Phân tích bức tranh tứ bình Việt Bắc học sinh giỏi
image hoi dap
image hoi dap

Phân tích bức tranh tứ bình Việt Bắc học sinh giỏi

icon-time2/11/2023

Mảnh đất Tây Bắc đã từ lâu được coi là quê hương của sự kháng chiến, là cơ quan đầu não của cách mạng, là quê hương của những người anh hùng, là mảnh đất trung du nghèo khó nhưng nặng trĩu ân tình khiến ai đặt chân đến đây một lần cũng phải bồi hồi, xao xuyến. Chính nỗi nhớ dâng trào ấy đã khiến Tố Hữu rung động mạnh mẽ và viết nên tác phẩm “Việt Bắc”. Đoạn trích về bức tranh thiên nhiên và con người đẹp nhất trong bài thơ có lẽ phải kể đến “bức tranh tứ bình”- bức tranh bốn mùa tuyệt đẹp!!!


Dàn ý phân tích bức tranh tứ bình Việt Bắc học sinh giỏi

Mở bài: 

- Giới thiệu khái quát tác giả Tố Hữu
- Giới thiệu tác phẩm Việt Bắc
- Nêu đoạn thơ cần cảm nhận: bức tranh tứ bình

Thân bài:

-  Phong cách Tố Hữu, hoàn cảnh ra đời, vị trí, nội dung bài thơ
-  Những câu từ trong bức tranh tứ bình là lời của người ra đi gửi đến những người ở lại
-  Hai câu đầu là lời của người ra đi băn khoăn về tình cảm với mình, từ đó giãi bày tâm tư, nỗi nhớ thiên nhiên và con người Việt Bắc

* Luận điểm 1: bức tranh mùa đông

- Rừng xanh: màu xanh bát ngát đó là sắc màu của sự sống, vẻ tươi xanh của núi rừng, và điểm xuyết trên nền xanh bao la là những bông hoa chuối nở rộ lung linh

- Đỏ tươi: một gam màu nóng của những bông hoa chuối nổi lên giữa màu xanh bát ngát của núi rừng, làm cho thiên nhiên Việt Bắc trở nên tươi sáng, ấm áp xua đi cái lạnh giá của mùa đông

- “Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng”: hình ảnh con người lao động, sản xuất=>trở thành một điểm sáng trong bức tranh mùa đông

-  “Đèo cao” là tư thế đứng hiên ngang, tư thế của con người làm chủ đất nước. 
==> Trước vẻ đẹp tuyệt mĩ của thiên nhiên, con người dường như càng trở nên kì vĩ và hùng tráng

* Luận điểm 2: bức tranh mùa xuân

- “Ngày xuân” gợi lên bước đi của thời gian, một khung cảnh tuyệt đẹp

- “mơ nở trắng rừng” Cách nói giản dị như từ cuộc sống bước vào trong thơ, sự chuyển đổi màu sắc đột ngột của núi rừng Việt Bắc 

- Tác giả dùng đảo ngữ “trắng rừng” tính từ “trắng” dùng như động từ gợi ra hình ảnh hoa nở rộ làm sáng bừng mùa xuân, cho sự thanh khiết, tinh khôi.    
==>  Ngợi ca sự kín đáo của nhà thơ về về đẹp trong sáng nơi tâm hồn con người

- Động từ “nở” hoa nở xòe cánh, bung ra tinh khiết, trong trắng, tinh khôi, dịu mắt

- Từ “chuốt” trong câu thơ đã nói lên dáng vẻ con người lao động trong làng nghề đan nón
==> Câu thơ có nhịp điệu thong thả, nhịp nhàng như nhịp sống bình yên của con người Việt Bắc.  Bức tranh mùa xuân thật lãng mạn hài hòa giữa thiên nhiên và con người

* Luận điểm 3: bức tranh mùa hè

- Đó là tiếng ve, âm thanh đặc trưng của mùa hè. Tiếng ve khiến khung cảnh núi rừng không còn lặng lẽ mà trở nên rộn rã, tươi vui. 
- Động từ “đổ” gọi cùng lúc hai hoạt động: hoạt động của tiếng ve rộn rã gọi hè và hoạt động của màu vàng của hoa phách.

