Phân tích Nữ Thần Lúa để làm sáng tỏ: Sau tấm màn hoang đường, thần thoại chứa đựng một nội dung hiện thực
Nữ thần Lúa là một trong những câu truyện thần thoại thú vị của kho tàng văn học dân gian Việt Nam. Cùng Topbee phân tích Nữ Thần Lúa để làm sáng tỏ câu: “Sau tấm màn hoang đường, thần thoại chứa đựng một nội dung hiện thực”
Dàn ý Phân tích Nữ Thần Lúa
1. Mở bài
- Giới thiệu về thể loại thần thoại trong bảo tàng văn học Việt Nam.
- Giới thiệu tác phẩm "Nữ thần lúa"
2. Thân bài
- Giải thích "thần thoại" chứa đựng yếu tố hoang đường nhưng đằng sau tầm màn nhung chứa đựng cái nhìn hiện thực về thế giới.
- Liên kết với câu chuyện "Nữ thần lúa":
+ Đưa ra các chi tiết hoang đường: Con gái Ngọc Hoàng; Lúa tự về nhà; Cứ ngắt bông vào nồi là lúa sẽ thành cơm.
+ Chi tiết hiện thực: Sự trách phạt của nữ thần Lúa=> Người nông dân phải xuống tận ruộng lấy từng bông.
- Sử dụng thủ pháp nhân cách hóa, ngôi kể số 3.
=>Khẳng định điều gì dễ dàng có được thường khiến người ta sinh tâm lý coi thường, không biết trân trọng.
3. Kết luận
Khẳng định yếu tố hoang đường đem lại sức lôi cuốn cho truyện và yếu tố hiện thực tạo nên giá trị tác phẩm
Phân tích Nữ Thần Lúa để làm sáng tỏ: Sau tấm màn hoang đường, thần thoại chứa đựng một nội dung hiện thực
Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, thần thoại là thể loại ra đời sớm nhất và được lưu truyền từ đời này sang đời khác với những sự tích kỳ bí, sức lôi cuốn lạ về thế giới thần linh, thể hiện quan điểm về vũ trụ nhân sinh của người xưa. Chính vì thế mới có câu nói: "Sau tấm màn hoang đường, thần thoại chứa đựng một nội dung hiện thực”. Câu chuyện "Nữ Thần Lúa" chính là tác phẩm hoàn hảo thể hiện cho sự đa dạng, sáng tạo trong thế giới thần thoại ấy!
PGS. Vũ Ngọc Khánh từng đưa ra nhận định trong công trình nghiên cứu Kho tàng thần thoại Việt Nam: "Thần thoại là hình thức sáng tác của con người thời đại xa xưa. Nó thể hiện ý thức muốn tìm hiểu vũ trụ, lý giải vũ trụ và chính phục vũ trụ của con người". Quả thực như thế! Thời đại nguyên thủy, trình độ nhận thức về thế giới, vũ trụ của con người còn ngây thơ, chất phác, kỹ thuật sản xuất còn hạn chế. Sự hình thành của trời đất, mưa nắng, cây cối hay nguồn gốc loài người trở thành nỗi sợ hãi cũng đầy tò mò, muốn khám phá, chế ngự.
Từ nỗi niềm khao khát muốn lý giải lực lượng tự nhiên, vượt lên trên khả năng trí tuệ của mình, người nguyên thủy đã đi đến sự sùng bái, thần thánh hóa tự nhiên, đưa ra các quan niệm huyễn hoặc về thực tại. Ấy thế nhưng, trong cái thi vị tưởng như phi lý ấy lại chứa đựng góc nhìn đầy hiện thực về thế giới.
Qua tư duy giàu trí tưởng tượng, họ gửi gắm quan niệm về nhân sinh, ước mơ chinh phục thiên nhiên bằng chính sức mạnh nội lực, đồng thời khát vọng về một thế giới tươi đẹp, "nên có".
Với câu chuyện thần thoại "Nữ thần Lúa", người đọc dễ dàng nhìn thấy “tầm màn nhung” kiều diễm, hoang đường nằm ở ngay cốt truyện, hình tượng, nguồn gốc xuất thân cũng như tính nết, hành động của nhân vật. Đó là nữ thần lúa, con gái Ngọc Hoàng, "một vị thần xinh đẹp, dáng người ẻo lả, và có tính hay hờn dỗi". Sau những trận lụt lội ghê gớm xảy ra, sinh linh cây cỏ đều bị diệt hết, nữ thần Lúa được phái xuống trần gian, nuôi sống loài người.
Sự hoang đường, huyễn hoặc được biến hóa kì ảo hơn nữa khi xây dựng chi tiết "Lúa chín tự về nhà không cần gặt và không phải phơi phóng gì cả", thậm chí "cần ăn, cứ ngắt bông vào nồi là lúa sẽ thành cơm".
