Phân tích nhân vật Cò trong bài Đi lấy mật
Tiểu thuyết Đất rừng phương nam của nhà văn Đoàn Giỏi là một tác phẩm văn học xuất sắc. Tác phẩm đã được chuyển thể thành một bộ phim nổi tiếng và được rất nhiều độc giả yêu thích. Bên cạnh nhân vật An, linh hồn của tác phẩm thì các tuyến nhân vật phụ như Cò, Tía má nuôi, Chú Võ Tòng cũng giữ một vai trò quan trọng góp phần làm sinh động bức tranh cuộc sống của con người phương Nam. Thông qua Phân tích nhân vật Cò trong bài Đi lấy mật chúng ta sẽ hiểu thêm về vẻ đẹp của những con người sinh ra từ rừng trong tiểu thuyết này.
Dàn ý Phân tích nhân vật Cò trong bài Đi lấy mật
1, Mở bài.
- Giới thiệu nhân vật Cò trong đoạn trích “Đi lấy mật” của nhà văn Đoàn Giỏi.
- Nhận xét khái quát về nhân vật này: Chú bé nhanh nhẹn, hoạt bát, đáng yêu, có cuộc sống gắn bó với rừng.
2, Thân bài.
- Lai lịch nguồn gốc: Là con trai ruột của tía má nuôi, tuổi nhỏ, trạc cùng tuổi với An. Từ nhỏ đã quen sống và gắn bó với nghề rừng.
- Ngoại hình: Cởi trần, đôi chân thoăn thoắt như cặp giò nai, đầu đội một cái thúng to tướng, nhanh nhẹn, hoạt bát.
- Lời nói, cử chỉ: Đố An biết đường bay của ong mật, cách gác kèo ong mật, hớn hở khoe với An về sân chim, thể hiện sự am hiểu về rừng.
- Nghệ thuật xây dựng nhân vật: Nhân vật được xây dựng qua lời nói, cử chỉ, hành động đặc biệt qua cảm nhận của nhân vật An.
- Ý nghĩa hình tượng nhân vật: Cò tượng trưng cho vẻ đẹp chất phác, nhanh nhẹn, khỏe khoắn của người phương Nam. Sự gắn bó thân thiết giữa con người và rừng phương Nam, bản tính ưa tìm tòi, khám phá của con người nơi đây.
3, Kết bài.
- Khẳng định vẻ đẹp của nhân vật.
- Bày tỏ cảm nghĩ của bản thân.
Phân tích nhân vật Cò trong bài Đi lấy mật
Tiểu thuyết “Đất rừng phương Nam” của nhà văn Đoàn Giỏi là một tác phẩm rất nổi tiếng. Với dung lượng đồ sộ, tác phẩm đã tái hiện bức tranh cuộc sống của con người phương Nam trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Với khả năng phân tích tâm lý bậc thầy nhà văn đã xây dựng thành công các tuyến nhân vật như An, Cò, tía má nuôi, trong đó nhân vật Cò dù xuất hiện ít hơn nhưng vẫn để lại trong lòng người đọc những ấn tượng đậm nét.
Đoạn trích “Đi lấy mật” chỉ là một phần nhỏ trong tiểu thuyết, với dung lượng vừa phải, tác phẩm đã tái hiện khung cảnh cả gia đình nhà tía má nuôi đi vào rừng lấy mật. Đoạn trích xoay quanh ba nhân vật chính tía nuôi, Cò, An và mỗi nhân vật đều có dấu ấn và màu sắc riêng, không ai giống ai cả. Trong đó Cò đã chiếm trọn tình cảm của độc giả nhờ vẻ ngoài nhanh nhẹn, hoạt bát, đáng yêu.
