Phân tích bài thơ Thu của Huy Cận
image hoi dap
image hoi dap

Phân tích bài thơ Thu của Huy Cận

icon-time15/10/2023

Mặc dù trải qua lớp bụi của thời gian thế nhưng những tác phẩm của Huy Cận vẫn còn nguyên giá trị đến ngày hôm nay! Cùng Topbee theo dõi bài viết phân tích bài thơ Thu của Huy Cận để thấy rõ giá trị trong những thi phẩm của thi sĩ tài năng này nhé!


Dàn ý Nghị luận phân tích bài thơ Thu của Huy Cận

A. Mở bài

- Dẫn dắt trực tiếp/ gián tiếp: có thể theo chủ đề của tác phẩm – Mùa thu của thiên nhiên đất nước, mùa thu trong thi ca

- Vấn đề nghị luận: Phân tích bài thơ Thu của Huy Cận

B. Thân Bài:

+ Giới thiệu chung:

- Tác giả Huy Cận

- Tác phẩm Thu

- Khái quát nội dung: bài thơ nói lên sự thay đổi của cảnh vật khi mùa thu đến, cũng là những chiêm nghiệm sâu sắc của thi sĩ về cuộc đời và con người.

 + Phân tích:

- Đánh giá chủ đề: Mùa thu còn là mùa của những ca từ, tiếng hát cất lên từ trái tim người nghệ sĩ khiến người nghe hoang hoải đến lạ 

- Mùa thu đến qua cảm nhận tinh tế của thi sĩ: “đến từ hôm qua”, “đem theo cành hoa gãy” và đem theo làn sương se lạnh của thời tiết mùa thu

- Mùa thu với những cơn gió lành lạnh của mùa thu hoang hoải thổi khiến con người ta gần nhau hơn, dễ cảm nhau hơn và cũng quyến luyến nhau hơn

- Mùa thu trong tâm hồn thi sĩ cứ nhẹ nhàng, đượm buồn mà là lạ: là cô gái đi “qua vườn hoa nhỏ” cùng những “bông hoa tạ màu nhớ nhung”

+ Bàn luận mở rộng:  Đặc sắc nội dung, nghệ thuật và thông điệp của nhà thơ

C. Kết bài:

- Đánh giá chung

- Nêu cảm nghĩ, chiêm nghiệm của bản thân về thi phẩm cũng như về mùa thu của đất trời

Phân tích bài thơ Thu của Huy Cận

Phân tích bài thơ Thu của Huy Cận

Nhắc đến mùa thu, ta thường nghĩ đến vẻ đẹp dịu dàng, êm ả mà bàng bạc của một nỗi sầu khắc khoải lại man mác một nỗi niềm tha thiết, nhẹ nhàng. Bởi vậy, thu đi vào những trang thơ của một người nghệ sĩ vừa đẹp cảnh lại vừa đẹp tình. Đặc biệt, trong kho tàng văn thơ Việt Nam, ta không thể không nhắc đến bài thơ Thu của Huy Cận. Thi phẩm quả thực đặc sắc khi mang đến cho độc giả một nỗi niềm suy tư về một mùa đẹp nhất trong năm!

Nhà thơ Xuân Diệu trong lời đề tựa giới thiệu tập Lửa thiêng của Huy Cận đã nhận xét ông là thi sĩ của “thiên nhiên”: “người ta muốn tưởng linh hồn Huy Cận là đám mây kia, là nỗi hắt hiu trong cõi trời, là hơi gió nhớ thương …”. Ông là một đại biểu xuất sắc cho phong trào thơ mới với hồn thơ ảo não. Ông có vốn văn hóa phong phú, dòng cảm xúc tinh tế, chân thực và khái niệm nghệ thuật rõ ràng cùng màu sắc riêng biệt. Và đặc biệt, “Huy Cận đi lượm lặt những chút buồn rơi rác để rồi sáng tạo nên những vần thơ ảo não. Người đời sẽ ngạc nhiên vì không ngờ với một ít cát bụi tầm thường thì người lại có thể đúc thành bao châu ngọc. Ai có ngờ những bước chân đã tan trên đường kia còn ghi lại trong văn thơ những dấu tích không bao giờ tan được” (Hoài Thanh). Một trong những tác phẩm tiêu biểu viết về thiên nhiên của Huy Cận là bài thơ Thu. Tác phẩm in trong tập Lửa thiêng, năm 1940. Hơn hết, bài thơ nói lên sự thay đổi của cảnh vật khi mùa thu đến, cũng là những chiêm nghiệm sâu sắc của thi sĩ về cuộc đời và con người.

Thu không của riêng ai, nhưng tại sao thu trong thi ca lại đa sắc, lại vui, mà buồn, sầu đến vậy. Mùa thu còn là mùa của những ca từ, tiếng hát cất lên từ trái tim người nghệ sĩ khiến người nghe hoang hoải đến lạ. Thêm vào đó, mùa thu còn có chút gì đó dấm dứt, không quá nóng bỏng như mùa hè nhưng cũng chả băng giá như trong lòng mùa đông, đó là chút gì đó khó diễn tả…

Vậy thu có gì mà khiến nhiều nhà thơ nổi tiếng phải ngả bút tự trào thành các thi phẩm? Với Huy cận, mùa thu đến qua cảm nhận tinh tế của thi sĩ: 

“Hôm qua thu mới về,

Với một cành hoa gẫy.

Sương nặng gieo đầu tre,

Lạnh tràn theo gió đẩy.”

