Phong cách sáng tác (nghệ thuật) của Thạch Lam
image hoi dap
image hoi dap

Phong cách sáng tác (nghệ thuật) của Thạch Lam

icon-time21/3/2024

Khi nhắc đến Tự lực văn đoàn, một cái tên không thể bỏ quên là nhà văn Thạch Lam. Ông là một trong những nhà văn tiêu biểu của văn học hiện đại Việt Nam giai đoạn 1935-1945. Vậy phong cách sáng tác của Thạch Lam có gì đặc biệt? Hãy để Topbee giải đáp trong bài viết dưới đây


Thạch Lam là ai?

Thạch Lam (1910-1942) sinh ra trong một gia đình công chức gốc quan lại ở Hà Nội. Tên thật của ông là Nguyễn Tường Vinh (sau đổi thành Nguyễn Tường Lân), là người con thứ 6 trong gia đình có 7 chị em.

Từ thuở còn nhỏ, ông sống chủ yếu ở quê ngoại (Cẩm Giàng – Hải Dương), sau theo cha chuyển sang Thái Bình. Lớn lên ông học ở Hà Nội đến khi đỗ tú tài phần thứ nhất thì ông bắt đầu làm báo, viết văn cùng hai anh trai ruột.

Năm 1935, Thạch Lam được giao làm chủ bút của tờ Ngày nay. Sau đó ông lấy vợ và sinh sống trong căn nhà nhỏ tại làng Yên Phụ (Hà Nội). Căn nhà nhỏ với rặng liễu của vợ chồng ông là nơi gặp gỡ và giao lưu của các văn nghệ sĩ lúc bấy giờ.

Năm 1942, ông mất bởi căn bệnh lao phổi khi tuổi đời còn rất trẻ, sự nghiệp văn chương đang ở độ rực rỡ. Sự ra đi của ông để lại mất mát cho gia đình cùng người vợ trẻ và 3 đứa con thơ trong gia cảnh nghèo.

Phong cách sáng tác (nghệ thuật) của Thạch Lam (ảnh 1)

Do cuộc đời của ông ngắn ngủi nên những sáng tác của ông khá hạn chế. Ông chỉ để lại vẻn vẹn 3 tập truyện ngắn: “Gió đầu mùa” (1937), “Nắng trong vườn” (1938), “Sợi tóc” (1941); một truyện dài “Ngày mới” (1939); tiểu luận “Theo dòng” (1941); tập tuỳ bút “Hà Nội băm sáu phố phường” (1943) và một vài truyện viết cho thiếu nhi in trong “Quyển sách Hạt ngọc” (1940). Thế nhưng những gì ông để lại không phải là số lượng tác phẩm mà là phong cách sáng tác độc đáo.


Phong cách sáng tác (nghệ thuật) của Thạch Lam

Khác hẳn với các tác giả trong nhóm Tự lực, Thạch Lam không chọn phong cách lãng mạn, thoát ly hiện thực mà ông viết về những điều bình dị dưới ngòi bút tinh tế. Với nét nhẹ nhàng, trong trẻo văn chương của ông vẫn bám sát vào hiện thực cuộc sống. Nói về phong cách sáng tác của Thạch Lam, chúng ta có thể tổng hợp như sau:

- Các tác phẩm của Thạch Lam thường hướng về cuộc sống cơ cực của dân thành thị nghèo cùng vẻ đẹp của cuộc sống thường ngày. Đó là những người lao động bần cùng của xã hội Việt Nam đương thời.

- Khung cảnh dễ gặp nhất trong truyện của Thạch Lam là cảnh làng quê bùn lầy đầy nước, những phố chợ tồi tàn và kèm theo đó là bầu trời ảm đạm, những khu ngoại ô nghèo khổ, đìu hiu, vắng lặng. Ở khung cảnh đó, nhân vật trong truyện cũng hiện lên cũng nghèo khổ, đìu hiu như khung cảnh ở đó vậy. Thế nhưng, Thạch Lam vẫn khẳng định vẻ đẹp tâm hồn, phẩm chất của con người và họ có những cái nhìn lạc quan vào cuộc sống. Đó chính là cái riêng, cái độc đáo, cái mạnh trong phong cách sáng tác của ông.

- Tất cả khung cảnh thiên nhiên và con người được Thạch Lam miêu tả bằng đường nét đơn sơ, thưa thoáng nhưng vẫn phản ánh chân thực đời sống của nhân dân lao động rất đỗi bình thường trong xã hội.


Phong cách sáng tác của Thạch Lam có gì đặc biệt

- Văn của Thạch Lam nhẹ nhàng, thủ thỉ. Lối kể chuyện tâm tình, cốt truyện đơn giản hoặc không có cốt truyện, toàn truyện cũng không có hành động phát triển xung đột đẩy lên cao mà chỉ là những chi tiết, hình ảnh khơi gợi cảm giác, suy tư toát lên một tâm trạng nhưng lại rất thực, rất đời. Ông đi sâu vào miêu tả thế giới nội tâm của nhân vật. Vì thế, khi đọc truyện Thạch Lam, độc giả soi vào đó mà thấy được ưu nhược điểm của bản thân. Từ đó, có thể hiểu mình, hiểu đời, thức tỉnh nhân cách con người và cảm thông với người để sống tốt đẹp hơn.

- Là một thành viên của Tự lực văn đoàn nên văn của Thạch Lam cũng bị ảnh hưởng theo trường phái lãng mạn, trữ tình. Nhưng cách thể hiện nó trong các tác phẩm của ông lại khác biệt so với các tác giả khác. Cái lãng mạn đó có vẻ tươi sáng hơn, có hy vọng về ngày mai tốt đẹp làm thức tỉnh trong tâm hồn con người một chút mơ mộng và niềm vui về cuộc sống.

