Phân tích bài thơ Quê hương của Đỗ Trung Quân
image hoi dap
image hoi dap

Phân tích bài thơ Quê hương của Đỗ Trung Quân

icon-time28/10/2023

Dàn ý và phân tích bài thơ Quê hương của Đỗ Trung Quân để thấy với nhà thơ  “Quê hương” thân thương “yêu dấu và gắn bó nhường nào!


Dàn ý: Phân tích bài thơ Quê hương của Đỗ Trung Quân

Mở bài: 

  • Vấn đề nghị luận: phân tích bài thơ Quê hương của Đỗ Trung Quân
  • Dẫn dắt vấn đề: Quê hương

Thân Bài:

+ Giới thiệu chung:

  • Tác giả Đỗ Trung Quân
  • Tác phẩm Quê hương

+ Phân tích: 

  • Sử dụng vô số hình ảnh bình dị, thân thuộc với mỗi người như cây cối, kỉ niệm tuổi thơ giúp người đọc dễ dàng hình dung về quê nhà trong cảm xúc dâng trào
  • Quê hương không chỉ là những hình ảnh giản dị của tuổi thơ ấy mà còn là những nét đẹp thơ mộng, là những hình ảnh thân thương đến nao lòng
  • Tác giả liệt kê một loạt những hình ảnh thiên nhiên quê hương mình như hoa bí, hoa dâm bụt, hoa râm bụt, hoa sen, làm trung quan chi tiết từng loài cây, để nhấn mạnh những kỉ niệm, những kỉ niệm luôn hiện hữu.
  • Lời nhắc mỗi người cần nhớ về quê hương, nguồn cội

+ Đánh giá, nhận xét

Kết bài:

  • Khẳng định vấn đề
Phân tích bài thơ Quê hương của Đỗ Trung Quân

Phân tích bài thơ Quê hương của Đỗ Trung Quân

Quê hương luôn là một cảm hứng sâu sắc cuốn hút hấp dẫn những nhà thơ Việt Nam. Đồng thời, nó cũng là nơi để cho họ bày tỏ những cảm xúc yêu quê hương của mình. Chúng ta biết đến những vần thơ quê hương gắn liền với tuổi thơ của Giang Nam: “Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất/ Có một phần xương thịt của em tôi!”, biết đến sự nhẹ nhàng, mộc mạc "Quê hương" của Tế Hanh, khiến người đọc xốn xang khi nhớ về nơi đã chôn rau cắt rốn, nơi nuôi dưỡng tâm hồn của mình. Và đặc biệt, chắc hẳn ta cũng biết đến thi phẩm “Quê hương” của thi sĩ Đỗ Trung Quân. Bài thơ giúp ta phần nào hình dung một quê hương thân thuộc, giản dị nhưng đầy ý nghĩa.

Đỗ Trung Quân là một nhà thơ lớn của Việt Nam, nhiều bài thơ của ông  được phổ nhạc và được nhiều người yêu thích như Quê hương, Phượng hồng... Ông còn được biết đến với nhiều nghề "tay trái" khác như MC cho những chương trình ca nhạc của bạn bè ông hay làm diễn viên cho một số phim truyền hình. Ngoài ra, ông còn sở hữu vô số bài thơ về quê hương rất tiêu biểu. Thơ của ông mang nhiều ý nghĩa đặc biệt. Trong đó, phải kể đến đầu tiên là bài thơ Quê Hương, được nhiều người biết đến nhất. Thi phẩm viết năm 1986 và cho đến nay vẫn là một tác phẩm đặc biệt trong tấm lòng bao người dân Việt Nam. Bài thơ như gắn liền với tuổi thơ của mỗi người, như in sâu trong tâm trí mỗi người. Hiện lên trong từng vần thơ là hình ảnh thiên nhiên, con người gần gũi thân thương. 

