image hoi dap
image hoi dap

Phân tích hình tượng Sông Đà qua đoạn Hùng vĩ sông Đà không phải chỉ đến tan xác ở khuỷnh sông dưới

icon-time9/12/2023

Người lái đò Sông Đà là một trong những tác phẩm trọng điểm của kì thi THPTQG. Dưới đây là bài phân tích do tôi biên soạn nhằm giúp các bạn xây dựng nền tảng kiến thức cho kì thi.


Dàn ý Phân tích hình tượng Sông Đà qua đoạn Hùng vĩ sông Đà không phải chỉ

Mở bài:

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm

- Giới thiệu vấn đề cần nghị luận

Thân bài:

- Phân tích lời đề từ

Luận điểm 1: hùng vĩ Sông Đà qua cảnh đá bờ sông dựng vách thành

- “vách đá thành chẹt lòng Sông Đà như một cái yết hầu, chi tiết người đứng bên này bờ sông nhẹ tay ném hòn đá sang bên kia vách, chi tiết con nai, con hổ vọt từ bên này sang bờ bên kia, “ngồi trong khoang đò qua quãng ấy, đang mùa hè mà cũng thấy lạnh

==>  miêu tả so sánh đầy liên tưởng táo bạo, khiến cho Sông Đà hiện lên với vẻ đẹp hùng vĩ, hoang dại đầy nguy hiểm.

Luận điểm 2: quãng mặt ghềnh Hát Lóong

- “dài hàng cây số nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm”, “Lúc nào cũng đòi nợ xuýt bất cứ người lái đò nào tóm được qua quãng ấy”

==> câu văn dài bị chặt ra thành nhiều khúc ngắn, diễn đạt bằng cách điệp từ, điệp cấu trúc và tăng tiến tạo nên nhịp điệu khẩn trương, dồn dập đầy nguy hiểm,một cảnh tượng hỗn loạn, dữ dội.

Phân tích hình tượng Sông Đà qua đoạn Hùng vĩ sông Đà không phải chỉ đến tan xác ở khuỷnh sông dưới

Luận điểm 3: quãng Tà Mường Vát dưới Sơn La

- “Trên sông bỗng có những cái hút nước giống như cái giếng bê tông thả xuống sông để chuẩn bị làm móng cầu”, “Trên mặt cái hút xoáy tít đáy, cũng đang quay lừ lừ những cánh quạ đàn”, “những cái giếng sâu nước ặc ặc lên như vừa rót dầu sôi vào”, “Nhiều bè gỗ rừng đi nghênh ngang vô ý là những cái giếng nước ấy luôn tụt xuống... tan xác ở khuỷu sông dưới”. 

==> Sông Đà hung bạo như một thú kẻ thù số một

Luận điểm 4: phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân

Kết bài:

- Khát quát lại nội dung, tình cảm của tác giả


Phân tích hình tượng Sông Đà qua đoạn Hùng vĩ sông Đà không phải chỉ

    Tố Hữu đã từng nói “văn học thực chất là cuộc đời. Văn học sẽ không là gì cả nếu không vì cuộc đời mà có. Cuộc đời là nơi suất phát cũng là nơi đi tới của văn học”. Hay nhà thơ Trần Dần cũng nói rằng “nhà thơ là người phu chữ” thì ta có thể gọi Nguyễn Tuân là “bậc thầy của ngôn từ”. Ông có phong cách độc đáo, tài hoa uyên bác, luôn khám phá con người ở phương diện tài hoa nghệ sĩ, khám phá vạn vật ở phương diện thẩm mỹ. Nguyễn Tuân là người “suốt đời đi tìm cái đẹp”, luôn sống với chủ nghĩa “xê dịch” và chán ghét những thứ tầm thường. Tập tùy bút “người lái đò Sông Đà” đã khẳng định bước chuyển hóa mới trong văn chương của tác giả, là dấu son mới mẻ trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Tuân. Người lái đò Sông Đà nói riêng và tập tùy bút Sông Đà nói chung là thành quả nghệ thuật đẹp đẽ mà Nguyễn Tuân thu được trong chuyến đi gian khổ mà hào hùng tới miền Tây Bắc xa xôi. Không chỉ để thỏa mãn niềm khao khát xê dịch mà chủ yếu để tìm kiếm chất vàng mười của thiên nhiên cùng thứ vàng mười đã qua thử lửa nơi tâm hồn con người Tây Bắc. Sông Đà hiện lên với vẻ hung bạo, dữ dội là thứ kẻ thù số một của con người: “Hùng vĩ của Sông Đà không phải chỉ có thác đá... bị dìm và đi ngầm dưới lòng sông đến mười phút sau mới thấy tan xác ở khuỷu sông dưới…” Qua đoạn trích, ta thấy được phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân hết sức độc đáo, mang nhiều chuyển biến mới mẻ.

