Phân tích khổ 2 Tây Tiến
Khổ thơ thứ hai của bài Tây Tiến là một trong những khổ thơ hay, ý nghĩa trong tác phẩm. Mời các bạn cùng Topbee đi sâu vào phân tích cũng như cảm nhận rõ hơn vẻ đẹp trong khổ thơ ấy.
Dàn ý Phân tích khổ 2 Tây Tiến
Mở bài:
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm
- Giới thiệu vấn đề nghị luận
Thân bài:
*4 câu đầu: kỉ niệm đêm liên hoan lửa trại
- “Bừng lên” là một động từ diễn tả trạng thái đột ngột, mạnh mẽ của ánh sáng
- “Đuốc hoa” ánh sáng xua tan đi cái u ám, cái lạnh giá của núi rừng
- “Em” vừa xuất hiện đã trở thành linh hồn của đêm liên hoan lửa trại
- “Nàng e ấp” duyên dáng, kín đáo, tình tứ của những người con gái
- Tiếng “khèn man điệu” Xua tan đi mọi cảm giác mệt mỏi, vất vả
*4 câu tiếp: khung cảnh chia tay
- Chữ “ấy” như lạc vào miền ký ức sâu thẳm, vừa thực vừa mộng
- “Hồn lau nẻo bến bờ” là linh hồn tạo vật hay chính nỗi nhớ thương của nhà thơ đã cho những tạo vật ấy có một linh hồn
- Hai cụm từ nghi vấn “có thấy”, “có nhớ”
- “Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa” sử dụng biện pháp đối
Nêu nội dung, nghệ thuật của đoạn trích
Kết bài: khái quát nội dung, tình cảm của tác giả
Phân tích khổ 2 Tây Tiến
Nhà thơ Văn Long đã từng nhận xét: “Nhà thơ Quang Dũng độc đáo một cách hồn nhiên, ông cứ sống tự nhiên như chim trên trời, cá dưới nước mà thành độc đáo. Bài thơ “Tây Tiến” hội tụ được cả cái bi, cái tráng của thời đại. Cái buồn lãng mạn của người tiểu tư sản, tiểu trí thức do biết mình được đón nhận một chân lý lớn nhưng cũng đồng thời đón nhận một gian nan lớn”. Thật đúng vậy, hồn thơ Quang Dũng phóng khoáng, hồn hậu, lãng mạn tài hoa. Đặc biệt khi ông viết về người lính Tây Tiến và xứ Đoài mây trắng. Bài thơ “Tây Tiến” được viết vào cuối năm 1948 khi Quang Dũng chuyển đơn vị công tác. Trong dịp về dự đại hội toàn quân của làng Phù Lưu Chanh thuộc tỉnh Hà Đông cũ, Quang Dũng nhớ đơn vị cũ của mình da diết đã bật lên thành tiếng thơ. Mở đầu tác phẩm là nỗi nhớ về cuộc hành quân gian khổ của binh đoàn Tây Tiến trên nền cảnh thiên nhiên miền Tây. Nổi bật được thể hiện qua đoạn trích:
“Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”
Đoạn thơ mở ra một thế giới khác của miền Tây tổ quốc. Cảnh núi rừng hoang vu, lạnh lẽo lùi dần để bất ngờ hiện ra vẻ mỹ lệ, nên thơ của cảnh vật và con người nơi đây. Quang Dũng đã bị hấp dẫn trước về đẹp mang màu sắc bí ẩn của cảnh sắc nơi xứ lạ phương xa. Cảnh ấy, người ấy được hiện lên trong một đêm liên hoan lửa trại bập bùng và một buổi chiều sương mơ màng trên sông nước:
“Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
…………………………………..
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ”
Bốn câu thơ trên gợi không khí tươi vui của đêm liên hoan văn nghệ. Một không gian thơ mộng ngay giữa lòng rừng núi, một đêm liên hoan đã diễn ra trong không khí hân hoan của mọi người. Câu thơ “doanh trại bừng lên hội đuốc hoa” làm cho cả không gian núi rừng như sáng bừng lên. “Bừng lên” là một động từ diễn tả trạng thái đột ngột, mạnh mẽ của ánh sáng. Đó là sự bừng lên của lửa trại và cũng chính là sự bừng lên của tiếng khèn, tiếng hát, tiếng cười nói rộn rã. Những bó đuốc ấy được tác giả mỹ lệ hóa thành những ngọn “đuốc hoa”, gợi liên tưởng đến hoa chúc trong ngày hạnh phúc của cặp vợ chồng mới cưới. Ánh sáng của đuốc hoa xua tan đi cái u ám, cái lạnh giá của núi rừng, thắp sáng lên ngọn lửa hy vọng, tràn ngập niềm vui trong lòng người chiến sĩ trẻ. Trong không khí tưng bừng ấy, các cô gái đã xuất hiện mang đến nhiều bất ngờ mới “kìa em xiêm áo tự bao giờ”. Nhân vật “em” vừa xuất hiện đã trở thành linh hồn của đêm liên hoan lửa trại. Cuộc hội ngộ bất ngờ giữa chốn núi rừng hoang vu như tưới mát tâm hồn của những người lính. Họ hòa mình vào đêm lễ hội, cùng giao lưu trong tiếng nhạc rộn rã, tưng bừng. Một cảnh tượng rất vui tươi mà cũng rất tình tứ. Cụm từ “nàng e ấp” nói lên vẻ duyên dáng, kín đáo, tình tứ của những người con gái trong đôi mắt đa tình của người chiến sĩ trẻ. Tiếng khèn man điệu kết hợp với câu thơ toàn thanh bằng tạo nên độ dịu dàng, lãng mạn của tâm hồn người lính. Xua tan đi mọi cảm giác mệt mỏi, vất vả thay vào đó là tấm lòng yêu đời, yêu cuộc sống. Chính những giây phút đẹp đẽ của đêm lửa trại ấy đã để lại bao kỉ niệm đẹp đẽ trong đời lính. Hiện thực khắc nghiệt của chiến tranh cũng không thể mờ đi tâm hồn lãng mạn, hào hoa nơi những chàng trai trẻ vốn ra đi từ đất Hà Thành. Bốn câu thơ tiếp theo là khung cảnh chia tay trên miền sông nước miền Tây hoang vắng, tĩnh lặng, đầy thơ mộng:
“Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
……………………………....
