![image hoi dap](/_nuxt/img/Asked_Questions_mobile.40768fc.jpg)
![image hoi dap](/_nuxt/img/Asked_Questions_desktop.5d6ef50.png)
Phân tích một tác phẩm văn học bài thơ thất ngôn bát cú hoặc tứ tuyệt đường luật lớp 8
Các tác phẩm thơ Trung đại của Việt Nam thường được sáng tác theo thể thất ngôn bát cú hoặc tủ tuyệt Đường luật. Hãy cùng Topbee cùng nhau Phân tích một tác phẩm văn học bài thơ thất ngôn bát cú hoặc tứ tuyệt đường luật lớp 8 nhé!
Dàn ý phân tích một tác phẩm thất ngôn bát cú hoặc tứ tuyệt đường luật
a. Mở bài: Giới thiệu tác giả, tác phẩm, giá trị của tác phẩm trong nền văn học
b. Thân bài:
- Khái quát những chi tiết chính về tác giả, hoàn cảnh sáng tác, cũng như ý nghĩa của bài thơ
- Giới thiệu về đề tài, thể loại của bài thơ
- Phân chính nội dung chi tiết của tác phẩm
- Phân tích cảm xúc của nhân vật trữ tình trong bài thơ
- Phân tích một vài nét đặc sắc nghệ thuật của bài thơ
- Nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ
c. Kết bài: Khẳng định vị trí và ý nghĩa của bài thơ
![Phân tích một tác phẩm văn học bài thơ thất ngôn bát cú hoặc tứ tuyệt đường luật lớp 8](https://api.topbee.vn/storage/uploads/images/phan-tich-mot-tac-pham-van-hoc-bai-tho-that-ngon-bat-cu-hoac-tu-tuyet-duong-luat-lop-8_1.jpg)
Phân tích bài thơ thất ngôn bát cú đường luật Qua Đèo Ngang
Bà Huyện Thanh Quan là một trong những nhà thơ nổi tiếng của nền văn học Trung Đại. Cùng với những nữ thi sĩ cùng thời như Hồ Xuân Hương hay Đoàn Thị Điểm, bà Huyện Thanh Quan được coi là nữ sĩ của những tình cảm đất nước. Bài thơ “Quâ Đèo Ngang” có lẽ là bài thơ nổi tiếng nhất trong sự nghiệp của bà.
Giáo sư Dương Quảng Hàm từng ca ngợi thơ của bà như sau: “Những bài thơ Nôm của bà phần nhiều là tả cảnh, tỏ tình, nhưng bài nào cũng hay và tỏ ra bà là một người có tính tình đoan chính, thanh tao, một người có học thức thường nghĩ ngợi đến nhà, đến nước. Lời văn rất trang nhã, điêu luyện”. Có thể thấy, dù là phận nữ nhi nhưng tài năng của bà là không hề thua kém với các tác giả nam khác. “Qua Đèo Ngang” là tác phẩm nổi bật nhất của bà. Bài thơ là một bức tranh tả cảnh và tình đẹp nao lòng, vừa diễn tả được thiên nhiên heo hút, vừa truyền tải được tâm sự u buồn trước thời cuộc đang đảo điên nhiều biến động.
Khung cảnh bài thơ xuất hiện trong khung cảnh như hầu hết các bài thơ Trung Đại khác - trong một buổi chiều tà:
“Bước tới Đèo Ngang, bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa”
Cụm từ “xế tà” đã gợi lên cho chúng ta về một khung cảnh trời đất khi buổi chiều dần rời đi. Khung cảnh xung quanh dường như heo hút, lạnh lẽo và cô độc tưởng chừng như không có lấy bất kỳ sự sống nào của con người tồn tại ở nơi đây. Khi bóng tối đang từ từ bao trù vạn vật, thì cảm giác lạnh lẽo như càng được nhân lên gấp bội. Câu thơ tiếp theo “Cỏ cây chen đá, lá chen hoa” là hình ảnh ước lệ mang tính biểu tượng, khắc họa khung cảnh thiên nhiên nơi đèo Ngang. Việc sử dụng điệp từ ”chen" kết hợp với “đá, lá, hoa” thật tinh tế, khắc họa hình ảnh thiên nhiên nơi đèo Ngang tuy hoang sơ nhưng lại căng tràn sức sống đang chảy trôi. Tuy không có sự xuất hiện của con người nhưng thiên nhiên vẫn ngầm cho ta thấy sự sống dồi dào đang chảy trôi trong cơ thể. Chỉ bằng vài nét khắc họa đơn giản thiên nhiên tại đây hiện ra đầy chân thực và sinh động.
