image hoi dap
image hoi dap

Phân tích quan điểm truyện ngắn Vợ nhặt có phải là một câu chuyện cổ tích trong nạn đói hay không?

icon-time7/9/2023
(1 đánh giá)

Vợ nhặt là một tác phẩm tiêu biểu nhất khi viết về nạn đói năm 1945, qua tác phẩm người đọc dường như phải khiếp sợ trước cảnh đói nghèo nhưng cũng rung động trước những trái tim nghị lực và kiên cường, khao khát được sống và hạnh phúc. Sau đây, mời các em tìm hiểu bài viết phân tích quan điểm truyện ngắn Vợ nhặt có phải là một câu chuyện cổ tích trong nạn đói hay không?


Bối cảnh trong bài Vợ nhặt

Phân tích quan điểm truyện ngắn Vợ nhặt có phải là một câu chuyện cổ tích trong nạn đói hay không? - ảnh 1

Vợ nhặt được viết trong bối cảnh nạn đói năm Ất Dậu 1945, dân ta chịu cảnh lầm than đói khổ vì quân Nhật bắt dân ta nhổ lúa trồng đay, vì vậy mà nước ta có đến hơn 2 triệu người chết đói, ta nhớ đến những vần thơ “Năm Ất  Dậu tháng ba còn nhớ mãi/ Giống lạc  hồng cực trải lắm đau thương/ Những thây ma thất thểu đầy đường/Rồi ngã gục không đứng lên vì đói”. Cái đói, cái nghèo, cái chết thấm trong từng con chữ của nhà văn Kim Lân, đó chính là tài ba trong nghệ thuật miêu tả của nhà văn Kim Lân, không gian làng quê lúc này vô cùng hoang sơ và tiêu điều. Cái đói đã tràn đến khắp nơi trong con xóm nhỏ của xóm ngụ cư nghèo, con người cũng bị cảnh vật làm cho đìu hiu. Người người ủ rũ không muốn nhúc nhích, người sống xanh xám như những bóng ma, bóng những người đói dật dờ đi lại như những bóng ma ngoài đường. Người chết như ngả rạ, ba bốn cái xác chết nằm còng queo bên vệ đường, còn tiếng quạ thì “gào lên từng hồi thê thiết” chúng chính là sứ giả của địa ngục, của cái chết đang đến gần hơn với người dân. Mùi rơm bốc lên thoang thoảng khiến người đọc cảm thấy lạnh lẽo và sợ hãi trước nạn đói năm ấy. Hoàn cảnh lúc bấy giờ vô cùng thê thảm, ta cảm nhận được sự bức bối, đau khổ bao trùm lên toàn bộ không gian của xóm ngụ cư nghèo. Bối cảnh thê lương của nạn đói được Kim Lân miêu tả rõ nhất qua những so sánh cụ thể và sống động, người sống cũng không khác người chết là bao, họ tựa tựa nhau như minh chứng rằng ranh giới giữa sự sống và cái chết vô cùng mong manh. Những con người bây giờ vẫn còn đang sống có thể ngày mai sẽ trở thành cái xác còng queo bên đường, vô cùng đáng sợ. Tuy nhiên, trong tác phẩm Vợ nhặt vẫn sáng lên những niềm tin, niềm hi vọng như một câu truyện cổ tích trong nạn đói năm ấy.


Luận điểm chính Vợ nhặt là câu chuyện cổ tích trong nạn đói

  • Có thể xem câu chuyện Vợ nhặt là một câu chuyện cổ tích trong nạn đói.
  • Cái đám cưới của Tràng và thị không hề đẹp đẽ và giàu có như những cô công chúa với hoàng tử, nhưng cái đám cưới ấy vô cùng đặc biệt khi tổ chức trong hoàn cảnh như thế.
  • Trong tình cảnh khó khăn, vất vả và đói kém như vậy thì gia đình Tràng vẫn quyết định cưu mang thêm thị, cho thị một miếng ăn, chỗ ở, một gia đình hạnh phúc và đủ đầy.
  • Câu chuyện Vợ nhặt được xem là câu chuyện cổ tích khi trong hoàn cảnh tăm tối, con người vẫn luôn đong đầy niềm tin và hi vọng, ước mơ về tương lai hạnh phúc, đó là niềm tin chưa bao giờ lung lay.
  • Người đọc được hướng đến những điều đẹp đẽ, những giá trị tích cực và tốt đẹp sau khi đọc tác phẩm. Dù được đánh giá là được xem như một câu chuyện cổ tích nhưng tác phẩm Vợ nhặt không quá hư cấu mà vẫn có tính hiện thực và nhân đạo.

