Đọc hiểu Quang Trung đại phá quân Thanh (Ngữ văn 8 Kết nối tri thức)
Tổng hợp kiến thức trọng tâm của tác phẩm Quang Trung đại phá quân Thanh bao gồm Giới thiệu tác giả - tác phẩm, bài soạn, sơ đồ tư duy tác phẩm Quang Trung đại phá quân Thanh - SGK Văn 8 Kết nối tri thức.
A. Tác giả - Tác phẩm Quang Trung đại phá quân Thanh
I. Tác giả
- Ngô gia văn phái là một nhóm tác giả Việt Nam thuộc dòng họ Ngô Thì.
- Quê quán: Ở làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, trấn Sơn Nam (nay thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội).
- Ngô gia văn phái là một dòng họ lớn có truyền thống nghiên cứu và sáng tác văn chương, gồm 20 tác giả thuộc 9 thế hệ trong đó hai tác giả chính là Ngô Thì Chí và Ngô Thì Du, làm quan dưới triều nhà Nguyễn.
- Ngô Thì Chí (1753-1788) là em ruột Ngô Thì Nhậm, từng làm quan dưới thời Lê Chiêu Thống.
- Ngô Thì Chí tuyệt đối trung thành với nhà Lê, từng chạy theo Lê Chiêu Thống khi Nguyễn Huệ sai Vũ Văn Nhậm ra Bắc diệt Nguyễn Hữu Chỉnh, dâng Trung hưng sách bàn kế khôi phục nhà Lê. Sau đó ông được Lê Chiêu Thống cử đi Lạng Sơn chiêu tập những kẻ lưu vong, lập nghĩa binh chống Tây Sơn, trên đường đi bị bệnh, ông mất tại huyện Gia Bình (Bắc Ninh).
- Ngô Thì Du (1772-1840) là anh em chú bác ruột với Ngô Thì Chí, học giỏi nhưng không đỗ đạt gì. Dưới triều Tây Sơn, ông ẩn mình ở vùng Kim Bảng (Hà Nam). Nhiều tài liệu cho rằng ông viết bảy hồi đầu của tác phẩm.
- Thời nhà Nguyễn, Ngô Thì Du ra làm quan, được bổ Đốc học Hải Dương, đến năm 1827 thì về nghỉ. Ông là tác giả bảy hồi tiếp theo của Hoàng Lê nhất thống chí.
II. Tác phẩm
1. Hoàn cảnh sáng tác
- Hoàng Lê nhất thống chí là cuốn tiểu thuyết lịch sử, viết bằng chữ Hán theo lối chương hồi, gồm 17 hồi.
- Văn bản bài học được trích từ Hồi 14 − tiểu thuyết chương hồi của Ngô gia văn phái
2. Thể loại
Văn bản Quang Trung đại phá quân Thanh thuộc thể loại tiểu thuyết lịch sử viết theo lối chương hồi.
3. Bố cục
- Phần 1: (từ đầu đến “...hôm ấy nhằm vào ngày 25 tháng cháp năm Mậu Thân 1788”): được tin báo quân Thanh chiếm Thăng Long, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế và thân chinh cầm quân dẹp giặc.
- Phần 2: (tiếp theo đến “… vua Quang Trung tiến binh đến Thăng Long, rồi kéo vào thành”): Cuộc hành quân thần tốc và chiến thắng lẫy lừng của vua Quang Trung.
- Phần 3: (còn lại): Sự đại bại của quân tướng nhà Thanh và tình trạng thảm bại của vua tôi Lê Chiêu Thống.
4. Giá trị nội dung
Các tác giả đã tái hiện chân thực hình ảnh người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ qua chiến công thần tốc đại phá quân Thanh, sự thảm bại của quân tướng nhà Thanh và số phận bi đát của vua tôi Lê Chiêu Thống.
