image hoi dap
image hoi dap

Phân tích bài Ta yêu quê ta

icon-time2/7/2023

Quê hương là miền cảm xúc nhớ thương, là nguồn cảm hứng vô tận để các nhà thơ giãi bày niềm suy tư trăn trở. Cùng Topbee Phân tích bài Ta yêu quê ta để cùng khám phá vẻ đẹp của một vùng quê yên bình trù phú nhé!


Bài thơ Ta yêu quê ta 

“Yêu từng bờ ruộng, lối mòn,

Đỏ tươi bông gạo, biếc rờn ngàn dâu.

Yêu con sông mặt sóng xao,

Dòng sông tuổi nhỏ rì rào hát ca.

Yêu hàng ớt đã ra hoa

Đám dưa trổ nụ, đám cà trổ bông.

Yêu sao tiếng mẹ ru nồng,

Tiếng thoi lách cách bên nong dâu tằm."


Dàn ý Phân tích bài Ta yêu quê ta 

Phân tích bài Ta yêu quê ta

1. Mở bài:  

Giới thiệu về tác giả, tác phẩm

2. Thân bài:

- Mạch cảm xúc được bộc lộ trực tiếp thông qua điệp từ “ Yêu “ 

+ Mở đầu bài thơ, khung cảnh làng quê hiện lên yên bình nhẹ dịu thông qua các hình ảnh: bờ ruộng, lối mòn, bông gạo, ngàn dâu… 

+ Sau đó, là tình yêu quê hương, cụ thể là con sông quê đã bồi đắp nên tình yêu của tác giả, cùng những loại cây trái quen thuộc như cây ớt, cây cà,.. 

+ Cuối cùng, là hồi ức về lời ru của mẹ cùng hình ảnh mẹ ngồi dệt sợi dâu tằm, khắc sâu nơi tuổi thơ con. 

=> Tình yêu thương ấy xuất phát từ những điều bình dị gần gũi, nhỏ bé mà lại chân thành. 

3. Kết bài: 

Phong cách nghệ thuật cùng tình cảm của tác giả với quê hương. 


Phân tích bài Ta yêu quê ta

Phân tích bài Ta yêu quê ta

“ Sao em không về chơi thôn Vỹ 

Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên “ 

     Hàn Mặc Tử trong bức thư tay của mình mời người con gái tới xứ Huế chơi đã có những dòng thơ viết nên đẹp như thế. Quê hương là tình thương, là ký ức, là tất cả những gì bình dị thiết tha nhất trong tuổi thơ mỗi người. Cùng viết về quê hương, nhà thơ Lê Anh Xuân đã có những rung động nghẹn ngào qua từng con chữ: 

“Yêu từng bờ ruộng, lối mòn,

Đỏ tươi bông gạo, biếc rờn ngàn dâu.

Yêu con sông mặt sóng xao,

Dòng sông tuổi nhỏ rì rào hát ca.

Yêu hàng ớt đã ra hoa

Đám dưa trổ nụ, đám cà trổ bông.

Yêu sao tiếng mẹ ru nồng,

Tiếng thoi lách cách bên nong dâu tằm."

     Mở đầu bài thơ, tình yêu quê hương được bộc lộ một cách trực tiếp, cụ thể, không hề có sự ẩn ý hay cần phải cất dấu đi, mà điệp từ “ yêu “ đã làm tốt nhiệm vụ đó. Khung cảnh quê hương thanh bình dần được vẽ nên qua những dòng thơ, chứa chan dạt dào cảm xúc. Ấy là “ từng bờ ruộng, lối mòn”, là “ hoa gạo đỏ tươi “. là “ ngàn dâu biếc rờn. Cánh đồng lúa bát ngát thẳng cánh cò bay, rì rào cùng làn gió nhẹ. Hoa gạo như những đốm lửa nhỏ thắp sáng cả một vùng trời yên ả. Ngàn dâu cũng xanh rờn nuôi lớn tuổi thơ một thời leo trèo nghịch ngợm. 

Yêu con sông mặt sóng xao,

Dòng sông tuổi nhỏ rì rào hát ca.

     Nhịp thơ nhẹ nhàng dường như lại có sự chuyển động dập dềnh của mặt nước tưởng chừng như tĩnh lặng: “ mặt sóng xao “, “ tuổi nhỏ rì rào hát ca”. Ấy là nơi một thời tuổi thơ lũ trẻ được vui đùa tắm mát, hòa mình vào làn nước trong veo. Tiếng cười đùa hồn nhiên tinh nghịch của những buổi rong chơi, hòa cùng tiếng hát rì rào trong lòng tác giả chính là miền ký ức tươi đẹp nhất. 

Yêu hàng ớt đã ra hoa

Đám dưa trổ nụ, đám cà trổ bông.

     Quê hương cứ mãi bình dị thân thuộc, dang rộng vòng tay che chở những đứa con trở về nhà sau bao chuyến đi xa. Nhớ về quê hương, không phải là nhà cao cửa rộng hay sáng choang đèn điện. Quê hương vốn dĩ bình dị gần gũi, nhớ về quê hương là nhớ tới “ hàng ớt đã ra hoa “, “ dưa trổ nụ”, “ đám cà trổ bông”. Mắm muối dưa cà tuy bình dị, nhưng đã nuôi con khôn lớn trưởng thành. 

Yêu sao tiếng mẹ ru nồng,

Tiếng thoi lách cách bên nong dâu tằm."

     Quê hương là nhà, và quê hương cùng tuổi thơ của con có mẹ! Con lớn lên bằng tiếng “ ru nồng “, tiếng “ thoi lách cách bên nong dâu tằm”. Mẹ luôn yêu thương che chở, chăm sóc cho con cả miếng ăn giấc ngủ. Lời ru của mẹ ngọt ngào đưa con chìm vào giấc mộng say. Và tiếng thoi “ lách cách “ cùng nong dâu tằm ấy. đã nuôi con ngày một khôn lớn trưởng thành, cho con có cơ hội khám phá thêm nhiều vùng đất mới, có cơ hội được học hỏi từ rất nhiều người. Mẹ và quê hương thì vẫn luôn ở đó, đón đợi con trở về, ở bên những khi con gặp điều khó.

     Điệp từ “ yêu “ được lặp lại nhiều lần xuyên suốt bài thơ, như mạch cảm xúc cùng tình yêu quê hương của tác giả được giữ vững theo thời gian và năm tháng. Biện pháp liệt kê những hình ảnh quen thuộc của làng quê, đã khiến người đọc cảm thấy vô cùng gần gũi và nhẹ nhàng. Ấy là tình yêu của tác giả đối với quê hương, tình yêu thương vô bờ đối với mẹ và sự trân quý kỷ niệm quá khứ cùng tuổi thơ tươi đẹp. 

     Khép lại bài thơ, trong ta lại bồi hồi cảm xúc cùng niềm trăn trở. Ấy là suy nghĩ làm sao để giữ mãi cái vẻ đẹp bình dị ấy của quê hương, và phải làm sao để đền đáp được công ơn dưỡng dục của mẹ và giữ lại mãi trong mình những gì thư thái nhẹ nhàng nhất của tâm hồn người. 

—---------------------------------------------

Bài viết trên đây của Topbee có nội dung Phân tích bài Ta yêu quê ta, qua đó cho ta thấy được tình yêu của tác giả với quê hương và gia đình, cùng bài học trân trọng kỷ niệm quý giá đã qua. Chúc các bạn học tập tốt! 

Nguyễn Mai Vân
Đánh giá bài viết
Đặt câu hỏi
icon-make-question icon-make-question