Phân tích, đánh giá từng phần của bài thơ "Tĩnh dạ tứ" của Lý Bạch
“Tĩnh dạ tứ” là một bài thơ nhuốm đầy u hoài được thi tiên Lý Bạch sáng tác vào một đêm trăng thanh tĩnh khi ông rất nhớ quê nhà! Phân tích thi phẩm Tĩnh dạ tứ để hiểu rõ hơn tình yêu quê hương qua nỗi nhớ da diết của thi sĩ nhé.
Phân tích, đánh giá từng phần của bài thơ "Tĩnh dạ tứ" của Lý Bạch
Louise Gluck đã từng : "Nhà thơ không nói với đám đông. Nhà thơ không nói với chính mình”. Vậy cớ sao những vần thơ từ cổ chí kim lại lay động lòng người đến như thế? Bởi lẽ, “Thơ là điệu hồn cho những hồn đồng điệu”, rất tự nhiên mà ta hiểu ý thơ lại rất tự nhiên mà thơ chạm vào hồn ta! Và một lần nữa con tim ta lại rung động khi bắt gặp những trang viết qua Tĩnh dạ tứ (Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh) của nhà thơ Lý Bạch.
Nhắc đến Lý Bạch, những người yêu thơ đều ngưỡng vọng thành tựu nghệ thuật mà ông đạt được, lại càng kính phục hào khí thoát ra từ con người ông. Ông là một trong những gương mặt xuất sắc nhất của thơ Đường, được mệnh danh là “Thi tiên”, “Trích tiên”. Lý Bạch có cá tính phóng khoáng, ưa tự do, thích ngao du thiên hạ và uống rượu, ngâm thơ. Có phải thế chăng mà ông mang hồn thơ tự do, hào phóng với những hình ảnh thơ tươi sáng, kì vĩ cùng ngôn ngữ thơ tự nhiên mà điêu luyện. Một trong những sáng tác tiêu biểu của Lý Bạch không thể không nhắc đến đó là thi phẩm Tĩnh dạ tứ (Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh). Bài thơ được viết theo thể thơ Ngũ ngôn tứ tuyệt cùng đề tài tình yêu quê hương đất nước. Đây là đề tài trở đi trở lại trong thơ ông vì chỉ có tuổi thơ ông mới được gần gũi, gắn bó với quê hương. Sau đó, quê hương chỉ hiện về trong hoài niệm của thi nhân. Vì vậy, Thi phẩm được sáng tác trong một đêm trăng thanh tĩnh khi nhà thơ trông trăng mà nhớ quê nhà.
Có người nói: “Thơ Lý Bạch tràn ngập ánh trăng”, hình ảnh trăng qua lăng kính của Lý Bạch hết sức đa dạng, ý nghĩa và vô cùng phong phú. Đọc “Tĩnh dạ tư” ta thấy ngập tràn một màu hoài niệm, ngập tràn ánh trăng. Trăng soi tỏ khắp cả bài thơ, trên trời, dưới đất đến đầu giường, trăng soi cả vào lòng thi nhân, chiếu lên nỗi niềm tha hương của người khách tang hải nhớ quê mà chẳng thể trở về. Trước hết, hai câu thơ đầu gợi tả cảnh đêm trăng, sương xuống đẹp đẽ và huyền ảo:
“Sàng tiền minh nguyệt quang
Nghi thị địa thượng sương”
Tác giả kể về một đêm trăng, hiện lên thời gian về đêm làm ngời lên không gian với ánh trăng tràn ngập căn phòng, đặc biệt sáng tỏ nơi đầu giường. Không dừng lại ở đó, hai chữ “minh” và “quang đều nói về ánh sáng, bổ sung cho nhau làm trăng sáng lại càng sáng tỏ hơn khi diễn tả qua từ “quang”. Hơn nữa, ngay nhan đề bài thơ, độc giả đã cảm nhận ngay được sự tĩnh lặng qua hai từ “tĩnh dạ” nhưng đến đây sự tĩnh lặng ấy còn được gợi tả trong một không gian tràn ngập màu sắc, tràn ngập ánh trắng mà không hề xuất hiện âm thanh-sự tĩnh lặng tuyệt đối! Không những thế, hai câu thơ còn đem đến cảm giác lạnh của đêm trăng được gợi lên qua liên từ so sánh “ngỡ mặt đất phủ sương”. Dường như trăng quá sáng nên ánh trăng đã chuyển từ màu vàng sang màu trắng nhẹ nhàng, huyền ảo nên ánh trăng ngỡ là làn sương. Thi nhân như tưởng ánh trăng là sương phủ nên có một ảo giác về mùa thu. Bởi lẽ trong bốn mùa, sương mùa thu được nhắc đến nhiều hơn cả! Những liên tưởng của tác giả đã đem đến tới sự chuyển đổi cảm giác, tác giả đã chuyển từ nhận biết bằng thị giác (nhìn ánh trăng) đến sự cảm nhận bằng xúc giác (sương thu lạnh). Hai chữ “nghi thị” - (ngỡ là) cho thấy cảnh được cảm nhận qua cảm xúc chủ quan của tác giả.