==>  Bức tranh thiên nhiên đẹp đẽ, tươi vui đã trở thành cái phông nền tuyệt vời cho sự xuất hiện của con người.

- Cụm từ “cô em gái” cách gọi vừa trẻ trung, hóm hỉnh, vừa thắm thiết tình cảm gia đình=> lao động khỏe khoắn, tươi vui, tràn ngập sức sống.

* Luận điểm 4: bức tranh mùa thu

- Ánh trăng rọi trên vòm lá cây rừng, tạo thành một khung cảnh huyền ảo, thơ mộng.

- Động từ “rọi” gợi tả ánh sáng mạnh, làm sáng bừng cả bức tranh mùa thu.

- Trong câu thơ “rừng thu trăng rọi hòa bình” cảnh không chỉ đẹp mà còn rất thanh bình, yên ả. 

- Cụm từ “nhớ ai” gợi cảm giác bâng khuâng xao xuyến. 

- Hai chữ “Hòa Bình” gợi ra bức tranh cảnh vật hiền hoà, êm dịu, lãng mạn, báo hiệu sự sống bắt đầu của một cuộc sống mới. 

- . “Tiếng hát ân tình thuỷ chung” ngợi ca tấm lòng người Việt Bắc giây phút chia xa thiêng liêng và xúc động, tấm lòng ân nghĩa của đồng bào đã được nhà thơ nhắc đến với sự biết ơn sâu sắc

==> Đó là đạo lý “uống nước nhớ nguồn”

Nghệ thuật: 

- Với thể thơ lục bát mang âm điệu ngọt ngào của lục bát cổ điển. 

- Thể thơ lục bát truyền thống được sử dụng một cách nhuần nhuyễn, mang âm hưởng của lục bát trong ca dao. 

- Vận dụng một cách khéo léo kiểu kết cấu đối đáp vốn quen thuộc trong ca dao về tình yêu đôi lứa. 

- Với nghệ thuật vẽ tranh tứ bình học tập được từ hội họa cổ điển Phương Đông. 

- Cùng ngôn ngữ thơ mộc mạc, đậm sắc thái dân gian, giọng điệu thơ trữ tình, ngọt ngào, trìu mến…

Nội dung:
- Qua 10 câu thơ hiện lên một Việt Bắc với thiên nhiên thơ mộng, hữu tình, với con người cần mẫn, chăm chỉ lao động và chung thủy, tình nghĩa với cách mạng và kháng chiến. Đoạn thơ khép lại nhưng dư âm của nó sẽ mãi ngân vang trong lòng người đọc như một khúc tình ca về cuộc kháng chiến và con người kháng chiến.

Kết bài: 

- Khát quát bức tranh tứ bình

- Tình cảm của tác giả


Phân tích bức tranh tứ bình Việt Bắc học sinh giỏi

     Cổ nhân có từng nói rằng “thi trung hữu hoạ, thi trung hữu nhạc”. Một tác phẩm thơ ca giàu chất nhạc làm tăng sức hút cho bài thơ. Gợi ra biết bao điều mà từ ngữ không thể nói hết. Một tác phẩm thơ ca giàu chất họa giúp cho người đọc sẽ cảm nhận rõ hơn về bức tranh đời sống và tâm hồn con người. “Việt Bắc” của nhà thơ Tố Hữu chính là một tác phẩm hội tụ đầy đủ những điều đó. Đó là sự kết hợp hài hoà giữa chất nhạc và họa, làm cho nỗi nhớ thương được bộc lộ một cách chân thực và tự nhiên nhất. Tác phẩm là một khúc tình ca sâu nặng, thủy chung gây xúc động bao trái tim yêu thương giữa tháng năm dài rộng. Và trong tâm trí của nhà thơ Việt Bắc luôn gợi lên vẻ đẹp thông qua bức tranh tứ bình, mở đường đi tới tình yêu quê hương, đất nước:

Ta về, mình có nhớ ta
Ta về ta nhớ những hoa cùng người
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Ðèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình
Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung.