Thế nhưng có một sự kiện là điểm thắt nút, đẩy câu chuyện đến kịch tính. Đó là một hôm, cô gái nhà kia đang bận việc nên sân chưa quét dọn, cửa kho chưa mở, lúa ở ngoài đã ùn ùn kéo về. Vì bực dọc, cô gái liền quở trách lại còn "đập vào đầu bông lúa". Ấy thế là, nữ thần lúa tức giận, "nhất định không cho lúa bò về nữa".
Từ đó, người nông dân "phải xuống tận ruộng lấy từng bông". Lúa cũng không tự biến thành cơm nữa, người nông dân phải phơi phóng, xay, giã mới cho ra hạt gạo. Sự trách phạt của nữ thần Lúa còn chưa dừng ở đó nên nhiều lần "cấm không cho các bông lúa nảy nở". Sau mỗi lần gặt, người nông dân phải làm lễ cúng hồn Lúa mới.
Ở đây, cái hay trong nghệ thuật câu chuyện không chỉ ở việc sử dụng yếu tố kỳ ảo mà còn tận dụng thủ pháp nhân cách hóa khiến nữ thần lúa mang biểu tượng của vẻ đẹp và sức mạnh. Qua đó, câu chuyện giải thích về nguồn gốc thiêng liêng của cây lúa và vị trí của người phụ nữ trong nền sản xuất nông nghiệp.
Theo đó, cây lúa không tự nhiên mà có. Lúa là do nữ thần con Ngọc Hoàng mang xuống trần gian. Vì thế mà có nguồn gốc cao quý chứ không đơn thuần là giống cây bình thường. Cây lúa còn phản ánh cho quá trình thuần hóa của người nguyên thủy khi chuyển từ thời kỳ hái lượm sang trồng trọt.
Thế nhưng chính sự phạm lỗi của con người đã khiến họ phải lao động mới có cơm ăn. Ở đây, sự hư cấu và tưởng tượng đều có dáng dấp của sự thật. Việc kể về sự trừng phạt của thần lúa là cách người xưa lý giải, điều gì dễ dàng có được thường khiến người ta sinh tâm lý coi thường, không biết trân trọng, thế nên muốn có cái ăn con người buộc phải lao động.
Muốn cắt lúa phải "chế ra liềm, hái để cắt lúa cho nhanh", còn phải tốn công sức mới cắt được, muốn lúa thành cơm phải phơi phóng, xay giã, giần, sàng. Rồi lúa có năm được mùa, có năm mất mùa, hạt lép, hạt mẩy.
Thế mới thấy để có được hạt lúa, hạt gạo trắng ngần, nghề trồng lúa phải chịu biết bao vất vả. Sự nhọc nhằn ấy muôn đời là thế. Chẳng vậy mà tác giả Phú Sĩ từng thốt lên: "Nắng chiếu sương rơi một đời bao lam lũ/Thấm giọt mồ hôi mấy mùa luôn bám trụ/ Chẳng quản nhọc nhằn cho vụ lúa oằn bông".
Bằng sự lạc quan, bay bổng, người xưa đã giải thích sự nhọc nhằn, chưa biết quý trọng công sức lao động ấy chỉ bằng "sự hờn giận của nữ thần Lúa". Cách lý giải mang màu sắc hoang đường này một lần nữa nhấn mạnh bài học muôn đời: Chỉ khi con người chịu khó, chăm chỉ và cần cù trong lao động mới có thể gặt hái được thành quả xứng đáng. Những thứ dễ dàng có được sẽ chẳng bao giờ bền lâu.
Xuyên suốt tác phẩm được kể bằng ngôi thứ ba nhằm giúp câu chuyện trở nên bao quát trong nhiều không gian, thời gian. Các tình tiết tưởng tượng hư cấu xuất hiện vừa đủ để mang đến sức hấp dẫn, lôi cuốn người đọc; sâu sa hơn là gửi gắm bài học ý nghĩa về cuộc sống, về công sức và giá trị lao động.
Câu chuyện kết thúc bằng việc nhắc đến lễ cúng cơm mới, cúng hồn lúa tại các làng, các bản. Đây cũng là lời lý giải rất tự nhiên về nguồn gốc của một số tục lệ truyền thống quen thuộc ở các làng quê Việt.
Thần thoại “Nữ thần Lúa” là tác phẩm nghệ thuật với những tình tiết sinh động, kì ảo phản ánh nét ngây thơ, hồn nhiên nhưng cùng đầy bay bổng, vượt lên trên tất cả của người xưa. Tác phẩm còn là câu chuyện giáo dục đặc sắc phản ánh tinh thần, ý thức lao động. Đây chính là minh chứng hùng hồn nhất cho câu nói "Sau tấm màn hoang đường, thần thoại chứa đựng một nội dung hiện thực”.