Thu trong cảm nhận của nhà thơ vừa mới về hôm qua, nhưng thu lại về “với một cành hoa gãy”. Bởi đặc trưng khi mùa thu tới là không khí hanh khô, se lạnh với những làn gió mới. Thu đến làm một nhành hoa gẫy như thể hiện sự có mặt của mình một cách mạnh mẽ. Trong không gian thu, cái gì cũng đẹp, không những thế mà còn đẹp đến lung linh huyền ảo.Mùa thu bắt đầu từ khi chiếc lá bàng đang xanh rì giật mình uốn cong chuyển vàng rồi sang sắc đỏ, khi những hạt sương đã treo nặng đầu tre mang theo hơi gió lành lạnh “tràn theo gió đẩy”. Gió đến còn mang theo những cơn lạnh đầu mùa, mang theo sắc thu không trộn lẫn vào bất cứ thứ gì, một sắc thu đẹp theo cách riêng của nó. Câu thơ của Huy cận như đưa độc giả vào những suy tư về mùa thu của đất trời, thu giống như một thức quà quý mà thiên nhiên đã ban tặng cho chúng ta. Mùa thu – mùa mà người ta dễ dàng tìm thấy những khung cảnh bình yên, ngọt ngào ngay giữa phố phường náo nhiệt. Ấy là khi cái nắng oi ả của mùa hè nhường lại chỗ cho bầu không khí trong lành và mát mẻ:

“Thu tới trong vườn bên;

Ngợ ngàng màu cúc mới.

Đêm qua bên láng giềng,

Êm tựa nhàn, thu tới.”

Có lẽ trong bốn mùa thì mùa thu là mùa gần với tâm hồn người nghệ sĩ hơn cả, nó là nhân tố tác động mạnh tới xúc cảm thẩm mỹ của người nghệ sĩ. Tôi nhớ mùa thu với những cơn gió lành lạnh của mùa thu hoang hoải thổi khiến con người ta gần nhau hơn, dễ cảm nhau hơn và cũng quyến luyến nhau hơn…Mùa thu là mùa của “màu cúc mới”, ấy là biểu tượng của mùa thu, nó gắn liền với câu chuyện “Vì sao hoa cúc có nhiều cánh”. Thu mới tới hôm qua mà đã “đến vườn bên”, dường như không có gì có thể ngăn cản nhịp bước mùa thu. Và thu cứ chợt đến như thế, thu lang thang trên phố phường. Thu cứ rảo bước quanh những con phố tấp nập rồi lại vi vu về miền quê yên bình. Để rồi cuối cùng chợt nhận ra lá vàng đã rải đầy gót chân, để bất chợt nhớ một “Người ra đi đầu không ngoảnh lại/ sau lưng thềm nắng lá rơi đầy” (Đất nước- Nguyễn Đình Thi) 

Cuối cùng, từng câu thơ cứ chậm rãi bước trên văn đàn mà trở thành bài thơ bất hủ về mùa thu: 

“Cô gái nhỏ thung dung

Qua miếng vườn hoa nhỏ.

Đất nằm im dưới cỏ,

Hoa tạ màu nhớ nhung.”

Mùa thu trong tâm hồn thi sĩ cứ nhẹ nhàng, đượm buồn mà là lạ. “Cô gái” mà nhà thơ nhắc đến liệu có phải là nói đến cô gái thu? Cô cứ thế chậm bước những bước thực nhịp nhàng, bước qua “vườn hoa nhỏ” để “Hoa tạ màu nhớ nhung”. Hơn nữa,  Thu cũng là mùa khiến tình yêu mong manh hơn, bởi tức cảnh thì sinh tình, người buồn cảnh có vui đâu bao giờ nên thơ thu thường mang một nỗi buồn mênh mang: “Thu héo nấc thành những tiếng khô/ Một vì sao lạ mọc phương mô?/ Người thơ chưa thấy ra đời nhỉ?/ Trinh bạch ai chôn tận đáy mồ?” (Cuối thu- Hàn Mặc Tử).

 Như vậy, bài thơ Thu của Huy Cận đã để lại cho tôi bao suy nghĩ về một mùa đặc biệt này của năm. Đọc những vần thơ ông tôi càng thấm thia tại sao Hoài Thanh lại đánh giá Huy Cận với vần thơ ảo não. Thu đã mang đến điều gì đó nhẹ nhàng và suy tư nhưng lại qua lăng kính của Huy Cận, mùa thu lại càng não nề hơn bao giờ hết. Bằng ngôn ngữ nhẹ nhàng mà sâu lắng đã góp phần làm cho đoạn văn tuy ngắn nhưng thành công vang dội, giúp Huy Cận đứng vững trên nền văn học Việt Nam như tượng đài bất hủ

Nghệ thuật làm được gì cho con người - qua các tác phẩm nghệ thuật con người tới gần nhau hơn. Nếu như thi ca bị cách trở bởi ngôn ngữ, thì hội họa, âm nhạc lại "thoát" khỏi rào cản này khi chỉ cần mở Bản giao hưởng bốn mùa của nhà soạn nhạc Ý A.Vivaldi là ta đã rùng mình với hơi thu lành lạnh của nước Ý hay đắm chìm trong Mùa thu vàng của Levital. Thu bảng lảng sương khói, dù ở bất kỳ đâu những nét thu cũng luôn quen thuộc.

Tác giả : Topbee
Đánh giá bài viết
Đặt câu hỏi
icon-make-question icon-make-question