   Tố Hữu là nhà thơ suất sắc của nền văn học Việt Nam. Các chặng đường thơ của Tố Hữu luôn gắn bó và phản ánh chân thực chặng đường cách mạng đầy gian khổ hi sinh nhưng cũng nhiều thắng lợi vinh quang của dân tộc. Thơ ông mang tính chất trữ tình, chính trị rất sâu nặng. Hồn thơ Tố Hữu luôn hướng tới cái ta chung của dân tộc. Bài thơ “Việt Bắc” là tác phẩm tiêu biểu cho phong cách sáng tác của nhà thơ “Từ ấy”. Năm  1974, chiến dịch Điện Biên Phủ giành thắng lợi, cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta đã toàn thắng. Hiệp định Giơnevơ được ký kết, hòa bình được lập lại, miền Bắc nước ta được giải phóng. Một trang sử mới đã mở ra cho đất nước, cho dân tộc Việt Nam. Trung ương đảng và chính phủ rồi chiến khu Việt Bắc đến thủ đô, nhân sự kiện có tính lịch sử ấy Tố Hữu đã sáng tác ra bài thơ. “Việt Bắc” được in trong tập thơ cùng tên. Tập thơ đánh dấu chặng đường thơ Tố Hữu trong kháng chiến chống Pháp, đây là bài thơ được xem là đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của ông. Bài thơ Việt Bắc là khúc hùng ca và cũng là khúc tình ca về cách mạng về cuộc kháng chiến và con người kháng chiến. Bài thơ cũng là lời nhắn nhủ đến người đọc: hãy nhớ mãi và phát huy truyền thống quý báo, anh hùng bất khuất, ân nghĩa thủy chung của cách mạng của con người Việt Bắc. Những câu từ trong bức tranh tứ bình là lời của người ra đi gửi đến những người ở lại. Đây có thể coi là một trong những đoạn hay nhất của bài thơ Việt Bắc. Vẫn thể thơ lục bát mang đầy âm điệu ngọt ngào. Vẫn lối xưng hô mình ta quen thuộc chỉ với mười câu thơ nhà thơ đã tái hiện được một cách trọn vẹn vẻ đẹp của thiên nhiên và con người Việt Bắc trong cả bốn mùa. Hai câu thơ mở đầu đoạn thơ khái quát lên cảm xúc chủ đạo, chi phối cái nhìn của người ra đi là nỗi nhớ, đồng thời cũng cho biết đối tượng của nỗi nhớ ấy:

“Ta về, mình có nhớ ta

Ta về, ta nhớ những hoa cùng người”