Con người cũng xuất hiện trong bức tranh thiên nhiên ấy, khiến bức tranh không còn là bức tranh tĩnh mà trở thành một bức tranh động:
“Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông chợ mấy nhà”
Nghệ thuật đảo ngữ “lom khom - tiều vài chú”, “lác đác - chợ mấy nhà” gợi ra những hình ảnh của con người, của cuộc sống sinh hoạt thường ngày bên bến sông. Nhà thơ như nhấn mạnh sự nhỏ bé của con người đối với sự to lớn của thiên nhiên bao la, rộng lớn ngoài kia. Con người chỉ như làm tô điểm thêm cho bức tranh thiên nhiên rộng lớn, làm cho bức tranh ấy có màu sắc, có linh hồn hơn.
Thiên nhiên rộng lớn, cô quạnh càng khiến tâm trạng của nhân vật trữ tình cảm thấy cô đơn, trống vắng:
“Nhớ nước, đau lòng, con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng, cái gia gia”
Hình ảnh “con quốc quốc” và “cái gia gia” không chỉ là hình ảnh thực về hai loại chim (chim đỗ quyên, chim đa đa) mà đó còn là tiếng kêu nhắc nhở con người về đất nước, về quê hương của mình. Việc sử dụng thủ pháp lấy động tả tĩnh đã bộc lộ được niềm thương xót, yêu thương của nhân vật trữ tình dành cho đất nước. Đến đây, chúng ta dường như có thể lắng nghe được tiếng kêu khắc khoải, da diết đang vang lên trong khoảng không xa xăm, vô vọng. Có lẽ, đó là những ưu tư về số phận, về con đường tương lai của đất nước.
“Dừng chân đứng lại trời, non, nước
Một mảnh tình riêng, ta với ta"
Đứng từ nơi đây, ngắm nhìn trời, non, nước của giang sơn hùng vĩ thật thấm thía. Cái bao la, vô tận của non nước làm chơi vơi bóng hình một mình giữa thiên nhiên, hồn cảnh - hồn người như hòa lẫn vào nhau, làm nỗi buồn da diết bị lắng đọng cùng. Đứng trước cảnh sắc đất trời bao la, không thể sẻ chia cùng ai, buộc nhà thơ thốt lên giãi bày "ta với ta" nghe thật chua xót biết bao. Chỉ ta mới có thể hiểu được lòng ta, chỉ ta mới có thể ngắm nhìn được vẻ đẹp qua đôi mắt của ta. Tuy cảm thấy cô đơn, hụt hẫng nhưng nhân vật trữ tình không quên cảm nhận những vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên, của đất trời của đất nước.
Các biện pháp nghệ thuật được sử dụng cùng với cách sử dụng ngôn ngữ tuy bình dị mà lại sâu sắc, sắc sảo đã khiến độc giả khi đọc bài thơ này như được hòa mình cùng với khung cảnh thiên nhiên trước mắt, hòa mình với tâm trạng của nhân vật trong bài thơ. Bài thơ như đã gửi gắm trọn vẹn những suy nghĩ, cảm xúc của Bà Huyện Thanh Quan về cuộc sống, về tình cảnh của đất nước, của cuộc sống của con người trong thời kỳ ấy.
Bài thơ "Qua Đèo Ngang" vừa gợi lên một bức tranh về cảnh đẹp thiên nhiên núi rừng hoang sơ, hùng vĩ, bao la ,vừa gợi ra khung cảnh cuộc sống giản dị, đơn sơ mà ấm áp, đầy nhựa sống. Từ đó mang lại những cảm xúc, nỗi niềm, riêng tư của tác giả với tình yêu quê hương, đất nước da diết khi xa quê hương, lẻ loi đơn bóng nơi đất khách quê người.
Phân tích bài thơ thất ngôn bát cú đường luật Thu Điếu
Được mệnh danh là “ Tam Nguyên Yên Đổ” - Nguyễn Khuyến là một thi nhân nổi tiếng của Việt Nam trong thời kì Trung Đại. Bài thơ" Thu Điếu" là một trong ba bài thơ viết về mùa thu bằng chữ Nôm nức danh của ông. Bài thơ miêu tả về vẻ đẹp yên bình của làng quê Việt Nam vào mùa thu, tuy đẹp mà buồn, cô đơn với những tình cảm của một nhà Nho dành tặng cho quê hương, đất nước.