- Thạch Lam được coi là người “khai sinh” ra kiểu truyện ngắn trữ tình. Giọng điệu trong câu văn nhẹ nhàng, trữ tình mang đậm chất thơ, diễn tả được mọi sắc thái và tâm trạng của nhân vật. Truyện của ông có sự hòa quyện giữa yếu tố hiện thực và lãng mạn, giữa tự sự và trữ tình.


Nhận định về phong cách nghệ thuật của Thạch Lam

1. Nguyễn Tuân đã nhận xét về ngôn ngữ văn chương Thạch Lam rất sâu sắc “Thạch Lam đã làm cho tiếng Việt gọn ghẽ đi, co duỗi thêm, mềm mại và tươi tắn hơn. Thạch Lam có đem sinh sắc vào tiếng ta. Và theo tôi nghĩ, đứng bên cái tiêu chuẩn thái độ tư tưởng nó là tiêu chuẩn chung cho các thể, các ngành văn nghệ thì đây là cái chuẩn trong những tiêu chuẩn quan trọng nếu không là duy nhất”.

2. Thế Lữ đã rất xúc động khi nhớ về Thạch Lam: “Sự thật tâm hồn Thạch Lam diễn trong văn chương phức tạp nhiều hình, nhiều vẻ, nhưng bao giờ cũng đằm thắm, thân mật, cũng nhân hậu, cũng nghẹn ngào một chút lệ thầm kín của tình thương” ("Thạch Lam và văn chương")

3. Nhà văn Vũ Ngọc Phan từng nói rằng: “Ngay trong tác phẩm đầu tay ("Gió đầu mùa"), người ta đã thấy Thạch Lam đứng vào một phái riêng… Ông có một ngòi bút lặng lẽ, điềm tĩnh vô cùng, ngòi bút chuyên tả tỷ mỷ những cái rất nhỏ và rất đẹp… Phải là người giàu tình cảm lắm mới viết được như vậy”.

Phong cách sáng tác (nghệ thuật) của Thạch Lam (ảnh 2)

4. Thạch Lam là một nhà văn có khuynh hướng xã hội…Đối với ông, nhân vật thường là những người tầm thường trong xã hội: mẹ Lê trong xóm nghèo, cô hàng xén ở phố huyện, cậu học trò đi ở trọ, hai cô gái giang hồ trơ trọi…Và ông thường để ý vạch vẽ cuộc đời, tình cảm cùng ý nghĩ của họ, chớ không bận tâm lắm đến việc tuyên truyền tư tưởng cách mạng xã hội như trong các tác phẩm của Nhất Linh hay Hoàng Đạo…Ta thấy Thạch Lam, luôn hòa đồng trong cái xã hội nhỏ bé mà ông thương xót với tất cả tâm hồn đa cảm của ông…” (Phạm Thế Ngũ)

5. “…Tình cảm của Thạch Lam chân thành, tuy nhiên, ông chỉ mới băn khoăn, thương cảm đối với số phận người nghèo qua những câu chuyện mang một dư vị ngậm ngùi, tội nghiệp. Về bút pháp, có thể nói Thạch Lam là nhà văn mở đầu cho một giọng điệu riêng: trữ tình hướng nội trong truyện ngắn. Ngòi bút của ông thường khơi sâu vào thế giới bên trong của cái “tôi”, với sự phân tích cảm giác tinh tế.” (Nguyễn Hoành Khung)

6. “Nói đến Thạch Lam người ta vẫn nhớ đến truyện ngắn nhiều hơn là truyện dài”. Đóng góp của Thạch Lam không chỉ ở nghệ thuật mà còn ở phương diện nuôi dưỡng tinh thần. Nó giúp ta thanh lọc tâm hồn. Vì mỗi truyện của ông “như một bài thơ trữ tình chứa đựng biết bao tình cảm mến yêu chân thành và sự nhạy cảm…” (Nguyễn Tuân)

7. “Thạch Lam có quan niệm dứt khoát về thiên chức của văn chương: “Đối với tôi, văn chương không phải một cách đem đến cho người đọc sự thoát ly hay sự quên, trái lại, văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người đọc thêm trong sạch và phong phú hơn”.Có lẽ cả hai phương diện, vừa tố cáo, vừa xây dựng, đều được Thạch Lam chú ý; và trong phần thành công của nó, các dấu ấn hiện thực và lãng mạn trong văn Thạch Lam đều tìm được sự gắn nối ở chính quan niệm này. Ở tư cách nhà văn, Thạch Lam đòi hỏi rất cao phẩm chất trung thực của người nghệ sĩ. Ông viết: “Sự thành thực chưa đủ cho nghệ thuật. Có thể, nhưng một nhà văn không thành thực không bao giờ trở nên một nhà văn giá trị. Không phải cứ thành thực là trở nên một nghệ sĩ. Nhưng một nghệ sĩ không thành thực chỉ là một người thợ khéo tay thôi”. (Phong Lê)


Kết luận

Có thể thấy với một tác giá có cuộc đời ngắn ngủ nhưng những gì Thạch Lam để lại không chỉ các tác phẩm có giá trị mà còn để lại phong cách sáng tác độc đáo. Đó chính là là cái riêng, cái độc đáo ở tấm lòng nhân ái và vẻ đẹp trong tâm hồn đã quán xuyến trong mọi tác phẩm của ông. Dù trong hoàn cảnh nào vẫn ánh lên những điều chân chất, nhân ái. Từ đó, ta thêm yêu và quý trọng con người, biết thương cảm và nâng niu những điều tốt đẹp của mỗi con người.

Tác giả : Topbee
Đánh giá bài viết
Đặt câu hỏi
icon-make-question icon-make-question