Mở đầu đoạn thơ là câu hỏi tu từ bâng khuâng, thấm vào hồn người và cảnh vật: “ta về, mình có nhớ ta”. Câu hỏi tu từ không dùng để hỏi mà dùng để bộc lộ cảm xúc và cũng là để xoáy sâu tình cảm của con người. Tạo nên một nỗi niềm da diết, bâng khuâng. Đây là câu hỏi ngọt ngào phản phất tình yêu, hỏi để bộc lộ cảm xúc, hỏi để bồi hồi xao xuyến phút chia xa. Có thể thấy nỗi băn khoăn, thương nhớ đã được bộc lộ ở cả hai chiều. Nỗi băn khoăn ấy cũng là tâm trạng rất thực của những người yêu nhau luôn muốn được sống mãi trong tâm hồn của nhau. Cặp đại từ xưng hô “ta- mình” đây là cách nói lãng mạn hoá, thi vĩ hoá của Tố Hữu. Để nói về mối tình thuỷ chung, mặn nồng, keo sơn, gắn bó của những người làm cách mạng với nhân dân Việt Bắc nghĩa tình. Giọng thơ bồi hồi, xao xuyến giống như những câu hát giao duyên thuở nào. Những câu chuyện chính trị đưa vào không hề khô khan mà rất trữ tình. “Ta về, ta nhớ những hoa cùng người” Với cách nói giản dị mà vô cùng tinh tế, nhà thơ đã cho thấy đối tượng của nỗi nhớ trong lòng người ra đi là “hoa cùng người” trên mảnh đất chiến khu Việt Bắc. Điệp từ “ta” kết hợp với âm “a” là âm mở khiến nỗi nhớ trở nên vang vọng, mênh mang, dội vào tháng năm, dội vào những kỉ niệm đọng lại trong ký ức của người ra đi, lẫn người ở lại. Hoa trước hết là mang ý nghĩa tả thực chỉ những loài hoa bình dị của núi rừng. Hoa là biểu tượng của thiên nhiên, là biểu tượng của cái đẹp Việt Bắc. Hoa cũng là cách nói hoán dụ cho ta cảm nhận, trong tâm hồn người ra đi thì còn lại là những ký ức rất đẹp. Nối giữa hoa và người là chữ “cùng” một chữ dùng rất tinh tế của nhà thơ. Chữ “cùng” khiến cho hoa và người dường như không còn khoảng cách, mang lại cho người đọc một cảm nhận rằng: trong nỗi nhớ của người ra đi hoa và người là hai hình ảnh đồng hiện và soi chiếu vào nhau. Hoa là biểu tượng của vẻ đẹp thiên nhiên mà cũng là hoa của cuộc đời “Người đẹp như hoa, hoa quý như người” 
Tám câu thơ tiếp theo gói trọn vẻ đẹp Việt Bắc trong bốn mùa. Vẻ đẹp của cảnh và người Việt Bắc trong thời đại mới đã được nhà thơ thể hiện rất thành công. Cái hay của đoạn thơ là chỉ cần dùng một cặp lục bát mà có thể vẽ lên được bức tranh của một mùa. Mỗi mùa trong bức tranh mang một giá trị riêng, độc lập, hài hòa trong một tập thể. Gợi lên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp nơi núi rừng Tây Bắc.


*Luận điểm 1: bức tranh mùa đông

Phân tích bức tranh tứ bình Việt Bắc học sinh giỏi

Bức tranh mùa đông được tái hiện qua hai câu thơ:

“Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng”

Không phải ngẫu nhiên mà bức tranh Việt Bắc trong mùa đông lại được tái hiện trước hết. Cách lựa chọn của nhà thơ chắc hẳn có liên quan đến bối cảnh ra đời của tác phẩm.  Bài thơ được viết vào mùa đông năm 1954 nhân cuộc chia tay lịch sử. Có lẽ chính những hình ảnh trong bức tranh mùa đông được vẽ lên ở hai câu thơ này bắt nguồn từ những ấn tượng của nhà thơ trong chính thời điểm ấy. Bức tranh mùa đông hiện lên với màu xanh bát ngát đó là sắc màu của sự sống, vẻ tươi xanh của núi rừng, và điểm xuyết trên nền xanh bao la là những bông hoa chuối nở rộ lung linh. Từ xa trông tới, bông hoa như bó đuốc thắp sáng rực tạo nên một bức tranh với đường nét, màu sắc vừa đối lập, vừa hài hoà, vừa cổ điển, vừa hiện đại. Trong các gam màu, màu xanh và đỏ luôn là những gam màu có sức ảnh hưởng lớn. Luôn dẫn đầu để tạo ra sự nổi bật, tưởng như đối nghịch nhưng lại rất hài hòa. Chúng đi cùng nhau, nâng đỡ nhau, thắm thiết với nhau như những người chiến sĩ và nhân dân Việt Bắc luôn cần có nhau. Câu thơ làm ta liên tưởng đến màu đỏ của hoa lựu trong thơ Nguyễn Trãi:

"Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ
Hồng liên trì đã tiễn mùi hương"

Cái màu “đỏ tươi” một gam màu nóng của những bông hoa chuối nổi lên giữa màu xanh bát ngát của núi rừng, làm cho thiên nhiên Việt Bắc trở nên tươi sáng, ấm áp xua đi cái lạnh giá của mùa đông. Trước vẻ đẹp tuyệt mĩ của thiên nhiên, con người dường như càng trở nên kì vĩ và hùng tráng. Con người ấy đã trở thành linh hồn của bức tranh mùa đông nơi Việt Bắc:

“Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng”

Thấp thoáng trong câu thơ là bóng dáng của một người dân Việt Bắc. Đó là hình ảnh con người lao động, sản xuất cung cấp cho kháng chiến. Ánh nắng chiếu vào trong dao gài trên thắt lưng tạo lên những ánh sáng phản quang sáng chói. Hình ảnh con người trở thành một điểm sáng trong bức tranh mùa đông. Có thể thấy thiên nhiên không thể che lấp đi vẻ đẹp của con người mà còn làm nổi bật và tôn vinh vẻ đẹp ấy. “Đèo cao” là tư thế đứng hiên ngang, tư thế của con người làm chủ đất nước. Sự xuất hiện của con người càng khiến cho bức tranh mùa đông trở nên sinh động và tươi vui. Đọc hai câu thơ ta có thể cảm nhận được mùa đông trong thơ Tố Hữu không hề lạnh lẽo, u ám. Bởi lẽ, đó là mùa đông chiến thắng lên phải chăng niềm vui đã từ lòng người lan tỏa ra cảnh vật. Thiên nhiên đại ngàn hoang sơ, hùng vĩ, giàu sức sống. Con người lao động lộng lẫy, mang tầm vóc vũ trụ, con người ấy đã trở thành linh hồn của bức tranh mùa đông Việt Bắc.


*Luận điểm 2: bức tranh mùa xuân

Phân tích bức tranh tứ bình Việt Bắc học sinh giỏi

“Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan áo chuốt từng sợi giang”

Nếu như mùa đông là mùa của rừng xanh hoa chuối đỏ, thì mùa xuân là mùa của sắc trắng tinh khôi. “Ngày xuân” gợi lên bước đi của thời gian, một khung cảnh tuyệt đẹp đã hiện lên dưới ngồi bút tài hoa của Tố Hữu. Núi rừng Việt Bắc như sáng bừng lên lúc xuân sang “mơ nở trắng rừng”. Cách nói giản dị như từ cuộc sống bước vào trong thơ. Tuy nhiên giản dị mà vẫn rất tinh tế bởi nó gợi lên một ấn tượng thị giác mạnh mẽ, sự chuyển đổi màu sắc đột ngột của núi rừng Việt Bắc theo bước đi của thời gian. Tác giả dùng đảo ngữ “trắng rừng” chứ không phải rừng trắng, tính từ “trắng” dùng như động từ gợi ra hình ảnh hoa nở rộ làm sáng bừng mùa xuân, cho sự thanh khiết, tinh khôi.      Ngợi ca sự kín đáo của nhà thơ về về đẹp trong sáng nơi tâm hồn con người Việt Bắc. Động từ “nở” hoa nở xòe cánh, bung ra tinh khiết, trong trắng, tinh khôi, dịu mắt. Hoa mơ cũng được Tố hữu từng viết

“Ôi sáng xuân nay xuân bốn mốt
Trắng rừng biên giới nở hoa mơ
Bác về im lặng con chim hót
Thánh thót bờ lau vui ngẩn ngơ”