Mở đầu bài thơ, tác giả sử dụng vô số hình ảnh bình dị, thân thuộc với mỗi người như cây cối, kỉ niệm tuổi thơ giúp người đọc dễ dàng hình dung về quê nhà trong cảm xúc dâng trào: 

“Quê hương là gì hở mẹ

Mà cô giáo dạy phải yêu

Quê hương là gì hở mẹ

Ai đi xa cũng nhớ nhiều

 

Quê hương là chùm khế ngọt

Cho con trèo hái mỗi ngày

Quê hương là đường đi học

Con về rợp bướm vàng bay”

Một câu hỏi tu từ đầy ngọt ngào trong mở đầu bài thơ như một lời gợi nhắc: “Quê hương là gì hở mẹ”. Không những vậy, câu hỏi tu từ ấy còn được điệp lại như nhấn mạnh sự mong mỏi đến da diết, lưu luyến và khao khát tìm câu trả lời của tác giả. Một câu hỏi quả thực rất ngô nghê của một đứa trẻ nhưng lại làm lòng người đọc trở nên nặng trĩu, suy tư.  Đã bao giờ bạn băn khoăn tự hỏi: “Quê hương là gì?” Quê hương là nơi chúng ta sinh ra, khi đi xa luôn một lòng nhớ về những ký ức, hình ảnh nơi ấy. Nhớ thêm lời cô giáo dạy rằng, nhất định phải yêu quê hương. Và đến với tác phẩm Quê hương, câu hỏi ấy dường như được Đỗ Trung Quân trả lời: “Quê hương là chùm khế ngọt”. Trong mắt người nghệ sĩ ấy, quê hương không phải là điều gì cao sang, không với tới mà chỉ là hình ảnh giản dị “chùm khế ngọt”. Đây là hình ảnh ẩn dụ chỉ những người thân, luôn tình cảm, ngọt bùi với ta. Quê hương là nơi đùm bọc, nuôi nấng, nâng đỡ  chúng ta mỗi ngày. Quê hương còn là những kỉ niệm thời học sinh, là “con đường đi học” - con đường thân thuộc đến trường. Đó như là con đường dẫn ta đến với tri thức, nâng ta lên với vùng trời mới tươi đẹp hơn. Quê hương chính là người thân cận, luôn chờ ta về mỗi ngày, luôn bao bọc, che chở cho ta vô điều kiện:

“Quê hương là con diều biếc

Tuổi thơ con thả trên đồng

Quê hương là con đò nhỏ

Êm đềm khua nước ven sông

 

Quê hương là cầu tre nhỏ

Mẹ về nón lá nghiêng che

Là hương hoa đồng cỏ nội

Bay trong giấc ngủ đêm hè”

Cuộc sống trên quê hương là nơi no ấm, tự do, đùm bọc, nâng đỡ chúng ta thành công. Quê hương còn là những cánh diều xanh biếc thuở ấu thơ, quê hương là con đò nhỏ nhẹ nhàng xuôi theo dòng sông quê hương là chiếc cầu tre nhỏ, mẹ về nón lá là hương hoa đồng nội bay trong giấc mơ một đêm hè. Quê hương là một kí ức đẹp trong lòng mỗi người, là món quà vô giá ông trời ban tặng cho chúng ta. Quê hương là nơi em đùa vui vô tư mỗi ngày, là nơi em thả diều trên cánh đồng bất tận. Thật muốn quay lại khoảng thời gian ấy, khoảng thời gian vô lo vô nghĩ bên cạnh gia đình và quê hương. Quê hương chỉ đơn giản như thế, ngày ngàu trôi qua yên bình, giản dị nhưng lại là khoảng thời gian hạnh phúc nhất trong cuộc đời. Quê hương cứ đẹp nhẹ nhàng qua hình ảnh “nón lá” thân thuộc, là “hương đồng cỏ nội” bay trong giấc ngủ đêm hè. Hơn nữa, cụm từ “quê hương là” được lặp lại nhiều lần, như muốn khẳng định nhiều nghĩa của nó. Đỗ Trung Quân như không thể tóm tắt khái niệm quê hương là gì, vì nó có vô số ý nghĩa. Với mỗi người, quê hương có thể là ký ức, là tâm hồn, là nỗi nhớ không thể rời xa. Không chỉ vậy, quê hương không chỉ là những hình ảnh giản dị của tuổi thơ ấy mà còn là những nét đẹp thơ mộng, là những hình ảnh thân thương đến nao lòng:

