Phân tích, cảm nhận bài Vị mùa xuân của Vũ Quần Phương
Dẫu sáng tác văn học không phải là sở trường song Vũ Quần Phương vẫn thể hiện được bản sắc riêng của mình. Các tác phẩm thơ ca của ông tuy ít nhưng bài nào cũng có những thành công riêng. Phân tích, cảm nhận bài Vị mùa xuân của Vũ Quần Phương để thấy được điều đó nhé.
Bài thơ Vị mùa xuân của Vũ Quần Phương
“Cô gái thời gian
Vai gánh mùa hoa đang độ thắm
Mưa bụi đang bay với cánh đồng
Chim về gọi lá cho cành biếc
Cá lượn làm duyên với khúc sông
Mùa xuân như một phong thư ngỏ
Tôi đọc lời cha ông đất đai
Ruộng xưa về lại tay cày cuốc
Người trĩu mồ hôi, cây trĩu sai
Tôi đọc trên đường hy vọng cỏ
Phủ ngát chân người đi ước ao
Đất thuộc người làm sinh sôi đất
Tôi thuộc người đi với gian lao.”
Phân tích, cảm nhận bài Vị mùa xuân của Vũ Quần Phương
Mùa xuân luôn mang đến những cảm hứng bất tận cho các nhà thơ, nhà văn. Viết về mùa xuân có biết bao tác phẩm để đời. Khiêm nhường và giản dị bài thơ Vị mùa xuân của Vũ Quần Phương vẫn để lại những dấu ấn riêng,vô cùng đậm nét trong lòng người đọc.
Bài thơ sử dụng thể thơ tự do, hình ảnh chắt lọc và có sức gợi lớn. Nó mang đến một bức tranh thiên nhiên thơ mộng, đầy hương sắc khi mùa xuân đến. Bài thơ cũng đã gieo vào lòng người đọc những tình cảm gắn bó tha thiết với mùa xuân và quê hương đất nước.
Cô gái thời gian
Vai gánh mùa hoa đang độ thắm
Mưa bụi đang bay với cánh đồng
Chim về gọi lá cho cành biếc
Cá lượn làm duyên với khúc sông
Mở đầu bài thơ là một hình ảnh nhân hóa ẩn dụ giàu sức gợi, thời gian đã được ví von giống như cô gái. Trên đôi vai ấy đang gánh màu hoa đương độ đỏ thắm, thể hiện sự rực rỡ và tràn đầy sức sống của mùa xuân đang đến gần. Qua cái nhìn tinh tế của nhà thơ, mùa xuân được cảm nhận giống như một cô gái xinh xắn, dịu dàng là nàng xuân đầy tình ý, thơ mộng. Nàng xuân mang đến sức sống cho mọi cây trái, hoa lá. Cả một mùa hoa thắm trên vai, xuân đến tình tứ, đáng yêu đến thế.
Bức tranh mùa xuân tiếp tục được đặc tả qua những chi tiết chọn lọc tiêu biểu như mưa bụi, chim, cành biếc, cá lượn, khúc sông. Thiên nhiên vạn vật ngoài mang đầy sức sống thì có một điểm chung là chúng rất hoà hợp, quấn quýt với nhau. Dường như chúng đang tôn lên nhau để làm đẹp cho cuộc sống. Mưa bụi như đang bay lẫn trong cánh đồng, tiếp thêm nhựa sống cho cây trái vạn vật; chim ca ríu rít giục chồi non nảy nở trên cành biếc; cá lượn làm khúc sông thêm phần duyên dáng, tình tứ. Thiên nhiên ăn nhập, hoà quyện với nhau thành một khối khăng khít, không thể tách rời. Phải chăng đó cũng chính là niềm mong mỏi, là cảm nhận tinh tế của nhà thơ trước cảnh sắc mà cô gái thời gian mùa xuân đã mang lại?
Khổ thơ thứ hai không đặc tả mùa xuân qua các chi tiết miêu tả thiên nhiên vạn vật nữa. Mà là những cảm nhận, chiêm nghiệm về những giá trị mùa xuân mang lại:
Mùa xuân như một phong thư ngỏ
Tôi đọc lời cha ông đất đai
Ruộng xưa về lại tay cày cuốc
Người trĩu mồ hôi, cây trĩu sai
Trước vẻ đẹp của thiên nhiên và đất trời do mùa xuân mang lại nhà thơ tưởng tượng mùa xuân giống như một phong thư ngỏ. Người đón nhận nó sẽ đọc được những lời nhắn gửi đầy tâm tình của cha ông “Tôi đọc lời cha ông trong đất đai”. Như thế mùa xuân đã lưu giữ cả những truyền thống văn hoá, những lời căn dặn đầy ân tình của cha anh thế hệ đi trước. Trong lời dạy ấy có những gì? Ông cha căn dặn con cháu hãy chăm chỉ tay cày, tay cuốc, chừng nào người nặng trĩu mồ hôi thì thiên nhiên sẽ đền đáp xứng đáng “cây trĩu sai”. Thành quả sẽ là những mùa quả chín ngọt ngào để dâng trọn cho đời. Những câu thơ làm người đọc liên tưởng đến những lời ca dao:
Mồ hôi mà đổ xuống đồng
Lúa mọc trùng trùng sáng cả đồi non
Mạch thơ tiếp tục được phát triển dựa trên ý thơ ở khổ trên. Hai khổ thơ có sự ràng buộc với nhau nhờ sử dụng phép lặp qua cụm “tôi đọc”. Phép điệp kết hợp với ẩn dụ chuyển đổi cảm giác giúp người đọc cảm nhận được những giá trị đích thực hiện hữu mà mùa xuân mang đến cho cuộc sống của con người.
Tôi đọc trên đường hy vọng cỏ
Phủ ngát chân người đi ước ao
Đất thuộc người làm sinh sôi đất
Tôi thuộc người đi với gian lao.”
Bức thư mùa xuân còn ngỏ đã nhắc nhở chúng ta biết bao nhiêu điều giá trị: có ước mơ, có sáng tạo thì chắc chắn thành công sẽ tới. Có gian lao, chăm chỉ thì sẽ có thành quả xứng đáng. Đó cũng là lời nhắn nhủ bao đời của ông cha ta gửi gắm. Những lời răn dạy ấy được nhắc nhở khéo léo và nhẹ nhàng qua những vần thơ. Không cần đao to búa lớn mà cứ chân thành, giản dị nên có sức thấm thía thật lớn ở mỗi người.
Ngay từ cái tiêu đề bài thơ “Vị mùa xuân” đã thật độc đáo, lạ lùng. Mùa xuân không chỉ được cảm nhận qua cái nhìn, qua sự lắng nghe mà bằng cả vị giác. Vị mùa xuân của bài thơ không chỉ là vị ngọt ngào của cây trái mà còn chất chứa cả vị mặn mòi của đất, của mồ hôi. Bài thơ tả mùa xuân, giá trị mà mùa xuân mang đến cho cuộc đời nhưng cũng nhắc nhở nhiều điều ý nghĩa về cuộc sống. Chất chính luận và trữ tình thấm nhuần trong từng dòng thơ và thể hiện cái bản sắc rất đặc trưng của nhà thơ Vũ Quần Phương.
----------------------------------
Trên đây Topbee đã mang tới cho các bạn bài văn Phân tích, cảm nhận bài Vị mùa xuân của Vũ Quần Phương. Bài thơ tiêu biểu cho phong cách và sở trường của nhà phê bình văn học Vũ Quần Phương. Hi vọng những kiến thức trên sẽ giúp các bạn đạt được kết quả cao trong học tập.