![image hoi dap](/_nuxt/img/Asked_Questions_mobile.40768fc.jpg)
![image hoi dap](/_nuxt/img/Asked_Questions_desktop.5d6ef50.png)
Phân tích nhân vật Hộ trong Đời thừa
Nam Cao là một nhà văn tài ba của nền văn học Việt Nam, những sáng tác của ông vô cùng nổi tiếng, ta phải kể đến Lão Hạc, Chí Phèo,… và còn một tác phẩm nổi bật nữa chính là tác phẩm Đời thừa. Sau đây, mời các em tìm hiểu bài viết phân tích nhân vật Hộ trong Đời thừa
Dàn ý phân tích nhân vật Hộ trong tác phẩm Đời thừa
1. Mở bài:
- Giới thiệu khái quát về nội dung của tác phẩm Đời thừa, về tác giả Nam Cao
- Giới thiệu về nhân vật Hộ trong tác phẩm Đời thừa
2. Thân bài:
- Phân tích về tác giả Nam Cao, về nguồn cảm hứng sáng tác của ông, và nguồn gốc, nội dung chính của tác phẩm Đời thừa
- Nhân vật Hộ là một nhân vật như thế nào? ( Đam mê văn chương, yêu thích nghệ thuật, ước mơ đạt giải Nobel, tốt bụng, tài giỏi,...)
- Bi kịch gì đã xảy đến với nhân vật Hộ? ( Anh cưu mạng vợ của mình, gia đình nghèo khó nên phải biến việc viết văn thành công cụ để kiếm tiền...)
- Sau khi viết văn một cách tạm bợ, Hộ bắt đầu có những thay đổi trong tính cách ( Đánh đập vợ, hung dữ,..)
- Mở rộng vấn đề: Phân tích nguyên nhân do đâu khiến Hộ trở nên như vậy? ( Do xã hội phong kiến cường quyền, bắt ép nhân dân rơi vào cảnh đói nghèo)
3. Kết bài:
- Nêu những đặc sắc trong nghệ thuật, nội dung và xây dựng nhân vật của tác giả Nam Cao
- Nêu cảm xúc của em sau khi đọc xong tác phẩm. Khẳng định lại giá trị của tác phẩm
Phân tích nhân vật Hộ trong Đời thừa (hay nhất)
Đời thừa của nhà văn Nam Cao là một trong những tác phẩm hay và xuất sắc khi viết về thân phận của người nông dân trong xã hội xưa. Và trong việc sáng tạo nên những áng văn hay, hấp dẫn thì điều đặc biệt nhất chính là hình tượng nhân vật, vì vậy đã có ý kiến cho rằng: “Hình tượng nhân vật được sinh ra từ tâm trí của nhà văn nhưng chỉ thực sự sống bằng tâm trí của người đọc”. Và nhân vật Hộ trong tác phẩm Đời thừa cũng là một hình tượng nhân vật như thế, một nhân vật neo đậu mãi trong trái tim của bạn đọc.
Có thể nói các nhân vật trong các áng văn của Nam Cao đều mang những số phận đặc biệt và có phần bi thương, nếu như Lão Hạc phải bán đi chú chó yêu quý của mình, hay Chí Phèo phải tìm đến cái chết để có thể trở về với cánh cổng của sự lương thiện thì nhân vật Hộ cũng không khá hơn là mấy, anh không chỉ chịu đựng sự vất vả, nặng nề của cuộc sống mà đó còn là những đau đớn của một người nghệ sĩ khi phải dẫm đạp lên những nguyên tắc và nghệ thuật do chính bản thân mình đặt ra.
Hộ là một nhà văn trí thức nghèo, chính bản thân anh có sự nhận thức sâu sắc về cuộc đời này, anh am hiểu nhiều thứ và vô cùng tài năng. Trong sự nghiệp văn chương của mình, Hộ khao khát biết bao việc nâng cao giá trị văn chương và muốn mọi người công nhận các tác phẩm của mình. Hộ là một nhà văn tài năng khi bản thân anh luôn căng tràn sự hào hứng, hứng khởi, những ước mơ ngập tràn về một sự nghiệp văn chương có giá trị cụ thể. Cả cuộc đời Hộ, anh luôn muốn sáng tác ra một tác phẩm vĩ đại, một tác phẩm gì đó mà khi nó ra đời thì sẽ “làm lu mờ tất cả các tác phẩm cùng thời… một tác phẩm có giá trị phải vượt lên trên mọi ranh giới và giới hạn”, Hộ còn khao khát rằng tác phẩm của mình sẽ được “đoạt giải Nobel” và dịch ra rất nhiều ngôn ngữ và xuất bản ra toàn cầu.
