Phân tích bài thơ Tự tình 3
image hoi dap
image hoi dap

Phân tích bài thơ Tự tình 3

icon-time22/10/2023

Dường như từ xưa đến nay, vẻ đẹp và số phận của người phụ nữ là hai đề tài được nhiều nhà văn, nhà thơ đưa vào thơ ca. Bởi bất hạnh sao khi càng đẹp, số phận của người phụ nữ lại càng hẩm hiu, đau buồn. Để thấy được sự trái ngược này, mời các em cùng phân tích bài thơ Tự tình 3 của Hồ Xuân Hương.


Bài thơ Tự tình 3 của Hồ Xuân Hương

Chiếc bánh buồn vì phận nổi lênh,
Giữa dòng ngao ngán nỗi lênh đênh.
Lưng khoang tình nghĩa dường lai láng,
Nửa mạn phong ba luống bập bềnh.
Cầm lái mặc ai lăm đỗ bến,
Giong lèo thây kẻ rắp xuôi ghềnh.
Ấy ai thăm ván cam lòng vậy,
Ngán nỗi ôm đàn những tấp tênh.

Phân tích bài thơ Tự tình 3

Dàn ý phân tích bài thơ Tự tình 

Mở bài:

- Giới thiệu nhà thơ Hồ Xuân Hương và khái quát những sáng tác của bà

- Giới thiệu bài thơ Tự tình 3 của Hồ Xuân Hương và nội dung của bài thơ

Thân bài:

- Hai câu đề: Sử dụng hình ảnh chiếc bánh trôi để nhắc đến số phận của mình, diễn tả tâm trạng buồn bã, chán chường của nhân vật trữ tình.

- Hai câu thực: Người mang tình nghĩa, trải qua hai lần tình duyên không thành khiến cho người phụ nữ buồn bã, chán chường và lo lắng cho tương lai.

- Hai câu luận: Sự buông xuôi của người phụ nữ, sự bất lực trong xã hội cổ đại mà không thể xoay người.

- Hai câu kết: Lần nữa thể hiện sự chua chát, bất hạnh của nhân vật trữ tình. Tác giả hiểu được số phận của phụ nữ, nhưng lại bất lực không thể thay đổi.

Kết bài: Khái quát lại nội dung, nghệ thuật của bài thơ và nêu cảm nhận của bản thân về bài thơ.


Phân tích bài thơ Tự tình 3

Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son

Có lẽ bốn câu thơ trên vô cùng quen thuộc với rất nhiều người, là đoạn thơ bất hủ được phổ nhạc nói về thân phận của người phụ nữ. Hồ Xuân Hương được mệnh danh là Bà chúa thơ Nôm, những tác phẩm của bà phần lớn viết về hoàn cảnh những người phụ nữ với giọng thơ buồn man mác. Bên cạnh Bánh trôi nước, Tự tình 3 cũng là một tác phẩm đề cập đến số phận nổi trôi của những người phụ nữ trong thời kỳ phong kiến. Giọng văn trong bài thơ thể hiện tâm trạng buồn tủi, chán chường của người phụ nữ cho số phận và xã hội bấy giờ.

Hồ Xuân Hương là một người phụ nữ có học, có tri thức và mạnh mẽ nhưng lại bị số phận và cuộc đời trêu đùa. Bà khát khao hạnh phúc, nhưng thứ đơn giản như vậy mà cũng không có được, năm lần bảy lượt nhận lấy đau thương. Hai lần làm lẽ, đến hai lần góa bụa khiến cho Hồ Xuân Hương như chẳng còn tin tưởng vào tình yêu nhưng vẫn luôn mong mỏi hạnh phúc đến bên mình. 

Chiếc bánh buồn vì phận nổi lênh,
Giữa dòng ngao ngán nỗi lênh đênh.