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”
Giây phút vui vẻ ấy đã kết thúc, cuộc hội ngộ nào rồi cũng đến lúc chia tay. Giây phút chia tay ấy đã để lại bao luyến thương trong lòng kẻ ở người đi. “Người đi Châu Mộc chiều sương ấy” cách sử dụng từ vô cùng hàm xúc. “Chiều sương ấy” nói lên sự tài hoa của Quang Dũng. Đọc câu thơ ta như lạc vào một buổi chiều sương giăng mờ ảo trên sông nước mênh mang. Vậy người ra đi ở đây là ai? Là những người lính họ phải rời xa mảnh đất miền Tây nơi từng có bao kỉ niệm đẹp. Chữ “ấy” như lạc vào miền ký ức sâu thẳm, vừa thực vừa mộng. Trong buổi chiều sương mờ ảo ấy tưởng như mỗi cảnh vật đều có một linh hồn. Cách nói “hồn lau nẻo bến bờ” gợi cảm giác trong mỗi nhánh cây ngọn cỏ là một mảnh hồn thiêng nào đó. Đó là linh hồn tạo vật hay chính nỗi nhớ thương của nhà thơ đã cho những tạo vật ấy có một linh hồn. Cuộc đời người lính gắn liền với hoa lau vùng Tây Bắc, nay phải tạm chia xa. Nỗi nhớ ấy càng trở nên da diết, bâng khuâng. Trên những dòng sông giữa đôi bờ cổ tích ấy hiện lên dáng hình uyển chuyển, mềm mại của một người con gái trên chiếc thuyền độc mộc. Trong khổ thơ này Quang Dũng đã mở đầu hai câu thơ bằng hai cụm từ nghi vấn “có thấy”, “có nhớ”. Nhờ đó câu hỏi tu từ cũng như lời tự vấn da diết khắc khoải. Phải chăng đó là dáng hình kiêu dũng của người lính Tây Tiến đang chèo chống con thuyền vượt thác tiến thẳng về phía trước. Câu thơ cuối “trôi dòng nước lũ hoa đong đưa” sử dụng biện pháp đối. Đối giữa cái dữ dội của dòng nước đang cuộn trào chảy với cái mềm mại của hoa đong đưa. Thiên nhiên như hòa vào cảm xúc của con người. Tạo lên một bức tranh vùng Tây Bắc thật lãng mạn nhưng cũng không kém phần hào hùng.
Khổ thơ đã tái hiện lại kỷ niệm đẹp về một đêm liên hoan lửa trại ấm áp tình quân dân. Đọc xong đoạn thơ, ta như lạc vào thế giới của cái đẹp. Đó là vẻ đẹp toát lên từ cảnh vật, từ lòng người. Đoạn thơ cũng là minh chứng cho tính lãng mạn trong hồn thơ Quang Dũng. Nếu xem Tây Tiến là một bài hát về người lính thì đoạn thơ là khúc hát mang giai điệu êm đềm. Đoạn thơ như khiến ta được sống lại với những năm tháng cuộc đời kháng chiến chống Pháp tuy gian khổ mà đầy tươi vui.
Đoạn thơ góp phần làm nên sự thành công của bài thơ Tây Tiến. Tác phẩm thể hiện rõ bút pháp lãng mạn của Quang Dũng trong cách nhìn, cách miêu tả. Nhà thơ sử dụng ngôn ngữ gợi cảm, nhiều chi tiết hình ảnh cây liên tưởng thú vị. Kết hợp với giọng thơ sâu lắng, thơ mộng, trữ tình vẽ lên một bức tranh miền Tây tổ quốc tuyệt đẹp.
Bài thơ Tây Tiến đã cho thấy sự thành công của Quang Dũng trong việc dựng lên bức tượng đài bất tử về hình tượng người lính. Với âm hưởng thơ hòa quyện giữa hiện thực và lãng mạn Quang Dũng đã vẽ lên một bức tranh thiên nhiên Tây Bắc vừa hoang sơ hiểm trở lại vừa thơ mộng trữ tình. Xen vào đó là hình tượng con người với vẻ đẹp hào hoa, bi tráng. Tây Tiến đã trở thành một dấu ấn thiêng liêng với nhà thơ Quang Dũng và với tất cả chúng ta. Nó đã biến đoàn quân Tây Tiến thành bất tử, sống mãi với thời gian.