khác lắm
Buổi cùng em kiếm củi ở ven đồi”
Nơi ấy – Lưu Quang Vũ