Phân tích bài thơ Tình ca ban mai
image hoi dap
image hoi dap

Phân tích bài thơ Tình ca ban mai

icon-time20/2/2023

“Mỗi tình nhân cũng đồng thời là một thi nhân” phải chăng cũng vì thứ cảm xúc mãnh liệt khi yêu của con người đã tô điểm cho những vần thơ đầy lãng mạn. Và với Chế Lan Viên, chắc hẳn thứ tình cảm ấy còn đậm nét hơn cả. Cả cuộc đời sáng tác nghệ thuật của mình, Tình ca ban mai có lẽ là bài thơ tình hiếm hoi. Cùng theo dõi hướng dẫn phân tích bài thơ Tình ca ban mai mà Topbee chúng tôi biên soạn dưới đây để thấu hiểu hơn về thứ tình cảm lứa đôi đẹp đẽ ấy nhé. 


Dàn ý phân tích bài thơ Tình ca ban mai 

I. Mở bài 

- Giới thiệu khái quát tác giả Chế Lan Viên và bài thơ Tình ca ban mai 

II. Thân bài 

- Những tâm sự chân thật của nhân vật trữ tình 

+ Hình ảnh bóng hình em in đậm trong tâm trí của anh 

+ Nỗi nhớ em hóa thành niềm vui sướng dâng tràn khi “em về” 

+ Cảnh vật thiên nhiên trong con mắt của những người đang yêu 

→ Sức mạnh của em, sự dịu dàng “thiêu đốt trái tim anh”, là tình yêu của anh dành cho em 

- Niềm tin của anh về “tình ta”

- Các thủ pháp nghệ thuật được nhà thơ sử dụng trong bài

III. Kết bài

- Đánh giá chung về bài thơ cũng như tài năng nghệ thuật của nhà thơ 


Phân tích bài thơ Tình ca ban mai 

Phân tích bài thơ Tình ca ban mai

      Phải chăng khi nhắc về tinh yêu, người ta sẽ thường chỉ quan tâm tới cảm xúc, tới trái tim mách bảo mà thường bỏ quên đi lý trí, suy nghĩ. Hay ta sợ rằng chỉ một chút ý nghĩ tỉnh táo thôi, tình yêu có thể sẽ bị bỏ lỡ đúng khoảnh khắc rung động của trái tim. Điều đó không sai, nhưng cũng không hoàn toàn đúng. Với nhà thi sĩ Chế Lan Viên, ông đã cho người đọc cảm nhận một hành trình tình yêu với đủ thi vị. Một chút lý trí, một chút tỉnh táo hòa quyện làm nên hương sắc riêng trong “Tình ca ban mai”. 

      Mở đầu bài thơ đã là những tâm sự chân thật của những người đang yêu: 

“Em đi như chiều đi

Gọi chim vườn bay hết.” 

      Sự vận động không phải của riêng em, nó đã nhuốm màu sang cả cảnh vật xung quanh. Sự sống dường như đang dần mất đi bởi “em đi”. Em là vầng sáng trong cuộc đời của anh, em bước đi khiến lòng anh thêm da diết nhớ nhung. Từng câu chữ như khắc khoải, như đong đầy niềm thương nhớ. Có thể nói, ngay ở câu thơ đầu tiên, tác giả đã nhấn mạnh sâu sắc vai trò của hình bóng em. 

“Em về, tựa mai về, 

Rừng non xanh lộc biếc” 

      Ngược lại với xúc cảm khi em đi, khi có em, nỗi niềm trong anh bỗng hóa thành sự sung sướng vô cùng. “Em về” sự sống trong anh như đang vươn đầy trên cảnh vật. Không còn là niềm khắc khoải, nỗi nhớ thiết tha, mà nó đã được anh kết lại thành niềm vui sướng vô bờ. Mọi thứ bỗng trở nên đẹp hơn trong niềm hạnh phúc của anh. Tất cả như đang chờ mong em ở lại: 

“Em ở, trời chưa ở,

Nắng sáng màu xanh che” 

      Quả thực là không có gì đẹp hơn dưới ánh mắt của những con người đang yêu. Mọi vật như tỏa sáng hơn khi “em về”, “em ở”. Em là ánh sáng tinh tú nhất của cuộc đời anh. Em giúp xua tan đi mọi sự u buồn, tối tăm và mờ mịt. Trong mắt anh, vẻ đẹp hiện hữu là “màu xanh che”, là “nắng sáng”. Mọi thứ tưởng như là những điều rất đỗi bình thường, nhưng khi “em ở” mọi thứ đều trở nên đẹp hơn. 