Như vậy, hai câu thơ đầu giúp ta thấy được mối quan hệ giữa tĩnh và động. Cảnh trong cảm nhận của Lý Bạch thật tĩnh, ánh trăng đến vào khi con người đang mơ màng, mơ mang nhìn ánh trăng như những sợi tơ bàng bạc, mỏng manh như những sợi tơ trên mặt đất mà lại ngỡ là sương phủ. Người đọc thấy như cảnh tĩnh lặng, người tĩnh lặng nhưng khi đọc kĩ ta lại thấy những tĩnh lặng bên ngoài ấy ẩn chứa bao dao động bên trong tâm hồn. Quê hương hiện về trong những phút lắng sâu của cảm xúc làm nỗi nhớ trào dâng lên như một cơn sóng. Bằng vài nét chấm phá đơn sơ, tác giả đã vẽ nên một bức tranh phác thảo, làm phông nền cho những suy tư nội tâm, tình ẩn trong cảnh, cảnh chan chứa tình!
Cảnh vật là chất xúc tác rất mãnh liệt khiến cho những người tha hương nhớ về quê nhà. Nếu hai câu đầu nêu tình huống cảnh, làm xuất hiện tình cảm nhớ quê thì hai câu thơ sau bộc lộ tình cảm tự nhiên, hợp lí theo quy luật “tức cảnh sinh tình”:
“Cử đầu vọng minh nguyệt
Đê đầu tư cố hương”
Thơ Đường là thơ của sự đăng đối, hài hoà. Trong bài thơ, tác giả đã sử dụng thành công phép đối, đối từ, đối thanh, đối ý: “cử đầu”-“đê đầu”, “vọng”-“tư”, “minh nguyệt”-“cố hương”. “Cử đầu”, “đê đầu” nghĩa là “ngẩng đầu”, “cúi đầu”, là tư thế quen thuộc của người phương Đông. Với những nhà thơ khác, tư thế ấy là để chiêm nghiệm cái hữu hạn của kiếp người thì với Lý Bạch lại là sự suy ngẫm về tình quê. “Cử đầu vọng” là cái nhìn hướng ngoại còn “đê đầu tâm” là cái nhìn hướng vào nội tâm, vào nỗi nhớ, vào hoài niệm. Điểm hướng tới của hai hướng nhìn là “trăng sáng” và “cố hương”. Không chỉ như vậy, “trăng sáng” vừa là hình ảnh tả thực vừa là cầu nối về quê hương, nối quá khứ với hiện tại. Tác giả nhìn trăng sáng mà nhớ cố hương, trăng như trở thành biểu tượng cho quê hương, trăng trên núi Nga Mi, trăng từ thời ấu thơ vẫn luôn ám ảnh trong tâm trí của tác giả. Qua đó, tác giả thể hiện tình yêu quê hương thiết tha, sâu nặng của người con xa xứ. Tác giả không nói nhớ quê da diết như thế nào nhưng chỉ bằng hai chữ “cố hương” đã lắng đọng bao suy nghĩ, xúc cảm. Cố hương là những kỉ niệm ấu thơ, là gia đình, là sự gắn bó đã trở thành máu thịt. Ta như liên tưởng đến hai câu thơ của Thôi Hiệu:
“Quê hương khuất bóng hoàng hôn.
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai”
Quả thực, bài thơ không chỉ gửi gắm tình quê mà còn khắc tả một tư thế nhớ quê. Có phải thế chăng mà đọc bài thơ, độc giả thấy thấm thía, lan toả trong tâm hồn mình.
Bài thơ làm theo lối cổ thể, không bị ràng buộc bởi những quy tắc niêm luật chặt chẽ, nhưng vẫn có kết cấu phổ biến của một bài thơ Đường: hai câu đầu tả cảnh, hai câu sau sinh tình. Cùng với đó là nghệ thuật đối tài tình bộc lộ nỗi lòng nhớ quê của tác giả. Bên cạnh đó, tác giả thực sự tài tình khi tạo dựng hình ảnh và sử dụng từ ngữ đặc sắc. Đó là hình ảnh ánh trăng hết sức gần gũi, thân thuộc cùng cách liên tưởng đến màn sương vừa giản dị, tự nhiên vừa bất ngờ, thú vị. Bài thơ ngắn gọn nhưng có cả cảnh cả tình cùng những ngôn từ bình dị mà ý tứ hàm súc, sâu xa. Qua đó, bài thơ đã thể hiện một cách nhẹ nhàng mà thấm thía tình quê hương thiết tha của người con xa xứ trong đêm trăng thanh tĩnh!
Nếu cái hay của bài "Xa ngắm thác núi Lư" là sự rộng lớn, hùng tráng của thiên nhiên được diễn tả bằng sức tưởng tượng phi thường, phong phú, thì cái hay của thi phẩm “Suy nghĩ trong đêm thanh tĩnh" là độ sâu của cảm xúc, ở sự thầm kín, bình dị và đầy chất thơ của cảnh vật. Và thử hỏi, khi đọc “Tĩnh dạ tứ” , nếu như ta không có lòng yêu quê hương da diết, làm sao có thể hiểu ý thi tiên Lý Bạch khi “Đê đầu tư cố hương”!
--------------------------------------
Trên đây là bài viết Phân tích, đánh giá từng phần của bài thơ "Tĩnh dạ tứ" của Lý Bạch do Topbee biên soạn. Hi vọng bài viết giúp ích cho các bạn trong quá trình học tập. Chúc các bạn học tốt môn Văn!