    Sông Đà hiện lên với nhiều vẻ đẹp, mang phong cách riêng. Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Tuân đã đưa hai câu thơ của Nguyễn Quang bích làm đề từ cho bài tùy bút của mình:

“Chúng thuỷ giai đông tẩu
Đà Giang độc Bắc  lưu”
(Mọi dòng sông đều chảy về hướng Đông
Chỉ có sông đà chảy theo hướng Bắc)

Lời đề từ đã gây bao tò mò, hứng thú gợi lên một cái gì đó kỳ lạ, khác thường ngược đời của dòng sông. Dường như Sông Đà cũng mang một phong cách riêng giống như cái tôi “ngông” của nhà thơ Nguyễn Tuân. Nguyễn Tuân là một nhà thơ có cá tính nghệ thuật độc đáo không chấp nhận những cái gì đã thành cũ mòn. Cũng như Sông Đà không chịu khuôn mình theo hướng chảy chung của đại đa số các dòng sông khác mà chọn cho mình một hướng chảy riêng. Có thể nói Nguyễn Tuân đã khai sinh ra dòng Sông Đà một lần nữa - một dòng sông độc đáo cho văn chương Việt Nam. Từ khi sinh ra, Sông Đà làm mình làm mẩy với người dân Tây Bắc, trở thành thứ kẻ thù số một của con người nơi đây. Mở đầu tác phẩm Sông Đà hiện lên với hình ảnh hung dữ, mang nét tính cách hung bạo. Cái hung bạo của Sông Đà không chỉ ở những con thác, mà còn ở cái hùng vĩ kết hợp với vẻ huyền bí, hoang sơ của dòng sông qua cảnh đá bờ sông dựng vách thành. Nhà văn Thạch Lam đã từng nói rằng: “công việc của nhà văn là phát hiện ra cái đẹp ở chỗ không ai ngờ tới, tìm cái đẹp kín đáo và che lấp của sự vật, để cho người đọc một bài học trông nhìn và thưởng thức”. Có lẽ Nguyễn Tuân đã đưa hình ảnh Sông Đà, mang đến cho đọc giả những cảm nhận rất thực về thiên nhiên Tây Bắc. Sông Đà lúc nào cũng mang trên mình sự hung bạo, khiến cho người ta luôn có cảm giác sợ hãi mỗi khi đến đây. Thế nhưng qua ngồi bút điêu luyện của Nguyễn Tuân, Sông Đà luôn mang trong mình một vẻ đẹp huyền bí, cuốn hút, khiến cho người đọc dù sợ hãi đến đâu vẫn luôn muốn khám phá, tìm tòi dòng sông ấy. Cảnh đá bờ sông dựng vách thành được Nguyễn Tuân miêu tả một cách công phu bằng những hình ảnh giàu sức gợi, liên tưởng so sánh, độc đáo và đầy thú vị. Vách đá ấy khiến lòng sông bị thu hẹp lại. Để người đọc có thể cảm nhận được độ hẹp của lòng sông qua quãng này, nhà văn đã có một so sánh thú vị “vách đá thành chẹt lòng Sông Đà như một cái yết hầu”.  Động từ “chẹt” kết hợp với cách liên tưởng độc đáo của nhà văn đã gợi lên sự nguy hiểm tột độ của dòng sông. Nguyễn Tuân đã dùng một bộ phận của cơ thể người để gửi tả cảnh thiên nhiên, cho thấy ngồi bút tài hoa trong việc miêu tả hình tượng con Sông Đà. Thế nhưng dường như vẫn chưa đủ, nhà văn còn muốn tô đậm ấn tượng về độ hẹp của dòng sông bằng một loạt chi tiết và hình ảnh khác. Chi tiết người đứng bên này bờ sông nhẹ tay ném hòn đá sang bên kia vách, chi tiết con nai, con hổ vọt từ bên này sang bờ bên kia. Ấn tượng hơn nữa là việc “ngồi trong khoang đò qua quãng ấy, đang mùa hè mà cũng thấy lạnh”. Đây là những câu văn miêu tả so sánh đầy liên tưởng táo bạo của nhà văn Tây Bắc, khiến cho Sông Đà hiện lên với vẻ đẹp hùng vĩ, hoang dại đầy nguy hiểm.