5. Đặc sắc nghệ thuật
Tác phẩm nổi bật là một tiểu thuyết chương hồi viết bằng chữ Hán với cách kể chuyện nhanh gọn, chọn lọc sự kiện, khắc họa nhân vật chủ yếu qua hành động, lời nói, kể chuyện xen miêu tả sinh động và cụ thể, gây ấn tượng mạnh
B. Trả lời câu hỏi bài Quang Trung đại phá quân Thanh
Câu 1. Đoạn trích có thể chia thành mấy phần? Nêu nội dung chính của từng phần.
Trả lời:
Đoạn trích có thể chia làm 3 phần như sau:
- Phần 1: Từ đầu đến “...hôm ấy nhằm vào ngày 25 tháng cháp năm Mậu Thân 1788”: Biết tin quân Thanh chiếm thành Thăng Long, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế lấy niên hiệu là Quang Trung và xuất quân dẹp giặc.
- Phần 2: Tiếp theo đến “… vua Quang Trung tiến binh đến Thăng Long, rồi kéo vào thành”: Nói về cuộc hành quân và chiến thắng vang dội của vua Quang Trung và nghĩa quân Tây Sơn.
- Phần 3: Còn lại: Sự đại bại của quân tướng nhà Thanh và tình trạng thảm bại của vua tôi Lê Chiêu Thống.
Câu 2. Em hãy liệt kê những nhân vật và sự kiện lịch sử được tác giả đề cập trong văn bản.
Trả lời:
- Những nhân vật được tác giả đề cập trong văn bản: Ngô Văn Sở, Ngô Thì Nhậm, Tôn Sĩ Nghị, Lê Chiêu Thống, Nguyễn Văn Tuyết, Bắc Bình Vương, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Thiếp, Hám Hổ Hầu.
- Những sự kiện lịch sử được đề cập: Trận đánh Ngọc Hồi - Đống Đa, sự bỏ chạy của Vua Lê, sự thất bại thảm hại của quân Thanh.
Câu 3. Tìm những chi tiết tiêu biểu miêu tả thái độ, lời nói và hành động của Bắc Bình Vương khi nghe tin báo quân Thanh xâm lược nước ta. Những chi tiết đó cho thấy đặc điểm tính cách gì của nhân vật?
Trả lời:
- Những chi tiết tiêu biểu miêu tả thái độ, lời nói và hành động của Bắc Bình Vương khi nghe tin báo quân Thanh xâm lược nước ta:
+ Bắc Bình Vương tiếp nhận tin báo, giận lắm, liền họp các tướng sĩ, định thân chinh cầm quân đi ngay.
+ Bắc Bình Vương tế cáo trời đất cùng thần sông, thần núi, lên ngôi hoàng đế.
+ Gặp Nguyễn Thiếp để hỏi cơ mưu.
+ Tuyển mộ quân lính ở Nghệ An, duyệt binh, phủ dụ quân sĩ, lên kế hoạch tiến quân đánh giặc.
- Những chi tiết trên cho thấy Bắc Bình Vương rất yêu nước, thương dân, quyết tâm đánh đuổi giặc ngoại xâm để đem lại bình yên cho nước nhà.
Câu 4. Nêu cảm nhận của em về nhân vật vua Quang Trung được khắc họa trong đoạn trích, qua đó nhận xét cảm hứng của tác giả với vị anh hùng dân tộc này.
Trả lời:
- Vua Quang Trung là một con người hành động mạnh mẽ quyết đoán.
- Vua Quang Trung là người có trí tuệ sáng suốt và nhạy bén.
+ Sáng suốt trong việc nhận định tình hình địch và ta
+ Sáng suốt trong việc xét đoán bề tôi
- Vua Quang Trung là người có tầm nhìn xa trông rộng.
- Vua Quang Trung là vị tướng có tài thao lược hơn người.
- Vua Quang Trung là người lẫm liệt trong chiến trận.
Câu 5. Nhân vật Lê Chiêu Thống được khắc họa rõ nét qua những chi tiết tiêu biểu nào? Phân tích một chi tiết đặc sắc, thể hiện rõ bản chất của nhân vật Lê Chiêu Thống, qua đó thấy được thái độ của tác giả đối với nhân vật này.