![Phân tích nhân vật Hộ trong Đời thừa - ảnh 1](https://api.topbee.vn/storage/uploads/images/phan-tich-nhan-vat-ho-trong-doi-thua_1.png)
Có thể thấy trong con người của Hộ, văn học chính là khao khát, là lẽ sống, là cuộc đời của Hộ. Hộ không hề hám danh, không hề mơ mộng viễn vông mà đó thật sự là những ước mơ của Hộ. Hộ hoàn toàn muốn vượt qua những giới hạn của mình, thoát khỏi cuộc sống buồn chát và tẻ nhạt. Trước khi lấy vợ, Hộ đã viết tất cả các tác phẩm của mình với sự cẩn trọng, tỉ mỉ dù rằng đây là công việc duy nhất kiếm ra tiền của Hộ, khi Hộ viết lâu và cẩn thận như vậy thì Hộ chỉ kiếm được ít tiền, nhưng điều đó không khiến Hộ bận tâm bởi vì anh quan niệm rằng: “Sự cầu thả trong bất cứ nghề nghiệp cũng là thiếu đạo đức, nhưng sự cẩu thả trong văn chương thì thật là đáng khinh”.
Sau khi lấy Từ, Hộ dần dần rơi tuyệt vọng khi không đủ tiền trang trải để nuôi gia đình nhỏ. Nếu cứ mãi viết văn cẩn thận như thế thì cả nhà sẽ chết đói, Hộ lúc này đã thay đổi bản chất của việc viết văn, anh biến nó thành một công cụ để kiếm tiền. Họ giờ đây sáng tác ra những tác phẩm mà người đọc đọc xong sẽ quên ngay, cẩu thả, hay như chính Hộ từng nói thì thật là “đáng khinh”. Giờ đây, Hộ viết nên những tác phẩm vô vị, nhạt nhẽo, Hộ cần tiền để chăm sóc cho vợ con đang đói rách, Hộ áp lực vô cùng nên đêm đến Hộ hay đánh Từ, người vợ mà Hộ thương yêu. Sau khi Hộ nhận thức và bình tĩnh lại thì Hộ lại xin lỗi Từ, lúc này đây Hộ đã rơi vào bi kịch của tình yêu thương khi phá vỡ đi những nguyên tắc của mình, Hộ là một người từng coi yêu thương là lẽ sống của mình mà giờ đây lại đánh đập người vợ chung chăn chung gối với mình, Hộ thật đáng thương.
Đáng buồn thay, đó chính là bi kịch của một người biết rõ rằng mình đang dần dần tha hoá nhưng không thể nào thay đổi được, Hộ nhận thức được chính bản thân đang dần đánh mất đi chính mình nhưng không có cách nào cứu vãn. Đó là bi kịch đau đớn của một tri thức có nhận thức sâu sắc về những giá trị tốt đẹp của văn chương, của cuộc sống, của một sự nghiệp lớn lao “muốn cất cánh bay cao nhưng lại bị cơm áo gạo tiền ghì sát đất”.
Nam Cao đã vẽ nên nhân vật Hộ với những bi kịch dai dẳng và đau đớn, người đọc đã phải rơi nước mắt trước những cảm xúc của nhân vật Hộ. Sự đồng cảm của Nam Cao trở nên sâu sắc và ý nghĩa hơn, nổi bật trong đó chính là giá trị nhân đạo của tác phẩm khiến cho những trang văn của Nam Cao trở nên bất tử và mãi neo đậu trong trái tim của bạn đọc mặc kệ thời gian.
---------------------------------------
Trên đây là bài viết phân tích nhân vật Hộ trong Đời thừa. Hi vọng bài viết trên của Topbee sẽ giúp ích cho các em trong quá trình học tập. Chúc các em học tốt môn văn!