Mở đầu Tự tình 3 là hình ảnh chiếc bánh đang trôi nổi lênh đênh, không biết đi về đâu và đâu mới là bến dừng chân. Chiếc bánh như hình ảnh của người phụ nữ, lại một lần nữa bà lấy hình tượng chiếc bánh “trắng, tròn” để ví như thân mình. Họ bị gò bó, trói buộc bởi những lễ giáo phong kiến hà khắc, không được tự do lựa chọn cuộc sống của mình. Họ như chiếc bánh trôi nổi, bấp bênh giữa dòng đời, không biết sẽ trôi dạt về đâu. Bởi vì ghé hết bến này đến bến khác, chiếc bánh ấy đã mỏi mệt, đã ngao ngán nhưng vẫn giữ một chấp niệm để lênh đênh trên dòng nước. Dòng nước rộng mênh mông ấy chính là cuộc đời chẳng một bến đỗ, cứ thuận theo dòng nước mà chẳng hay ở điểm cuối cùng, người đợi mình là ai?

Lưng khoang tình nghĩa dường lai láng,
Nửa mạn phong ba luống bập bềnh.

“Lưng khoang tình nghĩa” là tình cảm vợ chồng nồng nàn, thắm thiết. Nhưng giờ đây, tình cảm ấy đã bị sóng gió cuộc đời làm cho phai nhạt. “Phong ba luống bập bềnh” là hình ảnh ẩn dụ cho những sóng gió, trắc trở trong cuộc đời. Cớ đâu mà lòng người chẳng được một ngày yên ổn? Cớ đâu đến ngày hạnh phúc, sóng gió lại phủ đầy? Mãi mới chờ được ngày hạnh phúc, thế mà số phận như trêu ngươi, chẳng chờ được ngày hạnh phúc. Phải chăng đó chính là thực tế của xã hội khi ấy, người phụ nữ hết nổi lại chìm, tìm được nơi dừng chân nhưng dường như cũng chỉ là tạm bợ?

Phân tích bài thơ Tự tình 3

Cầm lái mặc ai lăm đỗ bến,
Giong lèo thây kẻ rắp xuôi ghềnh.

“Cầm lái mặc ai lăm đỗ bến” là hình ảnh ẩn dụ cho việc buông xuôi, phó mặc cho số phận của người phụ nữ khi đã quá chán nản. Nhân vật trữ tình đã hết hy vọng, không còn muốn gắng gượng vươn lên để vượt qua những sóng gió cuộc đời. Động từ “mặc” chính là cao trào của sự từ bỏ, giờ đây như chiếc thuyền trôi dạt, chẳng biết ai là người chèo. Bởi đến đâu cũng có bão giông, nên người phụ nữ mới mặc cho tất cả cuốn theo dòng nước, chẳng thể đứng lên mà chống lại được số phận đã an bài. Sự thật trần trụi của xã hội phong kiến và sự bất công với người phụ nữ dường như được thể hiện rõ ràng qua hai câu thơ này. Trước là ghềnh, sau là sóng, số phận của người phụ nữ góa bụa chẳng biết đi đâu về đâu, chỉ biết dựa vào số phận đã an bài.

Ấy ai thăm ván cam lòng vậy,
Ngán nỗi ôm đàn những tấp tênh.

Đến cuối cùng, ai là người nguyện ý ôm lấy tấm thân của người phụ nữ nhỏ bé? Dường như đã đến cùng, người phụ nữ “cam lòng” chấp nhận số mệnh hẩm hiu. Từng là một người mơ mộng về hạnh phúc, cớ sao đến nỗi từng dòng từng chữ đều như đâm vào lòng người? Hồ Xuân Hương đã tả lại chân thực nhất số phận của hồng nhan, cũng là vạn vạn người phụ nữ xưa. Bà chọn “ôm đàn những tấp tênh”, ôm hết nỗi đau vào mình và tự mình gánh chịu lấy tất cả.

Bài thơ Tự tình 3 đã thể hiện tâm trạng buồn tủi, chán chường của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Đó là nỗi buồn về thân phận, về tình duyên mà một người luôn khao khát nhưng chẳng lúc nào có được. Đồng thời, bài thơ cũng thể hiện sự phản kháng của người phụ nữ trước những bất công, ngang trái của xã hội. Nhưng chẳng phải, nhận về chỉ là những buồn tủi “tấp tênh”?

Tác giả : Topbee
Đánh giá bài viết
Đặt câu hỏi
icon-make-question icon-make-question