Phân tích mạch cảm xúc của nhân vật trữ tình trong bài thơ Khúc hát sông quê
image hoi dap
image hoi dap

Phân tích mạch cảm xúc của nhân vật trữ tình trong bài thơ Khúc hát sông quê

icon-time7/4/2024

Bài thơ “Khúc hát sông quê” thuộc trường ca “Thời gian khắc khoải” của nhà thơ Lê Huy Mậu là một trong số những bài thơ về con sông quê hương nổi tiếng với chất giọng trữ tình đậm đà cảm xúc. Cùng Topbee đến với bài Phân tích mạch cảm xúc của nhân vật trữ tình trong bài thơ Khúc hát sông quê sau đây!


Dàn ý Phân tích mạch cảm xúc của nhân vật trữ tình trong bài thơ Khúc hát sông quê

I. Mở bài

- Giới thiệu tác phẩm, tác giả.

II. Thân bài

- Phân tích mạch cảm xúc của tác giả theo trình tự bài thơ

- Tác giả trở về quê hương sau nhiều năm xa xứ.

- Tác giả hoài niệm về những kỷ niệm gắnliền với dòng sông.

- Thể hiện tình yêu quê hương, thiên nhiên môi trường sống.

III. Kết luận

- Tổng kết, khẳng định ý nghĩa và giá trị của tác phẩm.


Phân tích mạch cảm xúc của nhân vật trữ tình trong bài thơ Khúc hát sông quê

Hình ảnh con sông là một trong những biểu tượng của thơ ca Việt Nam. Dường như nhà thơ nào cũng có một dòng sông để thương để nhớ, bởi con sông là nơi gắn liền với bao ký ức tuổi thơ hồn nhiên, có khi là người bạn đồng hành với quá trình trưởng thành của một đời người. Bài thơ “Khúc hát sông quê” thuộc trường ca “Thời gian khắc khoải” của nhà thơ Lê Huy Mậu là một trong số những bài thơ về con sông quê hương nổi tiếng với chất giọng trữ tình đậm đà cảm xúc.

Bài thơ được viết theo thể tự do. Với cách viết này, tác giả có thể thoải mái chắt lọc và sử dụng từ ngữ để bộc lộ nỗi niềm. Bài thơ là dòng hồi tưởng của tác giả, một người con xa xứ trở về quê hương sau hơn nửa đời phiêu bạt. Ngay từ phần mở đầu, tác giả đã đưa người đọc cùng trở về quê nhà, bồi hồi bên cạnh dòng sông và hoài niệm về hồi ức xa xưa. Tác giả ví cuộc đời mình như hạt phù sa “những cá thể tự do trong hành trình của đất”, rời xứ sở ra đi tìm đến vùng đất mới, trải qua bao gian khó bởi “chớp bể, mưa nguồn”, “đất lở”, “cuộc đời khuyết hao” cho thế hệ mai sau một tương lai tươi sáng. 

Phân tích mạch cảm xúc của nhân vật trữ tình trong bài thơ Khúc hát sông quê

Ngay từ đoạn thơ đầu, tác giả đã thể hiện tình cảm sâu sắc với dòng sông 

“Ta lại về úp mặt và sông quê

Như thuở nhỏ

Úp mặt vào lòng mẹ

Để tìm sự chở che”

Tác giả ví dòng sông quê hương như lòng mẹ bao la chan chứa tình thương và luôn bao dung chờ đợi những người con xa xứ trở về tưới mát những muộn phiền.

Tác giả tự hỏi 

“Ai đã đặt tên cho sông là sông Cả? 

Ai đã gọi sông Cả là sông Lam?” 

và tự trả lời “Ta đơn giản chỉ gọi là con sông quê hương”, bởi đối với tác giả, con sông như một người thân thuộc chứng kiến bao buồn vui và cả thăng trầm của đời người và dù có đi xa đến đâu, đi xa bao lâu thì trong lòng tác giả vẫn có hình bóng dòng sông.

Những đoạn thơ tiếp theo, tác giả kể cho chúng ta nghe hàng loạt kỷ niệm tuổi thơ gắn liền với con sông. Đó là những tháng ngày vui chơi đánh bắt cá – trò chơi dân dã của trẻ thơ miền quê, tháng Ba bắt cá mương, tháng Năm lặn tìm cá ngạnh, tháng Chín có cá lòng bong. Đó là những rung động trong sáng của mối tình đầu, cảm xúc bồi hồi khi “nếm vị heo may trên má em hồng”, để rồi dẫu có đi bốn phương trời thì vẫn mang theo hương vị mặn mòi của cá sông quê hương và “má em hồng” trong góc nhỏ trái tim.

Đó còn là dòng sông nơi tác giả ngồi ngóng mẹ đi chợ về, phiên chợ quê tựa như nơi chốn xa hoa náo nhiệt đối với một đứa trẻ, khi mà chỉ “một xu bánh đa vừng” mẹ đem về từ đó cũng khiến đứa trẻ hạnh phúc “ngoan hết một ngày”, “ngoan suốt cả năm” và “thương mẹ đến trọn đời ta sống”. Niềm vui trẻ con dễ dàng tìm thấy, vô tư và đáng yêu như thế.

Qua những hồi ức đó, tác giả đã tái hiện khung cảnh làng quê thanh bình an nhiên, nơi cuộc sống còn nghèo khó, nhưng giàu có đậm đà tình thương. Bên cạnh đó, tác giả cũng đề cao tự nhiên. Cùng với dòng sông, con người và động vật như trâu, cá, quạ, ong bướm chung sống hòa bình, yêu thương sẻ chia không gian sống và chia nhau cả đồ ăn thức uống.

Kết bài, tác giả bồi hồi thốt lên “Sao ngày xưa yên ổn quá chừng. Một dòng xanh trong chảy mãi đến vô cùng”. Lá rụng về cội, khi đã trải qua bao sương gió cuộc đời, con người thường có xu hướng tìm về với những bình yên an nhiên, như dòng sông kia vẫn êm đềm trôi chờ những người con xa xứ trở về.

Lời bài thơ mộc mạc, gần gũi, chân thành phù hợp với mạch cảm xúc, tâm trạng của nhà thơ. Trải qua biết bao năm tháng, ông vẫn mang nặng nỗi nhớ quê nhà. Qua đó, chúng ta thấy tác giả là người có tình yêu quê hương đất nước sâu sắc. Tình yêu đó là sợi dây liên kết tâm hồn con người với một vùng đất, với gia đình, làng xóm và rộng hơn là với Tổ quốc. Tình yêu quê hương cũng là gốc trễ vững chắc giúp con người phát triển bền vững.

Bài thơ “Khúc hát sông quê” với giọng thơ trữ tình giàu cảm xúc thể hiện tình yêu quê hương, yêu thiên nhiên và sự hướng về nguồn cội; để biết yêu thương con người và cuộc đời, trân quý những điều chúng ta đã và đang có. Đây những giá trị nhân văn luôn trường tồn ở bất cứ thời đại nào.

Tác giả : Topbee
Đánh giá bài viết
Đặt câu hỏi
icon-make-question icon-make-question