Cái hung bạo dữ dội ấy còn được miêu tả qua quãng mặt ghềnh Hát Lóong. Chỉ vẻn vẹn hai câu thế nhưng đã có thể đủ sức khiến quãng sông này như sống dậy trong trang văn. Ông tiếp tục đưa chúng ta vào hành trình khám phá con sông này với vẻ đẹp hung bạo dữ dằn, các câu văn dài được chia thành nhiều vé, các vế lại được cấu trúc theo kiểu tăng tiến “dài hàng cây số nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm”. Một câu văn dài bị chặt ra thành nhiều khúc ngắn, diễn đạt bằng cách điệp từ, điệp cấu trúc và tăng tiến tạo nên nhịp điệu khẩn trương, dồn dập đầy nguy hiểm của sóng và gió. Tất cả đã làm hiện lên trước mắt người đọc một cảnh tượng hỗn loạn, dữ dội của nước, đá, sóng, gió. Tưởng như Sông Đà đã biến thành một con quỷ quái đang gào thét trong cơn thịnh nộ. Lúc nào cũng đòi nợ xuýt bất cứ người lái đò nào tóm được qua quãng ấy, Sông Đà có thể bất chấp hết tất cả, ngay cả tính mạng con người để đạt được điều nó mong muốn. Nguyễn Tuân đã gợi một cảm giác sợ hãi tột độ nơi người đọc. Bằng cách viết ấy nhà văn biến Sông Đà thành một kẻ ngang ngược và luôn vô lý luôn đòi nợ bất cứ người nào kể cả người không mắc nợ mình.  Động từ “xô” được ngăn cách bởi từ, liên tiếp tạo nên sự trùng điệp làm cho con sông hiện lên với vẻ dữ tợn hơn bao giờ hết.

Cái dữ tợn ấy còn được hiện lên qua quãng Tà Mường Vát dưới Sơn La. Trong đoạn văn, một đạo quân ngôn ngữ đã được tung ra nhằm tái hiện lại không chỉ hình ảnh mà còn thấy sự ghê gớm của những cái hút nước Sông Đà. “Trên sông bỗng có những cái hút nước giống như cái giếng bê tông thả xuống sông để chuẩn bị làm móng cầu” nhà văn đã khiến người đọc cảm thấy trước mắt mình là cảnh tượng sóng nướt xoáy tít đáy. Nhà văn khiến người đọc kinh ngạc khi miêu tả những âm thanh của cái hút nước “nước ở đây thở và kêu như cửa cống cái bị sặc. Trên mặt cái hút xoáy tít đáy, cũng đang quay lừ lừ những cánh quạ đàn”, “những cái giếng sâu nước ặc ặc lên như vừa rót dầu sôi vào”. Có lẽ chỉ có nhà văn Nguyễn Tuân mới có thể tìm ra được những từ ngữ, hình ảnh so sánh, nhân hóa độc đáo, chính xác đến thế. Những câu văn miêu tả rất thực, khiến cho người đọc bỗng có cảm giác rợn ngợp khi nghe những âm thanh dữ dội hùng vĩ của cảnh hút nước trên mặt Sông Đà đó. “Nhiều bè gỗ rừng đi nghênh ngang vô ý là những cái giếng nước ấy luôn tụt xuống... tan xác ở khuỷu sông dưới”. Nhà văn đã phối hợp nhuần nhuyễn giữa bút pháp tả và kể, làm hiện lên hình ảnh Sông Đà hung bạo như một thú kẻ thù số một. Nguyễn Tuân còn có một sự liên tưởng rất táo bạo “một anh bạn quay phim táo tợn” .Chưa từng có một tác phẩm nào mà Nguyễn Tuân lại truyền cho người đọc cảm giác sợ hãi, căng thẳng tột độ như chính mình ngồi trên cái thúng nước kia.

Qua đoạn trích trên ta thấy rõ được phong cách nghệ thuật độc đáo chỉ có riêng ở nhà văn Nguyễn Tuân. Ông là nhà văn luôn thèm khát những cảm giác mới lạ. Qua đoạn trích trên ta thấy được Nguyễn Tuân không thích những gì bằng phẳng, theo khuôn phép mà văn ông luôn tìm đến cái độc đáo, mãnh liệt dữ dội tuyệt mỹ như cái dữ dội của Sông Đà. Qua đó ta cảm nhận được ông là nhà văn có tình yêu thiên nhiên tha thiết, ông có những phát hiện tinh tế và độc đáo về dòng sông ở mọi góc nhìn. Nguyễn Tuân còn là một người rất tài hoa, uyên bác. Ông vận dụng con mắt của mình, miêu tả Sông Đà ở nhiều góc độ nhằm tăng tính thuyết phục đến người đọc. Điều đó khiến cho những trang văn của ông đầy ấp thông tin.

  Tùy bút “người lái đò Sông Đà” của Nguyễn Tuân đã đem đến cho chúng ta những hiểu biết rõ hơn về vẻ đẹp thiên nhiên của núi rừng Tây Bắc. Sông Đà hiện lên với vẻ đẹp hùng vĩ, hoang dại thể hiện sự say đắm trước vẻ đẹp của thiên nhiên, mang nhiều nét mới lạ. Tác giả không chỉ ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên mà còn ca ngợi vẻ đẹp của người dân lao động nơi đây, những con người tài trí, dũng cảm vẫn hằng ngày lao động trên dòng sông hung dữ, thách thức mọi khó khăn.

Trần Thùy Dương
Đánh giá bài viết
Đặt câu hỏi
icon-make-question icon-make-question