Qua đó có thể thấy sắc trắng tinh khiết của rừng mơ đã in đậm trong tâm trí nhà thơ đến mức nào. Từ “chuốt” trong câu thơ đã nói lên dáng vẻ con người lao động trong làng nghề đan nón. Dáng vẻ thong dong, nhịp nhàng trong từng động tác, trong sinh hoạt hằng ngày, phẩm chất cần cù, tài hoa, khéo léo làm việc siêng năng, chịu thương, chịu khó mang đến những vành nón nhớ thương. Câu thơ có nhịp điệu thong thả, nhịp nhàng như nhịp sống bình yên của con người Việt Bắc.  Bức tranh mùa xuân thật lãng mạn hài hòa giữa thiên nhiên và con người.


*Luận điểm 3: bức tranh mùa hè

Phân tích bức tranh tứ bình Việt Bắc học sinh giỏi

“Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình”

Bức tranh mùa hè không chỉ có màu sắc mà còn rộn rã âm thanh. Đó là tiếng ve, âm thanh đặc trưng của mùa hè. Tiếng ve khiến khung cảnh núi rừng không còn lặng lẽ mà trở nên rộn rã, tươi vui. Động từ “đổ” gọi cùng lúc hai hoạt động: hoạt động của tiếng ve rộn rã gọi hè và hoạt động của màu vàng của hoa phách. Chữ “đổ” diễn tả một cách tài tình sự chuyển đổi màu sắc đột ngột, đồng thời gợi lên vẻ đẹp của những trận mưa hoa vàng mỗi khi gió thổi, ve kêu gọi hè. Bức tranh thiên nhiên đẹp đẽ, tươi vui đã trở thành cái phông nền tuyệt vời cho sự xuất hiện của con người. Đó là “cô em gái hái măng một mình”, chăm chỉ, cần cù lao động. Cô gái ấy như hòa mình vào bản nhạc rộn rã của tiếng ve, vào bức tranh rực rỡ của sắc vàng rừng phách. Cụm từ “cô em gái” cách gọi vừa trẻ trung, hóm hỉnh, vừa thắm thiết tình cảm gia đình.  Hình ảnh “Cô gái hái măng một mình” ấy gợi nhớ câu ca dao

“Trúc xinh trúc mọc một mình
Em xinh em đứng một mình cũng xinh”

Câu thơ khắc họa hình ảnh cô gái hái măng một mình,thế nhưng người đọc vẫn không cảm thấy cô gái ấy cô đơn, buồn bã. Mà ngược lại, hình ảnh cô gái Việt Bắc trong lao động lại gợi lên sự khỏe khoắn, tươi vui, tràn ngập sức sống. Con người không chịu khuất trước thiên nhiên mà càng trở nên nổi bật.  Trở thành tâm điểm của bức tranh, gợi lên ở người đọc sự hình dung người con gái Việt Bắc cũng là một bông hoa của núi rừng.


* Luận điểm 4: bức tranh mùa thu

Phân tích bức tranh tứ bình Việt Bắc học sinh giỏi

“Mùa thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung”

Cảnh trong bức tranh bốn mùa kết thúc bằng mùa thu tuyệt đẹp. Khung cảnh mùa thu nổi bật với ánh trăng trên mảnh đất chiến khu cách mạng. Ánh trăng rọi trên vòm lá cây rừng, tạo thành một khung cảnh huyền ảo, thơ mộng. Động từ “rọi” gợi tả ánh sáng mạnh, làm sáng bừng cả bức tranh mùa thu. Trong câu thơ “rừng thu trăng rọi hòa bình” cảnh không chỉ đẹp mà còn rất thanh bình, yên ả. Hai chữ “Hòa Bình” gợi ra bức tranh cảnh vật hiền hoà, êm dịu, lãng mạn, báo hiệu sự sống bắt đầu của một cuộc sống mới. Phải là người từng sống trong những ngày tháng gian khổ, nguy hiểm cận kề “giặc đến giặc lùng” mới có thể hiểu trọn vẹn niềm vui, hạnh phúc trong ngày ánh trăng hòa bình. Trong câu thơ “nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung” cụm từ “nhớ ai” gợi cảm giác bâng khuâng xao xuyến. “Nhớ ai “vốn là cách nói quen thuộc trong ca dao tình yêu:

