image hoi dap
image hoi dap

Phong cách sáng tác (nghệ thuật) của Nguyễn Tuân

icon-time20/3/2024

Xuất hiện trên văn đàn Việt Nam từ đầu thế kỉ XX với tập truyện ngắn đầu tay “Vang bóng một thời”. Nguyễn Tuân đã trở thành một viên ngọc sáng cho văn học hiện đại Việt Nam. Cả sự nghiệp văn chương, ông để lại cho đời nhiều tác phẩm đồ sộ, độc đáo với phong cách sáng tác không giống ai. Cùng Topbee tìm hiểu về ông trong bài viết dưới đây.


Nguyễn Tuân là ai?

- Nguyễn Tuân (1910-1987) sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho nghèo khi Hán học đã tàn tại phố Hàng Bạc, Hà Nội. Quê ông ở làng Mọc, nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

- Ông học đến cuối bậc Thành chung Nam Định (tương đương cấp THCS ngày nay) nhưng bị đuổi học do tham gia cuộc bãi khóa phản đối một số giáo viên Pháp nói xấu người Việt.

- Sau đó không lâu, ông lại bị bắt vào tù vì tội vượt biên sang Thái Lan không có giấy phép. Đến khi ra tù, Nguyễn Tuân bắt đầu sự nghiệp viết lách, làm báo và có những tác phẩm văn chương đầu tay, một số tác phẩm đem lại tiếng vang lúc bấy giờ như: như Vang bóng một thời, Một chuyến đi,…

- Đến năm 1941, ông lại bị bắt tù lần nữa vì tội giao lưu, gặp gỡ với những người hoạt động chính trị. 
Sau khi Cách mạng Tháng 8 thành công, Nguyễn Tuân tích cực tham gia cách mạng và trở thành một cây bút tiêu biểu trên văn đàn Việt.


Phong cách sáng tác (nghệ thuật) của Nguyễn Tuân trước cách mạng Tháng 8

Trước Cách mạng Tháng 8, phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân được gói gọn bằng 1 chữ “ngông” thể hiện ở lối sống không giống ai, khác hẳn vời người, với đời. Còn trong văn chương thì sáng tác theo phong cách duy nhất không ai có. Điều này được thể hiện ở các điểm:

- Ba chủ đề chính mà ông sáng tác trong thời kỳ này là “Vang bóng một thời”, “Chủ nghĩa xê dịch” và “Đời sống trụy lạc”. 

+ Trong “Vang bóng một thời” gồm 11 truyện ngắn được Nguyễn Tuân viết về “một thời” đã qua nhưng nay chỉ còn “vang bóng”. Đó là thời mà thực dân Pháp đặt chân đô hộ lên nước ta khiến văn hóa Việt trở thành nửa Tây nửa ta, Hán học khi đó cũng tàn lụi, những nho sĩ cuối mùa trở nên lạc lõng như “sinh nhầm thế kỉ” có tài mà không được trọng dụng.

Phong cách sáng tác (nghệ thuật) của Nguyễn Tuân (ảnh 1)

+ “Chủ nghĩa xê dịch” xuất phát từ cá tính và tâm trạng bất lực trước cuộc đời đã khiến ông tìm lối thoát trong những thú giang hồ, xê dịch. Vì thế, những gì ông thể hiện trong các tác phẩm của mình có tính cách phi thường, tình cảm, cảm giác mãnh liệt, phong cảnh thiên nhiên tuyệt mỹ, sông núi, rừng thiêng, thác ghềnh hiện lên với hình ảnh dữ dội. Tất cả được ông thể hiện trong các tác phẩm: Thiếu quê hương, Một chuyến đi, Tùy bút (1,2 3),…

+ Đến khi mới ra khỏi nhà lao (vào đầu những năm 30) Nguyễn Tuân bị khủng hoảng tinh thần cũng là lúc ông lao vào đời sống trụy lạc. Vài năm sau, ông ghi chép lại những ngày tháng đó trong tùy bút Chiếc lư đồng mắt cua như một lời thú tội về quãng đời chơi bời, trụy lạc. Chính điều này đã làm cho Nguyễn Tuân trở thành người có một không hai.

- Trong mỗi trang viết của Nguyễn Tuân, ông đều muốn chứng tỏ tài hoa uyên bác về phương diện văn hóa, nghệ thuật khi miêu tả những thứ nhỏ nhất trong cuộc sống.

- Ông cũng là người yêu thiên nhiên tha thiết, có nhiều phát hiện mới về vẻ đẹp của núi, sông, cây, cỏ ngay xung quanh mình.

- Cách hành văn cũng rất cầu kì, giọng điệu trang nghiêm, ông không sử dụng những từ ngữ quen thuộc và sáng tạo hệ thống từ ngữ mới lạ mà chỉ Nguyễn Tuân sử dụng.


