Phân tích nhân vật bà cô trong truyện Bà cô Nguyễn Ngọc Tư
Tác phẩm “Bà cô” viết về một người phụ nữ già sống một cuộc sống bình dị và đơn giản. Phân tích nhân vật này, người đọc sẽ hiểu rõ hơn về tấm lòng nhân hậu và đức hy sinh của một người mẹ Việt Nam Anh hùng.
Dàn ý Phân tích nhân vật bà cô trong truyện “Bà cô” của Nguyễn Ngọc Tư
I. Mở bài
- Giới thiệu tác giả: Nguyễn Ngọc Tư sinh năm 1976, quê ở tỉnh Cà Mau, xuất thân trong một gia đình nhà nông.
- Giới thiệu tác phẩm: Tùy bút “Bà cô” là một tác phẩm đặc trưng cho phong cách nghệ thuật của nhà văn.
- Giới thiệu nhân vật: Người bà cô là nhân vật trung tâm của tác phẩm được miêu tả là một người phụ nữ già có tấm lòng nhân hậu.
II. Thân bài
- Tóm tắt nội dung tác phẩm: Tác phẩm được viết theo ngôi thứ nhất, và theo mạch cảm xúc của nhân vật “tôi”, người đọc chúng ta được nghe kể về người bà cô là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng với những phẩm chất đáng quý dù đã ở độ tuổi gần đất xa trời.
- Phân tích nhân vật bà cô:
+ Ngoại hình: Một người già có “nụ cười hóm hỉnh, ngây ngây, những nếp nhăn nối đuôi nhau xếp hàng trên gương mặt phúc hậu”; “bộ tóc phơ phơ, đôi mày bạc phếch của bà”
+ Tính cách: Ngoại hình ôn hậu của bà cô đã phần nào phản ánh tính cách hiền lành, tốt bụng của bà. Những câu văn đã diễn tả thật cảm động tình cảm mà bà dành cho những đứa con của mình và hơn cả là lòng nhiệt thành dành cho cách mạng.
III. Kết bài
- Nêu cảm nhận: Bà cô đã để lại những dấu ấn khó quên trong lòng độc giả với ngoại hình và những phẩm chất, đức tính đáng quý của mình.
- Liên hệ bản thân: Là một độc giả, tôi xin chân thành cảm ơn nữ nhà văn Nguyễn Ngọc Tư vì tác phẩm ý nghĩa mà cô đã mang đến.
Phân tích nhân vật bà cô trong truyện “Bà cô” của Nguyễn Ngọc Tư
Nguyễn Ngọc Tư sinh năm 1976, quê ở tỉnh Cà Mau, xuất thân trong một gia đình nhà nông. Tác giả là một nữ nhà văn trẻ thuộc Hội Nhà văn Việt Nam. Với niềm đam mê viết lách và giọng văn đậm chất Nam bộ, cô được biết đến với các tác phẩm tiêu biểu như: tập truyện ngắn “Cánh đồng bất tận”, “Khói trời lộng lẫy”,... Và tùy bút “Bà cô” là một tác phẩm đặc trưng cho phong cách nghệ thuật của nhà văn. Người bà cô là nhân vật trung tâm của tác phẩm được miêu tả là một người phụ nữ già có tấm lòng nhân hậu.
Đi cùng với người đọc xuyên suốt cả tác phẩm là giọng văn nhẹ nhàng, êm dịu nhưng lại có sức mạnh ghê gớm khiến cho người ta phải nghẹn ngào. Tác phẩm được viết theo ngôi thứ nhất, và theo mạch cảm xúc của nhân vật “tôi”, người đọc chúng ta được nghe kể về người bà cô là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng với những phẩm chất đáng quý dù đã ở độ tuổi gần đất xa trời. Bà cô, qua lời kể của nhân vật “tôi” là một người già có “nụ cười hóm hỉnh, ngây ngây, những nếp nhăn nối đuôi nhau xếp hàng trên gương mặt phúc hậu”. Trong cả tác phẩm, phải có đến nhiều lần tác giả nhấn mạnh vẻ ngoài hiền lành, phúc hậu của bà cô. Những đứa trẻ rất thích và quan tâm đến “bộ tóc phơ phơ, đôi mày bạc phếch của bà”, đến nỗi thằng Út ngây ngô nhận xét rằng trông bộ tóc bạc trắng, bà cô “cứ như là nữ hiệp trong phim “Tẩu hỏa nhập ma”. Với những từ ngữ miêu tả chân thật và sinh động, người đọc có thể dễ dàng hình dung ra được hình ảnh một người bà lớn tuổi với mái tóc bạc trắng nhưng lúc nào trên khuôn miệng cũng nở nụ cười lo cho con cho cháu. Và đúng với cái tuổi già của mình, ngoài những nếp nhăn và màu tóc trắng, bà cô còn bị lãng tai, và “bệnh lãng tai của bà càng nặng”. Ngoại hình ôn hậu của bà cô đã phần nào phản ánh tính cách hiền lành, tốt bụng của bà. Đặc biệt là những khi “chị em tôi đùa với nhau, bà chẳng nghe được gì, nhưng khi thấy chúng tôi vui vẻ, bà cũng cười theo”. Đó là một nụ cười chan chứa tình thương của người bà dành cho đứa cháu, một “nụ cười san sẻ, nồng ấm”.