Vốn sinh ra và lớn lên bởi rừng, Cò đã quá quen thuộc với những buổi vào rừng gác kèo ong mật như thế này. Cò là cậu bé chạc tuổi An, là con đẻ của tía má nuôi. Cậu bé ấy lớn lên với nghề rừng, sống bám vào nghề rừng nên rất am hiểu về rừng. Tuy không được đi học như An nhưng ở Cò người đọc vẫn thấy được một sự ngoan ngoan, hiểu chuyện và rất đáng yêu. “Thằng Cò đội một cái thúng to tướng trên đỉnh đầu. Bên trong cái thúng ấy là mấy vắt nước, mấy nắm cơm. Vì nóng quá nó cởi trần, chiếc áo cũng đặt lên trên cái thúng. Nó đi ngay sau tía nuôi, đôi chân thoăn thoắt giống như bộ giò nai cả ngày đi trong rừng cũng không biết mệt”. Chính vì hoàn cảnh sống gắn bó với rừng nên đã rèn cho Cò sự dẻo dai, sức mạnh, cho sự nhanh nhẹn, hoạt bát để chinh phục những đoạn đường khó đi trong rừng. Điều này trái ngược hoàn toàn với An khi chỉ đi được một đoạn đường đã mệt, thở không nổi.
Chẳng những gây ấn tượng với người đọc bởi vẻ bề ngoài nhanh nhẹn, rắn rỏi, khỏe mạnh, thằng Cò còn thu hút ở nét hồn nhiên, tinh nghịch, nét trẻ con khi khoe với An những sự hiểu biết của mình. Cò vui vẻ đố An biết con ong mật là con ong nào, khi An không biết, thằng Cò vênh mặt lên cười, quay sang An để hướng dẫn cậu bạn “Bây giờ mày cứ nhìn kỹ vào khoảng cách giữa hai nhánh tràm cao kia. Ờ! Đúng rồi!. Nhìn một chỗ trống thôi nhá. Nó tới liền bây giờ” Sự kiên nhẫn giảng giải cho An nghe về đường bay của ong mật, cách gác kèo ong mà tía đã dậy của Cò cho thấy cậu bé ấy vô cùng yêu quý An, luôn mong An hiểu được công việc đi rừng tuy vất vả nhưng lý thú của mình.
Không chỉ có vậy Cò còn thích thú khoe với An về sân chim mà mình đã từng biết “Thứ chim cỏ này mà đẹp gì!”, “Mày mà gặp “sân chim” thì mày sẽ biết” Những lời nói vui vẻ của An vừa cho thấy sự am hiểu, từng trải của cậu bé này, vừa thể hiện An vẫn còn là một đứa trẻ rất đáng yêu, tinh nghịch, cũng biết thể hiện sự hiểu biết, biết tự hào về sự am hiểu của mình so với bạn bè.
Nhân vật Cò được xây dựng qua lời nói, cử chỉ, hành động đặc biệt qua cảm nhận của nhân vật An. Người kể chuyện ngôi thứ nhất giúp tác giả dễ dàng đánh giá được về nhân vật, nhân vật hiện lên cũng sinh động, đậm nét hơn.
Với việc xây dựng hình tượng nhân vật Cò nhà văn muốn ca ngợi vẻ đẹp của những con người phương Nam khoẻ mạnh, rắn rỏi, tự tin, mạnh mẽ chinh phục và làm chủ thiên nhiên. Cậu bé Cò tuy ít tuổi nhưng có sự am hiểu và gắn bó sâu sắc với rừng U Minh, điều đó cũng nhắc nhở chúng ta - nhất là những bạn trẻ hãy tích cực khám phá, tìm tòi, không ngừng học hỏi để có thể hiểu biết về thế giới tự nhiên xung quanh chúng ta. Hãy coi rừng là bạn, là cuộc sống sống hòa mình với thiên nhiên, chắc chắn thiên nhiên sẽ không bao giờ quay lưng với con người.
Bằng vốn sống, sự trải nghiệm và đặc biệt là sự gắn bó sâu sắc với con người Phương Nam, nhà văn Đoàn Giỏi đã khắc hoạ thành công nhân vật Cò - đại diện cho tuổi trẻ của Phương Nam với những nét đẹp riêng, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người đọc.
-----------------------------------------------------------------------
Trên đây là bài Phân tích nhân vật Cò trong bài Đi lấy mật . Qua đó, cho thấy được vẻ đẹp nhanh nhẹn, hoạt bát của nhân vật cùng sự gắn bó tha thiết của tác giả với con người Phương Nam. Hy vọng với bài văn này Topbee sẽ giúp ích các em trong quá trình làm bài và ôn luyện tác phẩm. Chúc các em học tốt môn Văn!