Phân tích bài thơ Yêu của Xuân Diệu
Xuân Diệu được mệnh danh là “ông hoàng thơ tình” của nền văn học Việt Nam, một trong những sáng tác nổi tiếng của ông là bài thơ Yêu. Sau đây, mời các em cùng Topbee tìm hiểu bài viết phân tích bài thơ Yêu của Xuân Diệu.
Dàn ý phân tích bài thơ Yêu của Xuân Diệu
- Mở bài:
- Giới thiệu khái quát về tác giả Xuân Diệu
- Giới thiệu về nội dung chính của bài thơ Yêu
- Trích thơ
2. Thân bài:
- Giới thiệu về tác giả Xuân Diệu (Phong cách sáng tác, nguồn cảm hứng viết nên bài thơ,…)
- Giới thiệu về tác phẩm, hoàn cảnh sáng tác
- Phân tích bốn câu thơ đầu: sự rối bời của chính tác giả trong tình yêu, đó là tình yêu đơn phương, da diết và buồn rầu.
- Phân tích bốn câu thơ tiếp: Khi yêu ai đó chưa chắc sẽ nhận được hồi đáp, đó chính là cảm xúc bồn chồn, da diết trong tình yêu.
- Phân tích năm câu thơ cuối: Sự hoà quyện, đắm mình trong cuộc đời, trong vẻ đẹp tình yêu của tác giả.
- Tổng kết lại nội dung và nghệ thuật của toàn bộ tác phẩm.
3. Kết bài:
- Khẳng định giá trị nội dung, nghệ thuật và sự đóng góp của tác phẩm cho nền văn học Việt Nam.
- Cảm xúc và suy nghĩ của bản thân em sau khi đọc xong tác phẩm.
Phân tích bài thơ Yêu của Xuân Diệu (hay nhất)
Tình yêu là chủ đề muôn thuở trong văn chương, tình yêu khiến con người ta say đắm và thổn thức nơi đáy sâu tâm hồn. Nhắc đến tình yêu, không thể nào quên được “ông hoàng thơ tình” của nền văn học Việt Nam – Xuân Diệu. Trái tim của ông dành hết cho sức sống tuổi trẻ và tình yêu đôi lứa, một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông chính là bài thơ Yêu, qua bài thơ người đọc cảm nhận được những khung bậc cảm xúc đặc biệt của chính tác giả khi đem lòng yêu đơn phương một ai đó.
“Yêu, là chết ở trong lòng một ít
Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu?
…
Và tình ái là sợi dây vấn vít,
Yêu, là chết ở trong lòng một ít”.
Xuân Diệu là một gương mặt tiêu biểu của phong trào thơ mới Việt Nam với một “cái tôi” riêng biệt không trộn lẫn, những sáng tác của ông thường lấy cảm hứng từ tình yêu đôi lứa, khao khát của tuổi trẻ, dù viết về những đề tài quen thuộc nhưng thông qua lăng kính của Xuân Diệu thì các tác phẩm đã mang một hơi thở mới, in dấu trong tâm hồn bạn đọc.
Bài thơ Yêu được in trong Tuyển tập Tự lực văn đoàn vào năm 2004 với cảm hứng chính là cảm xúc của tác giả khi phải trải qua mối tình đơn phương, nhưng tình cảm ấy vô cùng đặc biệt, khiến người đọc ấn tượng sâu sắc.