Bài thơ không còn là một bức tranh khi chớm thu nữa mà là bức tranh thiên nhiên khi đã thu phân. Chiếc ao thu nước trong veo có thể nhìn được rong rêu tận đáy, tỏa ra khí thu lạnh lẽo như bao trùm không gian. Chiếc thuyền đậu trên mặt ao như là một điểm nhấn nghệ thuật, mở ra cả một không gian thật thơ mộng, lãng mạn. Chiếc thuyền “bé tẻo teo”, cô đơn trôi lững lờ trên mặt nước yên lặng. Sự êm đềm, hài hòa của cảnh vật như đã khiến lòng người xao động trước cái đẹp nao lòng của mùa thu.
Hai câu thực đã miêu tả không gian hai chiều:
"Sóng nước theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo"
Màu sắc hài hòa, màu xanh biếc của sóng kết hợp với màu vàng của lá mùa thu. Gió thổi nhẹ cũng đủ làm cho chiếc lá thu màu vàng khẽ đưa vèo, làm cho sóng biếc lăn tăn từng làn từng làn hơi gợn tí. Phép đối tài tình làm nổi bật lên một nét thơ rất thu, tô đậm cái mà tác giả nhìn và cái nghe thấy. Ngòi bút của Nguyễn Khuyến đã rất tinh tế trong việc sử dụng từ cũng như về những cảm nhận về cảnh vât xung quanh, lấy cái lăn tăn của sóng hơi gợn tí phối cảnh với độ bay, xoay xoay khẽ trôi lơ lửng giữa không gian của chiếc lá thu. Chữ “vèo” là một nhân tự mà sau này thi sĩ Tản Đà vừa khâm phục, vừa tâm đắc. Ông thổ lộ cả một đời thơ mới có được một câu vừa ý: “Vèo trông lá rụng đầy sân” (cảm thu, tiễn thu).
Bức tranh thu được mở rộng dần ra qua hai câu thơ:
"Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo."
Bầu trời thu xanh ngắt, cao vời vợi, cảm giác như mênh mông, vô tận.Từng đám mây trắng bồng bềnh như bông lơ lửng, nhè nhẹ thả mình trôi theo gió tinh nghịch.Không gian thoáng đãng, êm đềm, tĩnh lặng và nhẹ nhàng. Không một bóng người lại qua trên con đường làng đi về các ngõ xóm: “Ngõ trúc quanh co khách vắng teo”. “Vắng teo” nghĩa là vô cùng vắng lặng không một tiếng động nhỏ nào, cũng gợi tả sự cô đơn, trống vắng. Tuy không có sự xuất hiện của con người, thế nhưng bức tranh không mất đi sức sống trong đó. Nhựa sống vẫn len lỏi chảy trôi cùng với những sự vật nơi đây. Tuy buồn mà không lạnh, tuy tĩnh mà không thiếu sức sống.
Ngõ trúc trong thơ Tam nguyên Yên Đổ lúc nào cũng gợi tả một tình quê nhiều bâng khuâng, man mác:
"Dặm thế, ngõ đâu từng trúc ấy
Thuyền ai khách đợi bến đâu đây?"
(Nhớ núi Đọi)
Ngõ trúc và tầng mây cũng là một nét thu đẹp và thân thuộc cùa làng quê. Thi sĩ như đang lặng ngắm và để bản thân mình đắm chìm vào khung cảnh lãng mạn của cảnh hồ mùa thu. Tới hai câu kết thì bức tranh thu mới xuất hiện một đối tượng khác:
"Tựa gối ôm cần lâu chẳng được
Cá đâu đớp động dưới chân bèo."
Thu điếu có nghĩa là mùa thu câu cá. Sáu câu đầu mới chỉ tả cảnh vật: ao thu, chiếc thuyền câu, sóng biếc, lá vàng, tầng mây, ngõ trúc. Mãi đến hai câu kết mới xuất hiện người câu cá. Một tư thế thật “nhàn”: tựa gối ôm cần. Một sự đợi chờ trong im lặng, thời gian tưởng chừng như không còn tồn tại, không ảnh hưởng tới cuộc sống của con người. Chỉ tới khi bỗng có một tiếng động dưới mặt nước, con người như mới chợt bừng tỉnh khi mơ hồ nghe cá đâu đớp động dưới chân bèo. Người câu cá như đang ru hồn mình chìm sâu vào trong giấc mộng vĩnh hằng của mùa thu.
