So sánh về nội dung và nghệ thuật của 2 tác phẩm truyện ngắn Lụm còi và Từ ngày mẹ chết
image hoi dap
image hoi dap

So sánh về nội dung và nghệ thuật của 2 tác phẩm truyện ngắn Lụm còi và Từ ngày mẹ chết

icon-time28/10/2024

Tham vấn chuyên môn bài viết

Giáo viên: Hoàng Thị Dung

- Giáo viên Ngữ Văn với 3 năm kinh nghiệm

Tham vấn chuyên môn bài viết

Giáo viên: Hoàng Thị Dung

- Giáo viên Ngữ Văn với 3 năm kinh nghiệm

Đề bài: Bài văn 600 chữ so sánh về nội dung và nghệ thuật của 2 tác phẩm truyện ngắn Lụm còi của Nguyễn Ngọc Tư và Từ ngày mẹ chết của Nam Cao.

so sánh về nội dung và nghệ thuật của 2 tác phẩm truyện ngắn Lụm còi của Nguyễn Ngọc Tư và Từ ngày mẹ chết của Nam Cao

1. Dàn ý so sánh truyện ngắn Lụm còi và Từ ngày mẹ chết


1.1 Mở bài:

Giới thiệu hai đoạn trích trong truyện ngắn Lụm còi của Nguyễn Ngọc Tư và Từ ngày mẹ chết của Nam Cao.
Rất dễ để nhìn thấy những đau thương mất mát đánh gục những người trưởng thành. Thế còn những đứa trẻ thì sao? Ai có thể thấu hiểu những xót xa trong lòng chúng khi chúng phải chịu tổn thương? Những nhà văn, với tấm lòng yêu thương mênh mông, dễ dàng hòa chung cảm xúc với bọn trẻ. Nguyễn Ngọc Tư và Nam Cao qua đoạn trích Lụm còiTừ ngày mẹ chết đã tỏa nhân văn lên những thân phận trẻ thơ thiệt thòi, tội nghiệp, đáng thương. Mỗi nhà văn, với cách tiếp cận khác nhau, đã làm thổn thức tâm tư bạn đọc.


1.2. Thân bài:

1. Luận điểm 1: Thông tin chung về từng tác phẩm

Từ ngày mẹ chết của Nam Cao là một trong những truyện ngắn cảm động về tình cảm mẹ con. Câu chuyện kể về cuộc sống của Ninh sau khi mẹ mất đi. Biết bao khốn khổ phủ đầy lên cuộc đời những đứa trẻ mồ côi. Đoạn trích khắc họa rõ nét nhất những tủi hờn, côi cút của hai chị em Ninh khi mẹ mới vừa mất, bố đã sinh bài bạc, nợ nần, bê tha.

Lụm còi của Nguyễn Ngọc Tư kể về cuộc gặp gỡ tình cờ của hai nhân vật “Tôi” và Lụm. Nhân vật tôi bỏ nhà đi bụi vì bị ba đánh tội lấy tiền của mẹ đi chơi điện tử mà không xin phép. Đêm tối, tại ngã tư chỗ rẽ về nhà ngoại, nhân vật tôi đã gặp Lụm còi - cậu bé bị bỏ rơi, đen nhẻm, còi cọc. Tại đây hai đứa trẻ trò chuyện cùng nhau. Cuộc sống tội nghiệp, khổ sở của Lụm khiến tôi nhận ra nhiều điều.

2. Luận điểm 2: Những điểm tương đồng, khác biệt giữa hai đoạn trích

a. Những điểm tương đồng:

Đề tài và nhân vật:

Cả hai đoạn trích đều hướng tới đề tài gia đình, tập trung khắc họa những đứa trẻ khốn khổ.

Nhân vật trung tâm đều là những đứa trẻ chịu thiệt thòi vì không có mẹ ở bên.

Quan điểm thẩm mỹ và cách tiếp cận hiện thực:

Hai nhà văn đều chọn hiện thực chua xót của cuộc đời những đứa trẻ để làm nổi bật giá trị nhân đạo.

Các nhà văn viết với sự thấu hiểu, chia sẻ sâu sắc những tâm hồn trẻ thơ dễ tổn thương.

b. Những điểm khác biệt và điều kiện làm nên sự khác biệt:

Cách kể chuyện:

Lụm còi: Ngôi kể thứ nhất; điểm nhìn của nhân vật “tôi” khắc họa hành trình nhận thức của chính “tôi.”