“Nhớ ai bổi hổi, bồi hồi
Như đứng đống lửa như ngồi đống than
Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ
Nhớ ai, ai nhớ bây giờ nhớ ai”

Tối Hữu đã học tập trong ca dao một cách rất tinh tế, chọn lọc khiến cho câu thơ mang một âm điệu ngọt ngào của tình yêu đôi lứa. Qua đó ta càng thấy rõ hơn phong cách độc đáo của hồn thơ Tố Hữu: tính chất trữ tình chính trị và màu sắc dân tộc độc đáo. “Tiếng hát ân tình thuỷ chung” ngợi ca tấm lòng người Việt Bắc giây phút chia xa thiêng liêng và xúc động, tấm lòng ân nghĩa của đồng bào đã được nhà thơ nhắc đến với sự biết ơn sâu sắc.Hình ảnh ánh trăng và tiếng hát đều gợi nhắc đạo lý đối với quá khứ nghĩa tình. Bộ tranh tứ bình mở đầu bằng mùa đông kết thúc bằng mùa thu là một ẩn dụ nghệ thuật. Cách mạng Việt Nam từ u ám, ảm đạm qua thời gian đã trưởng thành và giành thắng lợi to lớn. Mùa thu gợi nhớ mùa thu cách mạng tháng tám thành công- mùa thu của Hòa Bình. 

Đoạn thơ thể hiện sâu sắc sự tài hoa trong phong cách thơ Tố Hữu. Với thể thơ lục bát mang âm điệu ngọt ngào của lục bát cổ điển. Thể thơ lục bát truyền thống được sử dụng một cách nhuần nhuyễn, mang âm hưởng của lục bát trong ca dao. Vận dụng một cách khéo léo kiểu kết cấu đối đáp vốn quen thuộc trong ca dao về tình yêu đôi lứa. Với nghệ thuật vẽ tranh tứ bình học tập được từ hội họa cổ điển Phương Đông. Cùng ngôn ngữ thơ mộc mạc, đậm sắc thái dân gian, giọng điệu thơ trữ tình, ngọt ngào, trìu mến…Nhà thơ đã rất thành công trong việc khắc họa bức tranh bốn mùa Việt Bắc. Qua 10 câu thơ hiện lên một Việt Bắc với thiên nhiên thơ mộng, hữu tình, với con người cần mẫn, chăm chỉ lao động và chung thủy, tình nghĩa với cách mạng và kháng chiến. Đoạn thơ khép lại nhưng dư âm của nó sẽ mãi ngân vang trong lòng người đọc như một khúc tình ca về cuộc kháng chiến và con người kháng chiến.

    Cả đoạn trích như một bản nhạc nhẹ nhàng, tha thiết được hòa tấu bởi khúc tình ca và khúc trường ca về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đầy gian khổ, vất vả, về những người lính cụ Hồ bất khuất. Qua đó nhà thơ cũng bộc bạch được tâm tư, tình cảm của mình với thiên nhiên núi rừng Tây Bắc và nhắc nhở về sự thủy chung son sắc với những con người chất phác, hiền hoà. Đó là những tấm gương phản chiếu về một thời đại vẻ vang của dân tộc. Để cho thế hệ sau ghi nhớ công ơn và mãi tự hào về tổ tiên cha ông chúng ta. Từ đó có ý thức trách nhiệm trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Tác giả : Topbee
Đánh giá bài viết
Đặt câu hỏi
icon-make-question icon-make-question