Phân tích bài thơ Bánh trôi nước ngắn gọn
Thân phận người phụ nữ thời phong kiến luôn mang nét của nỗi khổ đau, sự hạ thấp về giá trị, sự nhẫn chịu và phụ thuộc. Nhưng trong họ lại luôn mang những vẻ đẹp tâm hồn và không thứ gì có thể khiến nó biến mất. Hãy cùng phân tích bài thơ Bánh trôi nước để thấy được vẻ đẹp người phụ nữ xưa nhé!
Dàn ý Phân tích bài thơ Bánh trôi nước ngắn gọn
1. Mở bài: Giới thiệu tác giả, tác phẩm
2. Thân bài:
- Phong cách và hoàn cảnh ra đời. Nhan đề
- 2 câu đầu: Hình ảnh bánh trôi nước
+ Nghĩa thứ nhất: hình dạng của bánh trôi theo nghĩa thực
+ Nghĩa thứ 2: nói lên vẻ đẹp của người phụ nữ và tấm lòng người phụ nữ
- 2 câu sau: Phẩm chất của người phụ nữ thời phong kiến được tái hiện thông qua hình ảnh bánh trôi nước
+ Số phận lênh đênh “ba chìm bảy nổi”
+ Không thể tự quyết định vận mệnh
+ Nhưng tấm lòng vẫn giữ được son sắt
- Giá trị về nghệ thuật: Thể thơ tứ tuyệt được kết cấu chặt chẽ kết hợp với ngôn từ giản dị cô đọng. Một bài thơ ngắn nhưng ý nghĩa (Thân em: như lời tự sự, đặt mình như bánh trôi để thể hiện thân phận)
+ Đảo ngược thành ngữ “Ba chìm bảy nổi” thành “bảy nổi ba chìm” tăng thêm sự bất hạnh và đối lập với hình ảnh bánh trôi
- Giá trị về nội dung: Cảm thông, chân trọng số phận người phụ nữ thời phong kiến
3. Kết bài: khẳng định lại vấn đề
Phân tích bài thơ Bánh trôi nước ngắn gọn
Người phụ nữ thời phong kiến luôn phải chịu những bất công mà cuộc sống đem lại, nhưng dẫu vậy họ vẫn mang trong mình cốt cách của người con gái son sắt thuỷ chung. Dù cho cuộc đời có vùi dập họ xuống hố sâu hay vào đường cùng thì thứ họ giữ lại vẫn là vẹn nguyên nghĩa tình. Vẻ đẹp ấy đã được thi sĩ Hồ Xuân Hương tái hiện lại trong tác phẩm Bánh trôi nước.
Một bài thơ trữ tình được thi sĩ Hồ Xuân Hương mượn hình ảnh bánh trôi nước gắn liền với dân gian để thể hiện vẻ đẹp hình tượng của người phụ nữ. Số phận nhỏ nhoi, chìm nổi lênh đênh nhưng luôn giữ tròn phẩm giá của bản thân thân mình. Nét tương đồng đầy độc đáo giữa người phụ nữ và bánh trôi nước đã được tác giả thể hiện đầy tài tình trong bài thơ:
“Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son”
Hai khổ thơ đầu là hình ảnh bánh trôi nước được tái hiện mang hình ảnh liên tưởng về nét đẹp người phụ nữ xưa
“Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non”
Với chiều nghĩa đầu tiên, bánh trôi nước hiện lên với hình ảnh “vừa trắng lại vừa tròn”. Hình ảnh quen thuộc về chiếc bánh trôi nước từ đời thực. Chiếc bánh trôi luôn mang dáng vẻ vừa trắng, vừa tròn nhìn vô cùng đẹp mắt. Chiếc bánh ấy khi nấu lên, tạo bảy phần nổi và ba phần chìm, phần nổi sẽ là phần bánh chín. Cũng từ hình ảnh bánh trôi nước, người ta có thể liên tưởng đến hình tượng người phụ nữ ở lớp nghĩa thứ hai. Những người phụ nữ mang nét đẹp tròn đầy, trắng nõn, những vẻ đẹp đến rung động. Đáng lẽ với vẻ đẹp ấy, người phụ nữ phải nhận được những sự ưu tiên đến từ cuộc đời nhưng họ lại mang số phận “ba chìm bảy nổi” một thân phận lênh đênh vô định. người khác quyết định và mặc cho xã hội nhào nặn. Nét tương đồng của cả người phụ nữ và bánh trôi nước đều đẹp, phẩm chất cao quý với những nét chân thực. Đặc biệt dù cuộc sống có đối xử với họ như thế nào thì họ vẫn giữ tấm lòng với những giá trị cao đẹp:
“Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son”
Để tạo thành hình cho những chiếc bánh trôi đều phải trải qua quá trình nhào nặn. Dù cho quá trình ấy có như thế nào thì phần đường vẫn luôn bên trong, vẹn nguyên. Cũng như những người phụ nữ, dù cho cuộc sống gắp nhiều bấp bênh, biến cố thì họ vẫn giữ cho mình một tâm hồn trong sạch và vẹn nguyên. Họ sống với sự cao đẹp trong phẩm chất, trong tấm lòng. Họ quý trọng cuộc sống dù cho có bị vùi dập, bị khổ đau bủa vây. Tất cả chỉ làm sáng lên phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ.
Với thể thơ tứ tuyệt được kết cấu chặt chẽ kết hợp với ngôn từ giản dị cô đọng, một bài thơ ngắn nhưng ý nghĩa đã được thi sĩ Hồ Xuân Hương tạo ra. Hai từ “thân em” như lời tự bộc bạch, tự sự về kiếp sống giống bánh trôi nước của thân phận người phụ nữ xưa. Thi sĩ đưa ta từ sự ca ngợi vẻ đẹp “vừa trắng lại vừa tròn” của người phụ nữ đến số phận đối lập với ngoại hình. Số phận càng trở nên đau thương khi tác giả tạo đảo ngược thành ngữ “Ba chìm bảy nổi” thành “bảy nổi ba chìm” tăng thêm sự bất hạnh. Về sau giọng thơ càng trở nên căm giận, buông xuôi “mặc dầu” cho mọi sự biến cố xảy ra trong cuộc đời, để từ đó tôn lên vẻ đẹp của người phụ nữ với phẩm giá cao đẹp. Họ cam chịu trước sự định đoạt về số mệnh, luôn ý thức về phẩm giá và cuộc sống của mình.
Dưới xã hội phong kiến “trọng nam khinh nữ” đầy lạc hậu, người phụ nữ dù đẹp đến đâu cũng phải chịu những áp bức và xô đẩy của cuộc sống. Bằng giọng văn của mình, thi sĩ Hồ Xuân Hương đã viết bài thơ để lên tiếng cảm thông cho số phận người phụ nữ thời phong kiến. Một bài thơ tuy ngắn nhưng ý nghĩa lại vô cùng sáng rõ, toát lên phẩm chất cao đẹp và đầy giá trị của người phụ nữ thời phong kiến.
Bài thơ Bánh trôi nước là tiếng nói thay cho những bất công của người phụ nữ thời phong kiến. Những người phụ nữ mang vẻ đẹp cả về ngoại hình và cả về phẩm chất. Dù cho cuộc sống có bất hạnh ra sao thì họ vẫn toát lên vẻ đẹp riêng, tấm lòng vẹn nguyên và cao đẹp .