Lần theo mạch truyện, chúng ta càng hiểu rõ hơn về Bà mẹ Việt Nam Anh hùng thương con, nhưng cũng thương cả đất nước hình chữ S này. Những câu văn đã diễn tả thật cảm động tình cảm mà bà dành cho những đứa con của mình và hơn cả là lòng nhiệt thành dành cho cách mạng. Nào là “bà trở nên hoạt bát nhất là khi bà kể về những đứa con của bà”, rồi cả câu mắng thương yêu mà rằng “Tổ cha, phải còn đứa nào tao cũng cho đi Cách mạng luôn”. Dưới giọng văn mềm mại của nữ tác giả, người đọc đã cảm nhận được một cách rõ nét nhất những nỗi đau và mất mác thời kháng chiến. Những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng như bà là những người mà trong lòng lúc nào cũng không nguôi đau đớn và dằn vặt trong tình cảnh “để con đi thì dễ mất con, nhưng giữ con lại thì mất nước”. Bà cô trông “rạng rỡ”, “những ngôi sao trong mắt vén làn mây đục, nhấp nháy” như thế, nhưng sâu bên trong bà hẳn cũng buồn thương lắm. Những khi nhớ về một thời kháng chiến gian khổ đã qua đi, hiện về trong tâm trí chúng ta đầu tiên chính là là những dấu ấn sâu đậm của sự mất mát, của nỗi chia ly, của những giọt máu đào đã đổ xuống nơi đất mẹ thân yêu, là tinh thần chiến đấu bất khuất của nhân dân. Song, nếu ta nhìn sâu hơn, xa hơn, nhìn về nơi hậu phương kia, ta sẽ cảm thấy xót xa trước hình ảnh những người mẹ, những người vợ đêm ngày ngóng trông tin chờ.
“Năm giặc đốt làng cháy tàn cháy rụi
Hàng xóm bốn bên trở về lầm lụi
Đỡ đần bà dựng lại túp lều tranh
Vẫn vững lòng bà dặn cháu đinh nính:
Bố ở chiến khu bố còn vệc bố
Mày viết thư chớ kể này kể nọ
Cứ bảo nhà vẫn được bình yên…”
(Bếp lửa - Bằng Việt)
Và càng đau đớn hơn khi người đọc vỡ lẽ ra rằng bà cô không chỉ “người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh” là những đứa con của mình, mà còn cả “cô con dâu mới chỉ làm lễ hỏi ngày ngày viếng thăm, chăm sóc”. Câu văn “cô ấy gục ngã trong một đêm, đạn pháo nổ ngay dốc dừa dưới bến” khiến cho trái tim người đọc như thắt lại trước số phận nghiệt ngã của cô con dâu hiếu thảo bao nhiêu thì người làm mẹ, người thương yêu cô hết mực như bà cô lại càng thêm quặn thắt. Những giọt nước mắt của bà cô xuất hiện ở gần cuối tác phẩm đã để lại một ấn tượng khó quên trong lòng người đọc. Một bà cô lúc nào cũng mỉm cười, yêu thương và lắng nghe những đứa con, đứa cháu đã vừa khóc vừa nói: “Cô không nỡ bỏ các con của cô. Cứ ở đây cho con nhớ chỗ mà về!”. Những giọt nước mắt của bà cũng thật đặc biệt như nụ cười của bà. Đó là giọt nước mắt của một người đã từng trải qua nhiều biến cố, thăng trầm của cuộc sống, đã đánh mất nhiều điều quý giá của cuộc đời mình. Đó là những “giọt nước mắt trong như pha lê, không chảy thẳng xuống, gặp phải những nếp nhăn hằn sâu… Không biết tự bao giờ những giọt nước mắt kia đã không còn vị mặn ở môi bà”. Giọng văn ở cuối tác phẩm buồn hẳn đi khi chứng kiến sự ra đi của bà cô, một người phụ nữ cả đời tần tảo, hy sinh vì con vì nước. Nhưng lạ kỳ làm sao, trước lúc đi xa, “bà vẫn cười, nụ cười nhẹ tênh”.
Có thể nói, nhân vật bà cô trong tác phẩm “Bà cô” là một hình mẫu của Bà mẹ Việt Nam Anh hùng nhân hậu, vị tha với một nụ cười hiền nở rộ trên gương mặt già nua. Bà cô đã để lại những dấu ấn khó quên trong lòng độc giả với ngoại hình và những phẩm chất, đức tính đáng quý của mình. Với chất giọng kể mềm mại mà sâu sắc về những cuộc đời éo le, những số phận bấp bênh và cái chất miền quê sông nước thấm đẫm ở tác phẩm, chan chứa cái tình làng nghĩa xóm của những con người chân chất hiền hậu nhưng ít nhiều gặp những bất hạnh, ta thấy hiện lên hình ảnh một người Mẹ Việt Nam Anh Hùng cần cù, nhẫn nại, giàu đức hi sinh. Là một độc giả, tôi xin chân thành cảm ơn nữ nhà văn Nguyễn Ngọc Tư vì tác phẩm ý nghĩa mà cô đã mang đến. Tôi tin rằng những giá trị sâu sắc mà tác phẩm này mang lại sẽ còn tồn tại mãi về sau.