Từ ngày mẹ chết: Ngôi kể thứ ba, với sự xen kẽ điểm nhìn hạn tri từ nhân vật Ninh, thể hiện sự đồng cảm sâu sắc.

Cách xây dựng nhân vật:

Lụm còi:

Hoàn cảnh: Mẹ bỏ rơi, sống nghèo khổ, đói khát.

Tâm hồn: Hồn nhiên, lạc quan, luôn nghĩ tốt về mẹ và giữ niềm tin vào tình mẹ.

Nghệ thuật: Nhân vật hiện lên chủ yếu qua đối thoại ngắn gọn nhưng cô đọng, giàu sức gợi.

Từ ngày mẹ chết:

Hoàn cảnh: Mẹ chết, bố bê tha, hai chị em rơi vào cảnh đói khát cùng cực.

Tâm hồn: Ninh tự trọng, kiên cường, biết lo lắng cho em.

Nghệ thuật: Nam Cao tập trung khắc họa tâm lý nhân vật, lời kể đan xen lời tác giả và độc thoại nội tâm.

3. Luận điểm 3: Đánh giá chung về giá trị độc đáo của mỗi tác phẩm

Ngòi bút Nguyễn Ngọc Tư nhẹ nhàng, giản dị, giàu nữ tính, trái ngược với Nam Cao thâm trầm, sâu sắc, giàu tính triết lý.

Nam Cao viết trong bối cảnh trước 1945, khi xã hội thực dân nửa phong kiến đầy rẫy bất công, còn Nguyễn Ngọc Tư phản ánh bi kịch gia đình trong xã hội hiện đại.

Dù cách tiếp cận khác nhau, cả hai nhà văn đều đánh thức sự đồng cảm của độc giả, khiến người đọc thêm trân trọng những giá trị giản dị trong gia đình.


Kết bài:

Thời nào cũng có những hoàn cảnh bi thương xảy đến với những đứa trẻ. Nhưng bên trong hình hài nhỏ bé là những trái tim đầy yêu thương và nghị lực sống mãnh liệt. Qua hai đoạn trích, Nam Cao và Nguyễn Ngọc Tư đã khiến người đọc gần gũi hơn với những đứa trẻ bất hạnh, để ta biết trân trọng hơn những hạnh phúc giản dị, đặc biệt là tình mẹ thiêng liêng.


2. Phân tích so sánh truyện ngắn Lụm còi và Từ ngày mẹ chết

Văn học không thiếu những tác phẩm viết về tình cảm mẹ con nhưng thể hiện tình cảm đáng quý ấy dưới câu chuyện của những đứa trẻ lại là điều hiếm có. Viết về đề tài này, không thể không nhắc đến hai tác phẩm truyện ngắn “Lụm còi” của Nguyễn Ngọc Tư và “Từ ngày mẹ chết” của Nam Cao. Hai tác phẩm tuy cùng viết về một đề tài nhưng dước góc độ khác nhau, vì vậy nội dung và nghệ thuật của truyện cũng có sự khác biệt.

“Từ ngày mẹ chết” của Nam Cao là một trong những truyện ngắn cảm động về tình cảm mẹ con. Câu chuyện kể về cuộc sống của Ninh sau khi mẹ mất đi, biết bao khốn khổ phủ đầy lên cuộc đời những đứa trẻ mồ côi. Đoạn trích khắc họa rõ nét nhất những tủi hờn, côi cút của hai chị em Ninh khi mẹ mới vừa mất, bố đã sinh bài bạc, nợ nần, bê tha. Cùng bắt đầu về câu chuyện của những đứa trẻ, “Lụm còi” của Nguyễn Ngọc Tư là cuộc gặp gỡ tình cờ của nhân vật tôi và Lụm. Nhân vật tôi bỏ nhà đi bụi vì bị ba đánh tội lấy tiền của mẹ đi chơi điện tử mà không xin phép. Đêm tối, tại ngã tư chỗ rẽ về nhà ngoại, nhân vật tôi đã gặp Lụm còi - cậu bé bị bỏ rơi, đen nhẻm, còi cọc, ngày bán bánh mì, đêm tới ngã tư mong chờ mẹ đến đón. Tại đây hai đứa trẻ đã trò chuyện cùng nhau. Cuộc sống tội nghiệp, khổ sở của Lụm khiến tôi nhận ra nhiều điều. Đoạn trích chính là những lời tâm sự của Lụm.
Về cách kể chuyện, ở “Lụm còi”, tác giả chọn ngôi kể là ngôi thứ nhất, điểm nhìn chủ yếu đặt vào nhận vật tôi để khắc họa hành trình nhận thức. Do đó qua lời kể của nhân vật tôi, Lụm hiện ra càng khốn khổ thì càng đánh thức ý nghĩa của gia đình đối với nhân vật tôi. Đối với “Từ ngày mẹ chết”, Nam Cao vẫn giữ nguyên cách kể thường thấy: nhà văn chọn ngôi kể thứ ba, điểm nhìn của người ngoài cuộc khách quan, vô tư để lẩn tránh cảm xúc. Tuy vậy tác giả không giấu nổi những xót thương vô hạn. Đôi khi, điểm nhìn được đặt trong điểm nhìn của Ninh, điều đó thể hiện rõ sự thấu hiểu, đồng cảm, sẻ chia, trân trọng.