“Quê hương là đêm trăng tỏ

Hoa cau rụng trắng ngoài thềm

Tiếng ếch râm ran bờ ruộng

Con nằm nghe giữa mưa đêm

 

Quê hương là bàn tay mẹ

Dịu dàng hái lá mồng tơi

Bát canh ngọt ngào tỏa khói

Sau chiều tan học mưa rơi”

Tác giả như muốn nhấn mạnh các kỉ niệm luôn hiện hữu xung quanh mình. Qua đó ta thấy được hình ảnh thiên nhiên muôn màu muôn vẻ, ấy vậy mà những vẻ đẹp đó lại quen thuộc với mọi người đến vậy. Hình ảnh đêm trăng tỏ, hoa cau như khiến cho độc giả chìm đắm vào những kí ức tuổi thơ tươi đẹp ngày nào. Gợi nhắc chúng ta vào những ngày mưa xong thường có tiếng ếch nhái kêu ran gọi bạn tình. Tất cả như đang cùng lúc hiện về trong tâm trí chúng ta, làm ta thấy thêm nhớ, thêm yêu quê hương mình. Thêm vào đó là hình ảnh của mẹ, là hình ảnh người phụ nữ tuyệt vời trong cuộc đời ta săn sóc, chăm lo cho ta trong từng bữa ăn giấc ngủ. Đọc những dòng thơ ấy mà tôi nhớ đến những ngày đi học về được gặp mẹ, được thấy bữa cơm nóng hổi đang chờ tôi. Giờ đây đã xa nhà, những vần thơ ấy như một nguồn cảm xúc dội vào trái tim tôi khiến tôi xúc động khôn nguôi. Cùng với đó, trong đoạn thơ tiếp theo tác giả liệt kê một loạt những hình ảnh thiên nhiên quê hương mình như hoa bí, hoa dâm bụt, hoa râm bụt, hoa sen. làm trung quan chi tiết từng loài cây, để nhấn mạnh những kỉ niệm, những kỉ niệm luôn hiện hữu.

Cuối cùng, đoạn thơ cuối như nhắc nhở mỗi người hãy luôn nhớ về quê hương, nhớ về nơi đã nuôi dưỡng mình trở thành một người như hiện tại. Quê hương như người mẹ hiền luôn dang rộng vòng tay chào đón những đứa con của mình trở về. Quê hương – hai từ thân thương mà ấm áp, là vầng trăng soi đường dẫn lối cho mỗi người. Và:

“Quê hương mỗi người chỉ một

Như là chỉ một mẹ thôi

Quê hương nếu ai không nhớ

Sẽ không lớn nổi thành người.”

Nhà thơ đã sử dụng biện pháp lặp từ ngữ, lặp cấu trúc ngữ pháp câu, biện pháp liệt kê, cấu trúc thơ vắt dòng rất đặc sắc. Khung cảnh làng quê trên mọi miền Tổ quốc Việt Nam hiện lên thân thương, giản dị mà xúc động lòng người. Những cảnh vật hiện lên có gần có có xa, có mờ có tỏ. Nhịp  thơ đều đặn, nhịp nhàng, gần như cả bài thơ chỉ có một nhịp 2/4. Quê hương là tất cả những điều bình dị ấy, tất cả chỉ là những sự vật nhỏ bé không ai nhắc đến nhưng lại làm nên một hình ảnh quê hương đẹp đẽ, lung linh, huyền ảo.

Đây như một bức tranh toàn cảnh về quê hương mà tác giả đã vẽ nên cho độc giả. Đỗ Trung Quân như đã “xúc động hồn thơ để ngọn bút có thần”. Bằng lòng yêu quê hương thiết tha, nhà thơ đã vẽ nên khung cảnh quê hương thiết tha mang hồn quê, tình quê, cảnh quê và con người quê bằng cây bút có thần đó. Thi phẩm khép lại mà dư âm vẫn còn vương vấn trong tâm hồn mỗi bạn đọc. Cảm ơn tiếng thơ của tác giả đã giúp mỗi chúng ta nhận ra vẻ đẹp dung dị, gần gũi mà gắn bó của miền quê yêu dấu.

Tác giả : Topbee
Đánh giá bài viết
Đặt câu hỏi
icon-make-question icon-make-question