Trả lời:
- Ở phần 3 của văn bản có chi tiết khắc họa nhân vật Lê Chiêu Thống là: “Vua Lê ở thành Thăng Long không nghe được tin cấp báo nên trong ngày Tết mọi người chỉ chăm chú vào tiệc yến mừng, không lo chi đến việc bất trắc”
Sau khi biết tin: “Vua Lê ở trong điện, nghe tin có việc biến ấy, vội vã cùng bọn Lê Quỳnh, Trịnh hiến đưa thái hậu ra ngoài. Cả bọn chạy đến bến sông thì thấy cầu phao đã đứt, thuyền bè cũng không, bèn gấp rút chạy đến Nghi Tàm, gặp được chiếc thuyền đánh cá vội cướp lấy rồi chèo sang bờ Bắc.”
=> Điều này khẳng định: Vua Lê Chiêu Thống là một ông vua bù nhìn, đặt lợi ích cá nhân lên trước lợi ích của đất nước, cấu kết với nhà Thanh để đất nước rơi vào tay của kẻ thù phương Bắc. Ông không xứng đáng làm vua nước Nam nên kết cục ông phải trả giá. Ông đã bán sống bán chết chạy trốn, thậm chí còn bị đói chạy đến cửa ải để tìm đường sống.
Câu 6. Sự đối lập giữa hai nhân vật Quang Trung và Lê Chiêu Thống, giữa quân Tây Sơn và quân Thanh có tác dụng như thế nào trong việc thể hiện chủ đề của đoạn trích? Hãy khái quát chủ đề đó.
Trả lời:
- Sự đối lập giữa hai nhân vật Quang Trung và Lê Chiêu Thống, giữa quân Tây Sơn và quân Thanh có tác dụng so sánh, đánh giá những hình ảnh nổi bật của Quang Trung và quân Tây Sơn trong chiến thắng đại phá quân Thanh, ca ngợi chiến công hiển hách của vua Quang Trung. Qua đó làm nổi bật hình tượng vị anh hùng áo vải, vị hoàng đế với trí tuệ sáng suốt, mạnh mẽ và quyết đoán.
- Chủ đề có thể là: Anh hùng áo vải Quang Trung, Quang Trung - vị hoàng đế yêu nước thương dân,…
Câu 7. Ở đoạn trích này, những yếu tố đặc trưng nào của truyện lịch sử đã được tác giả sử dụng? Hãy nhận xét về nghệ thuật kể chuyện lịch sử của tác giả.
Trả lời:
- Ở đoạn trích này, những yếu tố đặc trưng của truyện lịch sử đã được tác giả sử dụng là:
+ Truyện tái hiện những sự kiện, nhân vật ở một thời kì, một giai đoạn lịch sử cụ thể.
+ Cốt truyện được xây dựng trên các cơ sở các sự kiện đã xảy ra nhằm thể hiện chủ đề của tác phẩm.
+ Truyện khắc họa nhân vật nổi tiếng: vua Quang Trung, Lê Chiêu Thống,…
+ Ngôn ngữ truyện kể và nhân vật phù hợp với thời đại được miêu tả.
- Nhận xét về nghệ thuật kể chuyện lịch sử của tác giả: Tác giả kể chuyện rất sinh động, sử dụng từ ngữ miêu tả chân thực, khắc họa rõ được tính cách và chân dung của mỗi nhân vật, sử dụng ngôn ngữ mang tính lịch sử.
----------------------------------
Trên đây Topbee đã mang tới cho các bạn những kiến thức tổng hợp về tác giả - tác phẩm, bài soạn, sơ đồ tư duy của văn bản Quang Trung đại phá quân Thanh. Những câu trả lời dựa trên ngữ liệu văn bản, được chắt lọc kỹ càng đảm bảo chính xác nhất. Chúng tôi hi vọng các bạn đã có kiến thức hữu ích khi đọc bài viết này, chúc các bạn học tốt.