So sánh về nội dung và nghệ thuật của 2 tác phẩm truyện ngắn Lụm còi và Từ ngày mẹ chết

Ở phương diện xây dựng xây dựng nhân vật, “Lụm còi” đặt nhân vật trong hoàn cảnh bị mẹ bỏ rơi, sống nghèo khổ, đói khát. Dù cuộc sống đầy cơ cực nhưng không bao giờ phàn nàn, kêu ca, vẫn luôn hồn nhiên, vô tư không một lời oán trách. Lụm luôn nghĩ về mẹ với những điều tốt đẹp, không bao giờ mất niềm tin vào tình mẹ. Người đọc có thể hình dung ra ngoại hình hoặc hiểu rõ nét cuộc đời số phận nhân vật Lụm đều là qua chính những lời Lụm kể cho nhân vật tôi nghe. Mặc dù đoạn trích là đoạn đối thoại rất ngắn gọn nhưng vẫn cô đọng khiến độc giả đủ hiểu cả cuộc đời của Lụm: từ lúc sinh ra (bị bỏ rơi), tới quá trình nuôi lớn (bằng bánh mì), và cả hoàn cảnh cụ thể hiện tại (là con nuôi),…

Tương tự với “Từ ngày mẹ chết”, nhân vật cũng được đặt trong hoàn cảnh bi thương khi mẹ chết, bố bỏ mặc hai con cho hàng xóm, hàng xóm cũng nghèo nàn khiến hai chị em lâm vào cảnh đói khát, không còn chỗ bấu víu. Cuộc sống khổ cực, Ninh phải đào dong hai chị em ăn, rồi ăn cả ráy nước. Khi không còn đồ ăn, Đật chạy đi kiếm ăn bên nhà hàng xóm, nhưng bị con hàng xóm dành lại đồ ăn, bị đánh đau. Vì hiểu chuyện, Ninh không đu bám nhà hàng xóm nhưng không phó mặc cho đói khát hành hạ mà tự mình tìm cách sinh tồn cho hai chị em. Với điểm nhìn từ bên trong, tác giả đã đi sâu khắc họa tâm lí nhân vật Ninh. Lời tác giả và lời nhân vật đan xen, hòa trộn cho thấy sự thấu hiểu tận cùng của Nam Cao đối với nhân vật của mình. Nhân vật Ninh hiện lên có hành động, có lời nói, có cử chỉ nhưng người đọc hoàn toàn không để ý tới điều đó bởi tất cả đều tập trung làm sáng lên những suy nghĩ, những tâm tư của nhân vật Ninh.

Cùng viết về một đề tài dưới góc nhìn câu chuyện của mỗi đứa trẻ nhưng với một ngòi bút giản dị, trong trẻo, nhẹ êm và dịu dàng, Nguyễn Ngọc Tư hoàn toàn khác với một Nam Cao thâm trầm, sâu sắc, với vẻ ngoài lạnh lùng mà trong ấm áp, yêu thương. Nguyễn Ngọc Tư và Nam Cao qua đoạn trích “Lụm còi” và “Từ ngày mẹ chết” đã thể hiện tinh thần nhân văn lên những thân phận trẻ thơ thiệt thòi, tội nghiệp, đáng thương. Mỗi nhà văn với cách tiếp cận khác nhau, đã theo những cách khác nhau làm thổn thức tâm tư bạn đọc.

Bài viết của bạn Đàm Thị Thu Trang - Sinh viên năm 3 trường Cao đẳng sư phạm Trung ương - Nha Trang

Tác giả : Topbee
Đánh giá bài viết
Đặt câu hỏi
icon-make-question icon-make-question