      Sức mạnh của em không chỉ là bóng hình, mà nó còn từ chính tâm hồn dịu dàng của em: 

“Tình em như sao khuya

Rải hạt vàng chi chít” 

      Đã không chỉ là “em” mà giờ đây đã hóa “tình em”. Sự tồn tại của em chính là sự tồn tại của “sao khuya”. Sự hiện diện của em là ánh sáng sao khuya trong buổi đêm tối tăm, dù cho chỉ là những đốm sáng bé nhỏ “rải hạt vàng chi chít” nhưng cũng đủ để biết tình yêu của em sâu đậm tới nhường nào. Em tựa như quầng sáng chứa biết bao niềm hy vọng trong anh. Để anh tìm thấy niềm hạnh phúc vô bờ khi em về, em ở. Khó mà cắt nghĩa được hết nỗi lòng anh: 

“Sợ gì chim bay đi,

Mang bóng chiều bay hết” 

      Sự “sợ” được đặt ngay đầu câu là anh đã lấy hết lòng can đảm bật lên thành lời. Cách nói ngập ngừng, nửa vời của anh như đang cố tạo cho mình sự tĩnh tâm nếu như “em đi”. Bao nhiêu nỗi hụt hẫng, nhớ nhưng anh ghim chặt trong lòng tạo nên một niềm tin vững chắc trong anh: 

“Tình ta như lộc biếc

Gọi ban mai lại về

Dù nắng trưa không ở

Ta vẫn còn sao khuya”

      Anh càng cố quên đi sự nhớ nhung, hình bóng anh lại càng hiện rõ. Càng coi nhẹ em thì lại càng thấy em quan trọng tới nhường nào. Nếu như ở những câu thơ trước, chỉ là “em” hay “tình em” thì đến đây, thứ tình cảm ấy đã nâng cao lên thành “tình ta”. Tình yêu có cả anh và em chứ không đơn lẻ bóng hình riêng nữa. Tình yêu từ hai phía sẽ vượt lên tất cả như những ánh mai buổi sáng: 

“Hạnh phúc trên đầu ta

Mọc sao vàng chi chít” 

      Nhà thơ đã nói hộ biết bao tiếng lòng, bao niềm khắc khoải nỗi nhớ trong tim cũng những con người trong tình yêu. Thứ tình cảm ấy khiến ta hướng đến sự sống, để không chỉ tình em như sao khuya mà anh còn quên đi sự cô đơn, trống vắng. Và để rồi cuối cùng, tác giả kết bài bằng một câu lửng lơ:

“Mai, hoa em lại về…” 

      Thông qua Tình ca ban mai, nhà thơ Chế Lan Viên đã cho độc giả thấy được tài năng sáng tạo cùng sự khéo léo trong xoay chuyển các thủ pháp nghệ thuật của mình. Chỉ với những dòng thơ nhẹ nhàng, đầy chất tình đã làm nên nét riêng ấn tượng cho tài năng của nhà thơ. Cái “tôi” trong bài là nỗi đồng cảm sâu sắc của nhà thơ với thế hệ trẻ khao khát tình yêu. Chỉ với vài dòng thơ, Chế Lan Viên đã ngân lên cho đời những tiếng rung dịu dàng, đầy sâu lắng. 

-------------------------------

Hy vọng với bài dàn ý và mẫu phân tích bài thơ Tình ca ban mai trên sẽ giúp các bạn học sinh hoàn thiện bài viết của mình được tốt nhất nhé! 

Tác giả : Topbee
Đánh giá bài viết
Đặt câu hỏi
icon-make-question icon-make-question