Phong cách sáng tác (nghệ thuật) của Nguyễn Tuân sau cách mạng Tháng 8 

Sau Cách mạng Tháng Tám, phong cách sáng tác của Nguyễn Tuân có sự thay đổi đáng kể:

- Thời điểm này, ông dần như đã hồi sinh, say mê với niềm vui lớn của đất nước. Nguyễn Tuân đến với cách mạng và kháng chiến, hăng hái đi thực tế và dùng ngòi bút của mình để ca ngợi đất nước và con người Việt Nam trong chiến đấu và lao động. 

- Nguyễn Tuân vẫn tiếp cận sự vật ở phương diện văn hóa, thẩm mĩ nhưng giờ đây ông còn tìm thấy cái chất tài hoa nghệ sĩ ở những con người rất bình thường trong xã hội (ví dụ như người lái đò).

- Giọng văn của ông cũng trở nên đôn hậu, tin yêu hơn trước. Còn giọng ngông nghênh, khinh bạc chỉ dành để ném vào kẻ thù của dân tộc và những mặt tiêu cực của xã hội lúc bấy giờ.

- Một số tác phẩm tiêu biểu: Đường vui (1949), Tình chiến dịch (1950), Sông Đà (1960), Bộ đội ta đánh Mỹ giỏi (1972),…


Nhận định về phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân 

1. Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh nhận định: “Hạt nhân của phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân có thể gói gọn trong một chữ ngông. Cái ngông vừa có màu sắc cổ điển, kế thừa truyền thống tài hoa bất đắc chí của những Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Tản Ðà,… và trực tiếp hơn là cụ Tú Lan, thân sinh nhà văn; vừa mang dáng vẻ hiện đại, ảnh hưởng từ các hệ thống triết lý nổi loạn của xã hội tư sản phương Tây như triết lý siêu nhân, quan niệm về con người cao đẳng, thuyết hiện sinh…”

Hay

“Khi thì trang nghiêm cổ kính, khi thì đùa cợt bông phèng, khi thì thánh thót trầm bổng, khi thì xô bồ bừa bãi như là ném ra trong một cơn say chếnh choáng, khinh bạc đấy, nhưng bao giờ cũng rất đỗi tài hoa”.

“… Nguyễn Tuân- một cây bút vốn luôn khao khát những cảm giác, cảm xúc mới lạ, nồng nàn, say đắm…”.

2.  Vũ Ngọc Phan cũng nhận xét: “Chỉ người ưa suy xét đọc Nguyễn Tuân mới thấy thú vị, vì văn Nguyễn Tuân không phải thứ văn để người nông nổi thưởng thức”

Phong cách sáng tác (nghệ thuật) của Nguyễn Tuân (Ảnh 2)

3. Ðây là một nhà văn "suốt đời đi tìm cái Ðẹp, cái Thật" (Nguyễn Ðình Thi), tự nhận mình là người "sinh ra để thờ Nghệ Thuật với hai chữ viết hoa".

4. Nguyễn Đình Thi nói: Nguyễn Tuân là một nhà văn cả đời đi tìm kiếm cái thực và cái đẹp. Thực ra, sự thực và cái đẹp của cuộc sống là hai cái đích mà dường như bất kì ngòi bút chân chính nào cũng hướng tới nhưng không dễ chiếm lĩnh và chạm vào được. Nguyễn Tuân cũng trên hành trình tìm kiếm nhưng tác phẩm của ông đã chạm được đến cái đẹp, nhất là cái đẹp truyền thống và cái thực phồn hoa chốn thành thị. Nguyễn Tuân là người thưởng thức cái đẹp với tư cách người có văn hóa, có vốn tri thức, biết giá trị của đối tượng mình chiêm ngưỡng.

5. Ông xứng đáng được mệnh danh là “chuyên viên cao cấp tiếng Việt”, là “ người thợ kim hoàn của chữ “(ý thơ của Tố Hữu). Tinh thần tự nguyện dấn thân, bám trụ ở thành trì cái Đẹp là biểu hiện sinh động của một nhân cách văn hóa lớn. Nhà văn Nguyễn Tuân “đặcViệt Nam” (chữ dùng của Vũ Ngọc Phan) từ quan niệm đến thực tế sáng tác.


Kết luận

Với phong cách sáng tác rất riêng của mình, chúng ta có thể nói rằng: Nguyễn Tuân chính là hiện thân cho định nghĩa về người nghệ sĩ. Người làm văn chương, nghệ thuật phải có phong cách độc đáo, mới lại thì mới làm nên một tác phẩm hay xuất sắc. Ông đã đóng góp không nhỏ cho văn học Việt Nam. Nhờ có Nguyễn Tuân mà thể loại tùy bút, bút kí được thúc đẩy đạt đến trình độ cao, phong phú thêm ngôn từ văn chương mới lạ.

Hoàng Thảo
Đánh giá bài viết
Đặt câu hỏi
icon-make-question icon-make-question