Mở đầu bài thơ, Xuân Diệu đã khẳng định chắc nịch rằng:
“Yêu, là chết ở trong lòng một ít”
Mỗi người sẽ có một định nghĩa riêng dành cho tình yêu, nhưng đối với Xuân Diệu, ông khẳng định rằng yêu chính là “chết ở trong lòng một ít”, vì khi yêu ta dành hết trái tim mình, trọn vẹn suy nghĩ và tình cảm dành cho đối phương, khi không được đáp lại, thì trong lòng ta sẽ chết đi. Ông đã nói rằng:
“Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu
Cho rất nhiều song chẳng nhận bao nhiêu
Người ta phụ, hoặc thờ ơ, chẳng biết”
Đúng như vậy, chưa chắc rằng khi mình rút hết tim gan để yêu một ai đó thì người ấy cũng sẽ đáp trả lại mình. Cũng không chắc rằng khi bản thân cho đi thì mình cũng sẽ nhận lại được điều tương tự, bởi vì hơn tất cả mọi thứ, tình yêu chính là thứ khó hiểu nhất trên đời, dù biết người ấy phụ bạc, thờ ơ, lạnh lùng với mình nhưng bản thân vẫn trao đi tình cảm và sự yêu thương, bởi vì tình cảm rất khó để điều khiển giống như chính Xuân Diệu cũng từng viết rằng “Làm sao sống được mà không nhớ, không thương một kẻ nào”.
Sang bốn câu thơ tiếp theo, người đọc cảm nhận rõ sự mạnh mẽ, cái hồn thơ độc đáo vô cùng quen thuộc trong bài thơ “Vội vàng”:
“Phút gần gũi cũng như giờ chia biệt.
Tưởng trăng tàn, hoa tạ với hồn tiêu,
Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu!
- Yêu, là chết ở trong lòng một ít.”
Những giây phút được hạnh phúc, được chìm đắm trong tình yêu đối với Xuân Diệu cũng như giây phút chia biệt đầy buồn thảm, ông sợ rằng khi mình đem lòng yêu một ai đó, không có điều gì đảm bảo tình yêu sẽ mãi tồn tại như vậy, nó sẽ dần dần phai nhạt và biến mất nếu như ta không vội vàng lên, nắm lấy và cảm nhận, sống cho trọn vẹn mình với tình yêu ấy.
Ta bắt gặp quan niệm sống ấy của chính “ông hoàng thơ tình”:
“Xuân đương tới, nghĩa là xuân đương qua
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già
Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất
Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật
Không cho dài thời trẻ của nhân gian”
Hai câu thơ tiếp theo đảo ngược lại với hai câu thơ đầu ở khổ một, nếu như ở khổ đầu ta cảm giác như Xuân Diệu đang hờn dỗi, giận hờn cái quy luật kì lạ của tình yêu thì bây giờ đây ông đang dần dần thích nghi và thấu hiểu, quyết định đắm chìm trong tình yêu.
Đến với khổ thơ cuối cùng:
“Họ lạc lối giữa u sầu mù mịt,
Những người si theo dõi dấu chân yêu;
Và cảnh đời là sa mạc cô liêu.
Và tình ái là sợi dây vấn vít
Yêu, là chết ở trong lòng một ít.”
Tình yêu là tiếng gọi từ sâu thẳm trái tim, khiến con người đắm chìm và tận hưởng trong đó như đang “lạc lối”, Xuân Diệu tự gọi tên chính mình và những người đang yêu khác là những kẻ cuồng si, trao hết trái tim mình cho người tình mang tên “tình yêu”, vì vậy mà cả “dấu chân yêu” cũng được ghi nhớ một cách kĩ càng, một hình ảnh thơ vô cùng đẹp đẽ. Tình ái được liên tưởng như một sợi dây cuốn lấy con người, nhưng dẫu biết yêu là chết trong lòng một ít nhưng ai cũng muốn yêu vì tình yêu và tuổi trẻ chính là hai thứ đẹp đẽ nhất trên đời.
Bằng những hình ảnh thơ giàu sức gợi hình gợi tả, ngôn ngữ giản dị nhưng lại gợi sức liên tưởng vô cùng sâu sắc cho người đọc. Bạn đọc cảm nhận được những vẻ đẹp của tình yêu. Bài thơ xứng đáng là bài thơ hay nhất viết về chủ đề tình yêu và sẽ mãi neo đậu trong trái tim bạn đọc.