Độc giả như nhớ tới, suy nghĩ về một Lã Vọng câu cá chờ thời bên bờ sông Vị hơn mấy nghìn năm về trước. Chỉ có một tiếng cá đớp động sau tiếng lá thu đưa vèo, đó là tiếng thu của làng quê xưa. Âm thanh ấy hòa quyện với một tiếng động vô tình giữa mặt nước bao la, lạnh giá ngoài kia, đưa hồn ta về với mùa thu yên bình, thân quen chốn quê hương xưa.
Người câu cá đang đắm mình vào tâm trạng cô đơn và nét buồn kín đáo, lặng lẽ. Một cuộc đời thanh bạch, một tâm hồn thanh cao xứng đáng được tôn trọng. Xuân Diệu đã hết lời ca ngợi cái diệu xanh trong Thu điếu. Có xanh ao, xanh sóng, xanh trời, xanh tre, xanh bèo… và chỉ có một màu vàng của chiếc lá thu đưa vèo. Có lẽ chiếc lá vàng ấy không chỉ là điểm nhấn, làm bật lên sự sống giữa không gian đầy sự “xanh” âm trầm, đó còn là biểu tượng cho thời gian đang chảy trôi giữa cái ngưng đọng của không gian - thời gian, của hoạt động con người trong đó.
Cảnh đẹp êm đềm, tĩnh lặng mà man mác buồn. Một tâm thế an nhàn và thanh cao gắn bó với quê hương, với tình yêu tha thiết. Mỗi nét thu là một sắc thu, không nét thu nào lấn át vẻ đẹp của nét thu nào. Tiếng thu gợi tả cái hồn thu đồng quê thân quen, đầy sự vấn vương. Vần thơ: veo - teo - vèo - teo - bèo, phép đối tạo nên sự hài hòa cân xứng, điệu thơ nhẹ nhàng bâng khuâng... cho thấy một bút pháp nghệ thuật vô cùng điêu luyện, hồn nhiên - đúng là xuất khẩu thành chương.
Bài thơ “Thu Điếu” không chỉ là một tác phẩm nổi bật của Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến, đó còn là một ánh sao sáng rạng rỡ soi chiếu trên nền trời văn học nước nhà. Tuy cảnh vật tĩnh mà động, tuy tả cảnh mà lại ẩn chứa biết bao nhiêu cái tình trong đấy. Có lẽ, đây là bức tranh đẹp mà sẽ khiến ta nhớ mãi khi nhắc về mùa thu nơi quê xa chỗn cũ.
Phân tích bài thơ thất ngôn bát cú đường luật Bạn đến chơi nhà
Được mệnh danh là “ Tam Nguyên Yên Đổ” - Nguyễn Khuyến là một thi nhân nổi tiếng của Việt Nam trong thời kì Trung Đại. “Bạn đến chơi nhà” là một bài thơ độc đáo, thú vị và có đôi phần hóm hỉnh của ông. Bài thơ là những giãi bày, giải thích khi không thể đón tiếp người bạn từ nơi xa tới thăm mình của Nguyễn Khuyến.
“Đã bấy lâu nay, bác tới nhà
Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa.
Ao sâu nước cả, khôn chài cá,
Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà.
Cải chửa ra cây, cà mới nụ,
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa.
Đầu trò tiếp khách, trầu không có,
Bác đến chơi đây ta với ta!”
“ Đã bấy lâu nay” chỉ thời gian đã rất xa, rất lâu rồi hai người bạn cũ mới có dịp gặp mặt nhau. Điều đó cho thấy rằng ông rất vui khi người bạn tới chơi với mình. Biết bao câu chuyện để hàn thuyên, biết bao bài thơ để ngâm cùng nhau, chỉ nghĩ tới thôi cũng đã thấy thật vui vẻ rồi. Cách xưng hô “bác - ta” cho thấy sự thân thiết, gần gũi giữa hai người. Câu thơ đầu tiên như là một lời chào, một câu reo vui mừng của tác giả đối với người bạn đã lâu không gặp.
