Phân tích cấu tứ và hình ảnh bài thơ Trường tôi của Tố Hữu
Tham vấn chuyên môn bài viết
Giáo viên: Hoàng Thị Dung
- Giáo viên Ngữ Văn với 3 năm kinh nghiệm
Tham vấn chuyên môn bài viết
Giáo viên: Hoàng Thị Dung
- Giáo viên Ngữ Văn với 3 năm kinh nghiệm
Cách mạng Tháng 8 thành công, cùng với phong trào đẩy lùi nạn mù chữ, Tố Hữu đã sáng tác bài thơ “Trường tôi” để tặng những chiến sĩ bình dân học vụ. Tác phẩm đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc về cấu tứ và hình ảnh bài thơ.
Dàn ý Phân tích cấu tứ và hình ảnh bài thơ “Trường tôi” của Tố Hữu
1. Mở bài:
- Giới thiệu tác giả Tố Hữu (là nhà thơ trữ tình chính trị, thường viết vấn đề lý tưởng, lẽ sống Cách mạng, lẽ sống cộng sản, vì mục đích chung của đất nước....)
- Giới thiệu tác phẩm Trường tôi (hoàn cảnh sáng tác, khái quát chung về nội dung, nghệ thuật,...)
- Nêu vấn đề nghị luận: cấu tứ và hình ảnh bài thơ Trường tôi
2. Thân bài:
* Khái quát về cấu tứ (cấu tứ là gì? Các yếu tố cấu thành cấu tứ bài thơ, vai trò của cấu tứ...)
* Cấu tứ bài thơ Trường tôi:
+ Lấy câu thơ Trường tôi kiểu cách gì đâu làm câu chủ đề nội dung được triển khai trong cả bài thơ: trường học trong suy nghĩ của tác giả với những điểm khác biệt về địa điểm, cơ sở vật chất và thành phần tham gia.
- Hình ảnh thơ: “mái ngói, tường vôi”>< “nhà tranh, vách đất” là trường học trong hoàn cảnh xã hội lúc bấy giờ chỉ đơn giản là những nơi tạm bợ, không nhất thiết phải chỉn chu, mọi người cùng chia sẻ chỗ ngồi, cùng nhau học tập.
- Hình ảnh “luống cày, bến sông, bãi chợ...” Bất kỳ nơi nào cũng có thể trở thành trường học, nơi mọi người dân đi tìm con chữ.
- “Biển khơi – mặt sóng, ghe câu”; “Rừng sâu – đuốc lửa, đêm thâu”: trường học không chỉ hiện hữu ở những nơi sinh hoạt đồng quê mà còn ở ngoài biển khơi, tận rừng sâu heo hút.
=> Sự hưởng ứng của toàn dân toàn nước trong sự nghiệp đẩy lùi nạn mù chữ...
- Cơ sở vật chất trường học: không mực thì son, bút tre phấn gạch, bảng chung là sự nghèo khó, thiếu thốn vật chất nhưng không thể cản bước đi tìm con chữ của nhân dân.
- Phơ phơ tóc bạc, bạn cùng tóc xanh: không phân biệt tuổi tác, giới tính, giàu nghèo, tất cả mọi người đều có quyền và nghĩa vụ học tập, cùng hỗ trợ nhau học tập, hàn gắn chữa lành vét thương chiến tranh.
- Nghệ thuật: biện pháp đối lập, liệt kê, hình ảnh thơ gần gũi, giản dị, thể thơ, ngôn ngữ đậm chất dân tộc, giọng thơ hồ hởi, phấn chấn, tự hào...
3. Kết bài: Khái quát lại giá trị tác phẩm
Phân tích cấu tứ và hình ảnh bài thơ “Trường tôi” của Tố Hữu
Tố Hữu là nhà thơ trữ tình - chính trị, Đặng Thai Mai đã từng nhận xét: “Với Tố Hữu, thơ là vũ khí đấu tranh cách mạng. Đó chính là đặc sắc và cũng là bí quyết độc đáo của Tố Hữu trong thơ ca”. Quả đúng như vậy, Tố Hữu là sự kết hợp của hai con người: nhà thơ và chiến sĩ cách mạng. Cách mạng Tháng 8 thành công, cùng với phong trào đẩy lùi nạn mù chữ, Tố Hữu đã sáng tác bài thơ “Trường tôi” để tặng những chiến sĩ bình dân học vụ. Tác phẩm đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc về cấu tứ và hình ảnh bài thơ.
Trước hết cấu tứ thơ được hiểu là cách tác giả bố tri và tổ chức các ý và câu trong bài, biến đổi ý tưởng thành cảm xúc và hình ảnh. Nó không chỉ thể hiện suy nghĩ và cảm xúc của tác giả mà còn tạo ra sự liên kết giữa các ý, giúp bài thơ có tính thống nhất và cân đối. Để xác định được cấu tứ cần chú ý đến các yếu tố: nhan đề bài thơ, mạch cảm xúc chính, trình tự triển khai nội dung, nhịp điệu bài thơ, các biện pháp nghệ thuật,...và đặc biệt là hình ảnh thơ, hệ thống hình tượng nghệ thuật. Cấu tứ đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với một tác phẩm. Nó là điểm tựa, vị trí để tác giả triển khai ý tưởng, hoàn thành tác phẩm. Cấu tứ góp phần hình thành phong cách tác giả, tạo nét riêng và khẳng định tài năng, vị thế của người sáng tác. Còn với người đọc, cấu tứ là phương tiện để thâm nhập vào thế giới nghệ thuật, giúp người đọc có cái nhìn trọn vẹn về tác phẩm cũng như tư tưởng, tình cảm tác giả gửi gắm.
