Phân tích truyện ngắn Bẫy cò của Tạ Duy Anh
Đề bài: Phân tích truyện ngắn Bẫy cò của Tạ Duy Anh
Mở bài Phân tích truyện ngắn Bẫy cò
Truyện ngắn “ Bẫy cò” của Tạ Duy Anh là một câu chuyện ngắn xuất sắc trong tập truyện ngắn dành cho thiếu nhi của nhà xuất bản Kim Đồng. Câu chuyện là lời gửi gắm chân thành của tác giả về những giá trị nhân văn, sự suy ngẫm về tình cảm và lòng nhân ái đối với muôn loài.
Thân bài Phân tích truyện ngắn Bẫy cò
Truyện ngắn “ Bẫy cò” mô tả một tình huống truyện giữa hai nhân vật là hai đứa trẻ chuẩn bị cho quá trình bẫy cò. Sau khoảng thời gian chờ đợi thì chúng đã thành công bẫy được một con cò Bợ con, giống cò thật thà và có phần khờ khạo nên đã không thể thoát khỏi cái bẫy như những loài cò trắng khác. Ban đầu, hai nhân vật rất phấn khích khi bẫy thành công, tuy nhiên, khi nhìn thấy con cò giẫy giụa đau đớn, bé Vin lại bắt đầu cảm thấy hối hận và buồn rầu. Nhân vật “ tôi”, người kể chuyện là một đứa trẻ nghịch ngợm nhưng cũng có mộ trái tim nhân hậu. Khi thấy “Tiếng con cò mẹ càng gào thảm thiết. Cò Bợ con chừng đã mệt, hai cánh áp xuống đất, mắt lóe lên như hai giọt nước, sợ run cầm cập”, chân tôi cũng muốn khuỵa xuống. Nhân vật tôi có thể cảm nhận được nỗi đau đớn của người mẹ khi chứng kiến đứa con mình đang dần tới cái chết, tiếng kêu la thất thanh vang vọng cả khoảng trời, âm thanh ấy như xé lòng người nghe. Rồi “ tôi” nghĩ tới cảnh “ đêm nay mẹ nó sẽ khóc hết nước mắt. Rồi chỉ vài hôm nữa thế nào cũng thấy xác một con Cò Bợ mẹ chết ủ rũ vì mất con.” Suy nghĩ ấy như thức tỉnh nhân vật tôi, đứa trẻ liền nhanh chóng tháo bẫy rồi tung bổng cò con lên trời mà không cần suy nghĩ. Có lẽ đứa trẻ phần nào nhìn thấu được tình mẫu tử thiêng liêng giữa cò mẹ và cò con cũng như đồng cảm trước sự dại dột của cò con “Tôi thấy rõ tiếng van xin của Bợ con: "Tôi van cậu! Cậu cũng là trẻ con, cũng có lúc dại dột. Tôi xin cậu"”. Có thể thấy, mặc dù mang trong mình bản tính tinh nghịch, dại dột, suy nghĩ chưa chín chắn nhưng nhân vật này vẫn cảm nhận được tình mẫu tử cảm động để rồi đưa ra một quyết định đúng đắn, quyết định này không chỉ giúp cho mẹ con cò bợ được đoàn tụ mà còn thể hiện được nhân cách cao đẹp của một đứa trẻ. Bên cạnh nhân vật Tôi thì nhân vật bé Vin cũng đại diện cho lòng thương cảm đối với muôn loài. Ngay từ ban đầu, khi nhìn thấy cảnh còn sập bẫy, “bé Vin bỗng tái mặt, đầu gối díu vào nhau.” Đó có thể là tâm lí của một đứa trẻ con khi nhìn thấy cảnh tượng đau lòng ấy, trở nên sợ hãi, hoảng loạn và không dám tiến tới gần. Cho đến khi cò con được thả bay đi, bé Vin lại ngồi bụp xuống khóc nức nở, lo sợ rằng cò con sẽ bị gẫy cổ, rồi sẽ bị mẹ nó đánh vì tội dại dột. Suy nghĩ ấy tuy đơn thuần và ngây thơ nhưng nó lại phản ánh được lòng đồng cảm sâu sắc của bé Vin với cò con. Nhân vật Cò mẹ và Cò con cũng được tác giả miêu tả rất sinh động với đầy đủ tri giác, có những cảm xúc và phản ứng như con người, đó cũng là yếu tố quan trọng để nhà văn thể hiện được giá trị nhân văn sâu sắc của truyện ngắn.
Kết bài Phân tích truyện ngắn Bẫy cò
Bằng câu văn giản dị, gần gũi, ngôn ngữ tả thực sinh động, biện pháp nhân hóa kết hợp với lời nói trực tiếp của nhân vật đã giúp cho truyện ngắn trở nên chân thật và giàu giá trị gợi tả. Tác giả đã rất khéo léo sử dụng các chi tiết mang tính biểu tượng, ngôn ngữ và miêu tả tâm lý nhân vật để truyền tải thông điệp nhân văn sâu sắc về giá trị của lòng trắc ấn, sự đồng cảm và lòng nhân hậu của con người đối với muôn loài.