Ấy vậy mà, trong nhà lúc này thật là éo le khi những thứ để tiếp đãi bạn lại chẳng có gì. Chợ thì xa nhà, mà con cái lại đi vắng chẳng có ai để sai bảo. Trong nhà thì có ao cá, nhưng lại chẳng thể đánh bắt vì “khôn chài cá”. Ngoài vườn thì cũng có nuôi gà, nuôi vịt nhưng lại “vườn rộng, rào thưa” với sức lực của người học chữ thì quả thật là “khó đuổi gà”. Cỗ mặn đã không được vậy mà muốn ăn cơm rau, cơm cà cũng lại chẳng xong. Cải thì chỉ vừa được gieo hạt xuống đất, chưa cả nhú mầm. Cà thì mới chúm chím ra nụ, chưa kết thành trái. Cả bầu và mướp cũng chẳng thể nào hái xuống đãi bạn được. Chỉ là một mâm cơm thiết đãi bạn xa tới chơi cũng chẳng thể có, ta có thể mường tượng được ra cuộc sống của Nguyễn Khuyến ở nơi thôn quê này khó khăn tới nhường nào.
Người xưa thường nói “Miếng trầu là đầu câu truyện”, chỉ cần có cơi trầu cùng ấm nước chè đã có thể cùng nhau ngồi hàn thuyên cả ngày. Ấy vậy mà, kể cả điều cơ bản nhất là trầu cau ông cũng không thể mời được bạn mình. Hoàn cảnh thiếu thốn, khó khăn cũng như cho ta thấy được sự cô đơn của Nguyễn Khuyến. Ông sống như tách biệt với thế giới bên ngoài, khi chợ thì xa, trầu cau cũng không có để tiếp đãi khách khứa. Người bạn từ xa tới chơi, ông reo lên vui mừng như đã quá lâu chưa có ai tới thăm chơi với ông cả. Hoàn cảnh tuy khó khăn là vậy, nhưng ông không hề than vãn về cuộc sống của mình. Thay vào đó, ông hóm hỉnh giải thích với người bạn mình về lí do không thể tiếp đãi bạn chu đáo được để bạn có thể thông cảm cho mình. Có lẽ, tuy thiếu thốn về mặt vật chất nhưng tinh thần của ông chưa bao giờ bị nghèo đi cả. Sống ở nơi thôn quê, trải qua những điều bình yên, êm đềm chắc có lẽ đã khiến ông hạnh phúc hơn nhiều so với nơi kinh thành đầy rẫy những toan tính kia.
Nếu như ở trong thơ của Bà Huyện Thanh Quan trong bài “Qua Đèo Ngang” có câu:
“Dừng chân đứng lại trời, non, nước
Một mảnh tình riêng, ta với ta"
Cụm từ “ta với ta” khiến chúng ta cảm nhận được sự cô đơn, nhỏ bé của con người khi đứng trước cảnh vật thiên nhiên to lớn, hùng vĩ của đất nước. Cũng như những suy nghĩ, lo toan trước sự chảy trôi của thời gian, số phận tương lai của một đất nước đang có nhiều sự biến động. Thì ở trong “Bạn đến chơi nhà”, Nguyễn Khuyến đã sử dụng “ta với ta” như một lời chia sẻ. “Ta” không chỉ là một cá thể mà là cả hai cá thể. Tuy hai mà một, cùng nhau song hành. Từ “với” thể hiện mối quan hệ song hành, gắn bó dường như không còn khoảng cách. Tuy chẳng có vật chất để đối đãi bạn theo lễ nghĩa thì tình cảm tiếp đón bạn là không thay đổi. Họ quý mến nhau, khăng khít với nhau hơn cũng bởi chính những tình cảm chân thật giữa hai người dành cho nhau như thế.
Ngôn ngữ được tác giả sử dụng một cách vô cùng tinh tế đặc sắc, thể hiện sự tài hoa của ông trong việc sử dụng từ ngữ. Nhịp thơ của tác giả phối vô cùng nhẹ nhàng, tinh tế, thể hiện sự thanh thoát, tự nhiên không gượng ép làm cho bài thơ vô cùng hấp dẫn người đọc bởi ngôn ngữ linh hoạt, lời tâm sự thủ thỉ của nhân vật trữ tình - ở đây là chính bản thân Nguyễn Khuyến.
“Bạn đến chơi nhà” là một bài thơ hay và ý nghĩa. Không chỉ thể hiện được sự đẹp đẽ của tình bạn, đó còn là vẻ đẹp của lối sống không vật chất, hài lòng với những gì mình đã và đang có. “Bạn đến chơi nhà” có thể nói là một tác phẩm tiêu biểu đại diện cho thơ ca của thời kì Trung Đại cũng như là nền văn học Việt Nam.