Cấu tứ bài thơ Trường tôi của Tố Hữu
Nhan đề Trường tôi là từ khóa để xác định cấu tứ bài thơ. Lấy câu thơ Trường tôi kiểu cách gì đâu làm câu chủ đề, nội dung được triển khai trong cả bài thơ: trường học trong suy nghĩ của tác giả với những điểm khác biệt về địa điểm, cơ sở vật chất và thành phần tham gia.
Trường tôi kiểu cách gì đâu
Không ham mái ngói, chẳng cầu tường vôi
Nhà tranh vách đất đủ rồi
Đình quang chiếm chật, được ngồi là may
Hình ảnh bài thơ Trường tôi của Tố Hữu
“Mái ngói, tường vôi”>< “nhà tranh, vách đất” là những hình ảnh đối lập, thể hiện “trường tôi” không kiểu cách, có những đặc điểm rất khác biệt so với khái niệm trường học nói chung. Trong hoàn cảnh xã hội lúc bấy giờ, trường học chỉ đơn giản là những mái nhà tranh với vách đất tạm bợ, tất cả mọi người cùng chia sẻ chỗ ngồi, cùng nhau đi tìm con chữ. Mặc dù không “mái ngói, tường vôi” nhưng chỉ cần như vậy cũng đủ để người dân gọi nơi mình học tập là trường học.
Trường tôi vui giữa luống cày
Bến sông, bãi chợ, bóng cây, lưng đồi
Trường tôi vui giữa biển khơi
Chữ reo mặt sóng, chữ ngời ghe câu
Trường tôi vui giữa rừng sâu
Chữ theo đuốc lửa, đêm thâu tiếng người
Không chỉ học tại mái nhà tranh nền đất đỏ đơn sơ mà bất kì nơi nào cũng có thể trở thành địa điểm học tập. Hình ảnh “luống cày, bến sông, bãi chợ, bóng cây, lưng đồi” là những địa điểm sinh hoạt, lao động của người dân thế nhưng vì mục tiêu xóa nạn mù chữ, những địa điểm ấy cũng trở thành trường học. Những trường học linh động ấy phục vụ nhu cầu học tập của toàn dân, bất kể đang sinh hoạt hay họp chợ...mọi người đều tranh thủ học chữ, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Những cặp thơ với hình ảnh thơ sóng đôi “Biển khơi – mặt sóng, ghe câu”; “Rừng sâu – đuốc lửa, đêm thâu” cho người đọc thấy được tinh thần học tập không chỉ bó hẹp trong không gian đồng quê mà còn mở rộng ra ngoài biển khơi, nơi có những con sóng “chữ reo” hay cả giữa rừng sâu, nơi ánh đuốc lập lòe với tiếng người thâu đêm. Như vậy chiến dịch xóa nạn mùa chữ được toàn dân, toàn quốc hưởng ứng nhiệt tình. Lời mời gọi “Lại đây, ơi bạn mình ơi!/Trường tôi vang vọng dồn lời nước non” càng nhấn mạnh khí thế sục sôi, hào hứng của phong trào bình dân học vụ. Tác giả dường như cũng hòa vào dòng khí thế ấy, dọng thơ vừa phấn khởi vừa tự hào, thể hiện niềm tin vào sự vực dậy của dân tộc trước hậu quả chiến tranh và tội các của giặc ngoại xâm.
Ta nghèo, không mực thì son
Bút tre phấn gạch, bà con tạm dùng
Nghiêng đầu trên tấm bảng chung
Phơ phơ tóc bạc, bạn cùng tóc xanh
Này em, này chị, này anh
Chen vai mà học, rách lành sao đâu!
I tờ mớm chữ cho nhau...
Nếu những câu thơ đầu là sự khác biệt về địa điểm học tập thì những câu thơ cuối là sự khác biệt về cơ sở vật chất, đối tượng tham gia trường học. Trong hoàn cảnh nghèo khó, thiếu thốn sau chiến tranh thì “son, bút tre, phấn, gạch, bảng” đều có thể trở thành dụng cụ học tập. Đối tượng tham gia học tập cũng không phân biệt tuổi tác, giới tính, giàu nghèo, tất cả mọi người đều có quyền và nghĩa vụ học chữ, cùng hỗ trợ nhau hàn gắn, chữa lành vết thương chiến tranh. Cặp câu thơ cuối chỉ có câu sáu chữ và dấu chấm lửng phải chăng là dụng ý của tác giả muốn thể hiện sự nối tiếp không ngừng của việc học tập? Những người biết chữ giúp đỡ những người không biết chữ, cứ như vậy việc học tập luôn được duy trì, Đảng và toàn dân đẩy lùi và chiến thắng nạn mù chữ.
Thể thơ lục bát truyền thống với âm điệu vừa da diết nhẹ nhàng, vừa hồ hởi phấn chấn kết hợp với phép đối, phép liệt kê, hình ảnh thơ gần gũi, quen thuộc, Tố Hữu đã cổ vũ phong trào học tập của toàn dân trong hoàn cảnh lúc bấy giờ. Đồng thời bài thơ cũng để lại bài học cho thế hệ sau về tinh thần học tập không ngừng nghỉ, không quản khó khăn để kiến thiết và xây dựng đất nước.