Phân tích quan điểm truyện ngắn Vợ nhặt có phải là một câu chuyện cổ tích trong nạn đói hay không?

“Ta nhớ mãi cái thời kì đen tối/ Quên sao được tội ác kẻ xâm lăng” (Đói – Bàng Bá Lân), nạn đói năm 1945 là nguồn cảm hứng của rất nhiều nhà văn trong văn chương. Viết về nạn đói năm ấy, ta nhớ đến một tác phẩm vô cùng đặc biệt – Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân. Dù được viết trong nạn đói vô cùng đau khổ và thiếu thốn nhưng truyện ngắn Vợ nhặt có thể được xem là một câu chuyện cổ tích.

Ta tự hỏi tại sao tác phẩm Vợ nhặt lại được xem là câu chuyện cổ tích? Trong Vợ nhặt, ta không hề bắt gặp một chàng hoàng tử đẹp trai, giàu có, cũng không có nàng công chúa với mái tóc dài, làn da trắng trẻo xinh đẹp và giỏi giang. Trong Vợ nhặt của Kim Lân, ta chỉ bắt gặp một anh cu Tràng khờ khạo và có phần không bình thường, một cô thị đói khát và cuộc đời như một số không tròn trĩnh. 

Khi Tràng đưa thị về nhà hỏi cưới, Tràng cưới thị trong một đêm tối vô cùng u ám và lạnh lẽo. Trong đám cưới ấy, không có sự chứng kiến của bạn bè, không có hoa cưới, không có những mâm cơm và rượu mừng, chỉ có Tràng, thị và bà cụ Tứ, dù cái đám cưới ấy thiếu tất cả nhưng cũng lại đầy đủ tất cả, dù đó chỉ là một cái đám cưới trong vô số cái đám ma.

Đây thật sự là một câu chuyện cổ tích đặc biệt, trong tình cảnh mà sự sống càng xích lại gần nhau hơn thì càng gần với cái chết nhưng Tràng vẫn quyết định cưu mang thị, đèo bòng thêm thị về nhà. Tràng không phải là một anh chàng hoàng tử giàu có, gia đình thì lại còn nghèo khổ, miếng ăn còn không có vậy mà quyết định cứu thị về, cho thị một chỗ dựa, một miếng ăn, một ngôi nhà và ước mơ vào một gia đình hạnh phúc.

Phân tích quan điểm truyện ngắn Vợ nhặt có phải là một câu chuyện cổ tích trong nạn đói hay không? - ảnh 2

Trong hoàn cảnh tối tăm như vậy, Tràng, thị và bà cụ Tứ chưa bao giờ từ bỏ hi vọng về một tương lai tươi sáng và hạnh phúc. Sau khi cưới thị về, Tràng đã có niềm tin về một gia đình hạnh phúc, một hi vọng về gia đình đủ đầy, vui vẻ. Còn bà cụ Tứ cũng mơ về “đôi gà – đàn gà”, đó chính là tương lai sum vầy sau này của gia đình nhỏ, một tương lai đủ đầy và hạnh phúc. 

Thông qua tác phẩm, người đọc cũng rút ra cho mình những bài học, những lời khuyên về một tương lai tươi đẹp, sống phải luôn có niềm tin và hi vọng, dù trong bước đường cùng. Dù được xem như là một câu chuyện cổ tích trong nạn đói nhưng truyện ngắn Vợ nhặt cũng vô cùng hiện thực, phản ánh đúng thực trạng nạn đói của người dân Việt Nam.

----------------------------

Trên đây là bài viết phân tích quan điểm truyện ngắn Vợ nhặt có phải là một câu chuyện cổ tích trong nạn đói hay không? Hi vọng bài viết trên của Topbee sẽ giúp ích cho các em trong quá trình học tập. Chúc các em học tốt môn văn!

Phạm Liên
Đánh giá bài viết
Đặt câu hỏi
icon-make-question icon-make-question