Phân tích đặc điểm nhân vật người mẹ trong văn bản Má La
Tính mẹ tôi hay la nhưng những lời rầy la đó lại xuất phát từ tình yêu thương tha thiết mẹ gửi đến tôi. Mong tôi được khôn lớn, trưởng thành, trở thành người có ích cho xã hội. Truyện ngắn Má la được cảm nhận thông qua người kể chuyện ngôi thứ nhất xưng tôi. Người mẹ hay la ấy là một phụ nữ hiền hậu, chất phác luôn yêu thương các con vô điều kiện. Phân tích đặc điểm nhân vật người mẹ trong văn bản Má La dưới đây sẽ giúp các em hiểu thêm về vẻ đẹp phẩm chất của nhân vật này.
Dàn ý phân tích đặc điểm nhân vật người mẹ trong văn bản Má La
1, Mở bài.
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm và nhân vật người mẹ.
- Đánh giá khái quát về nhân vật: Người phụ nữ hay lam hay làm, la mắng con cái nhưng luôn dành cho con tình yêu thương vô bờ bến.
2, Thân bài.
- Hoàn cảnh xuất hiện nhân vật.
- Phân tích những đặc điểm của nhân vật dựa trên các yếu tố hành động, ngôn ngữ, mối quan hệ với các nhân vật khác.
+ Người phụ nghiêm khắc, muốn rèn cho các con những công việc trong gia đình để sau này lớn lên các con có thể tự lập.
+ Người phụ nữ sẵn sàng hy sinh vì gia đình, luôn lặng lẽ đứng sau để theo dõi sự trưởng thành của con.
- Nhân vật được khai thác chủ yếu qua nhận xét, đánh giá của nhân vật người kể chuyện xưng tôi=> nhân vật người mẹ hiện lên chân thực và xúc động.
- Ý nghĩa hình tượng nhân vật: ca ngợi những người phụ nữ trong gia đình với vẻ đẹp tần tảo, yêu thương con cái hết mực.
3, Kết bài.
- Khẳng định vẻ đẹp phẩm chất của nhân vật.
- Liên hệ bản thân.
Phân tích đặc điểm nhân vật người mẹ trong văn bản Má La
Sẽ chẳng có từ ngữ nào có thể diễn tả hết những công lao to lớn của mẹ đã dành cho con cái. Mẹ luôn là người lặng lẽ đứng phía sau, quan tâm, chăm lo, động viên con trên bước đường trưởng thành, khôn lớn. Viết về người mẹ, một đề tài vốn rất quen thuộc trong thơ ca nhưng văn bản Má la lại khai thác trên một phương diện rất khác. Đó là một người mẹ đặc biệt rất hay la mắng con cái, thế nhưng đằng sau đó lại là tình yêu thương tha thiết dành cho những đứa con của mình.
Ngay từ cái tiêu đề của nó Má la đã khiến người đọc ấn tượng, má la tức là người mẹ hay rầy la, quát mắng con. Cái tiêu đề này làm người đọc tưởng tượng đến một người phụ nữ hay nói, hay làm và có phần khó tính. Thế nhưng xuyên suốt tác phẩm người đọc không hề thấy một câu nào của má la, có chăng chỉ là những dòng tường thuật lại từ tâm sự của người con. Qua đó người đọc có thể thấy được những nét phẩm chất tiêu biểu của người phụ nữ này.
Trước hết đây là một người mẹ nghiêm khắc. Sự nghiêm khắc thường được thể hiện qua những lời rầy la. Mỗi khi đi đâu về khi thấy nhà cửa chưa quét, quần áo chưa phơi, bát đũa chưa rửa thế nào má cũng la. Những lời la mắng ấy thật ra đều xuất phát từ sự quan tâm của má dành cho các con. Má muốn rèn cho các con đức tính tự lập, chịu khó trong công việc, để sau này khi có bước vào cuộc đời thì các con sẽ không cảm thấy bỡ ngỡ. Điều đó còn tốt hơn rất nhiều so với những sự nuông chiều quá mức của nhiều người mẹ khác đối với con của mình. Muốn con trưởng thành nên người, muốn con thích ứng với xã hội thì sự nghiêm khắc, uốn nắn con từ nhỏ mới là cách dạy dỗ đúng đắn nhất.
Nhưng sự nghiêm khắc ấy chỉ là vỏ bọc bề ngoài, đằng sau ấy là cả sự quan tâm, yêu thương con của má dành cho đàn con thơ của mình. Vì yêu thương con nên khi ba đứa con của má lần lượt lên Sài Gòn đi làm, đi học mỗi khi các con về thăm nhà má không bắt các con làm việc nhà như hồi xưa mà toàn tranh làm hết. Bởi má biết các con đã vất vả, đã lớn khôn, đã biết tự lo cho cuộc sống của mình. Tình yêu thương ấy không cần thể hiện bằng nhiều lời mà lặng lẽ bằng sự quan tâm ân cần, chăm sóc từ những thứ nhỏ nhặt nhất. Có lẽ với má các con dù đã khôn lớn, trưởng thành thì vẫn là những đứa con bé nhỏ, cần được yêu thương, quan tâm và bao bọc như thuở nào.
Tác phẩm không khắc hoạ bất kỳ chi tiết nào về ngoại hình, tuổi tác, tên, nghề nghiệp của nhân vật người mẹ. Nhân vật hiện lên chủ yếu qua những hồi tưởng, nhận xét từ người con xưng tôi. Với người kể chuyện ngôi thứ nhất, người mẹ ấy hiện lên chân thật hơn, gần gũi hơn, có cảm giác như bằng xương bằng thịt bước ra từ tác phẩm. Người mẹ ấy cũng là hình ảnh đại diện chung cho những người phụ nữ Việt Nam tuy nghiêm khắc với con nhưng luôn dành cho con tình yêu thương tha thiết.
Tác phẩm không khai thác các tình huống kịch tích, lên gân mà lấy từ những chi tiết rất đời thường. Bằng cảm xúc chân thành, bằng sự trân trọng đối với những người phụ nữ, tác giả đã khắc hoạ thành công hình ảnh người mẹ, người phụ nữ hội tụ những phẩm chất tiêu biểu của những người mẹ: chăm chỉ, tảo tần, hết lòng vì con cái.
----------------------------------
Trên đây Topbee đã mang tới cho các bạn bài viết Phân tích đặc điểm nhân vật người mẹ trong văn bản Má La. Truyện ngắn tuy ngắn gọn, tình tiết đơn giản nhưng đã khắc hoạ hình ảnh tuyệt đẹp về người mẹ. Qua đó giúp chúng ta cảm nhận được vẻ đẹp thiêng liêng của tình mẫu tử.