Thơ 8 chữ là gì? Cách làm thơ 8 chữ (luật bằng trắc, nhịp thơ, gieo vần)
Tổng hợp khái niệm thơ 8 chữ, nắm chắc đặc điểm của thơ 8 chữ để thỏa sức sáng tác một bài thơ 8 chữ cho riêng mình cùng Topbee nhé!
Thơ 8 chữ là gì?
- Thơ 8 chữ (còn được gọi là bát ngôn) là thể thơ mà có 8 chữ trong một câu thơ.
- Quy luật của thể thơ 8 chữ khá tự do, không có quy luật nhất định. Nghĩa là về vần điệu của thơ 8 chữ tự do hơn các thể thơ khác. Tuy nhiên, thơ 8 chữ vẫn có những quy luật về luật bằng trắc, cách ngắt nhịp, gieo vần riêng.
Luật bằng trắc trong thơ 8 chữ
- Để câu thơ có âm điệu du dương thì luật bằng trắc trong thơ 8 chữ nên tuân theo như sau:
+ Chữ cuối có thanh trắc thì chữ thứ ba là thanh trắc, thứ năm hoặc sáu là thanh bằng
+ Chữ cuối có thanh bằng thì chữ thứ ba là thanh bằng, chữ thứ năm hoặc sáu là thanh trắc.
- Cần có sự cân bằng về số lượng các thanh bằng và thanh trắc trong một vâu. Ví dụ tỉ lệ bằng/trắc = 3/5 hoặc ngược lại.
- Xen kẽ thanh bằng và thanh trắc để câu thơ uyển chuyển và nhịp nhàng hơn.
Cách ngắt nhịp trong thơ 8 chữ
- Trong một câu thơ 8 chữ có thể ngắt nhịp tùy ý. Ví dụ: nhịp 3/5, 3/3/2, 2/3/3, 2/2/2/2,…
- Để bài thơ có tiết tấu hay thì chúng ta nên thay phiên ngắt nhịp trong từng câu thơ, không áp dụng 1 cách ngắt nhịp cho toàn bài thơ.
Cách gieo vần trong thơ 8 chữ
- Gieo vần liên tiếp bằng cách cứ hai vần bằng rồi đến hai vần trắc, hoặc hai vần trắc rồi đến hai vần bằng. Như vậy câu trước sẽ vần với câu sau cho đến hết bài thơ.
- Gieo vần chéo (hay vần giãn cách) bằng cách sử dụng 1 vần bằng sau đó tới 1 vần trắc => Câu 1 vần với câu 3, câu 2 vần với câu 4.
- Gieo vần ôm: Câu 1 vần với câu 4, câu 2 vần câu 3.
Cách làm thơ 8 chữ dễ nhất
- Câu đầu tiên của bài thơ 8 chữ viết tự do, không tuân theo luật nào hết.
- Đến câu thứ 2 trở đi phải tuân theo luật bằng trắc (đã nói ở trên), lựa chọn cách gieo vần cho phù hợp cho đến hết bài. Ví dụ:
+ Gieo vần liên tiếp:
Xuân đương tới, nghĩa là xuân đương qua,
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già,
Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất;
Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật.
Không cho dài thời trẻ của nhân gian,
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại!
Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi,
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời;
Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi,
Khắp sông núi vẫn than phiền tiễn biệt…
+ Gieo vần chéo:
Hãy cắt đứt những dây đàn ca hát
Những sắc tàn vị nhạt của ngày qua
Nâng đón lấy màu xanh hương bát ngát
Của ngày mai muôn thuở với muôn hoa.
+ Gieo vần ôm:
Ngươi ám ảnh hương thơm bằng ánh sáng
Ru màu êm, mà gọi thức lòng ngây
Trăng, nguồn sương làm ướt cả gió hây
Trăng, võng rượu khiến đêm mờ chếnh choáng
+ Một số cách gieo vần khác: Chữ cuối câu 1 vần với chữ 5 hay 6 câu 2, chữ cuối câu 2 vần với chữ cuối câu 3 và vần với chữ 5 hay 6 câu 4.
Ví dụ:
Cõi thiên tiên kiều diễm ngàn ảo ảnh
Điện nguy nga tỏa muôn ánh pha lê
Thuyền Từ Thức bồng bềnh tới bến mê
Rồi ngơ ngẩn khi trở về hiện thực
Chú ý: bằng vần với bằng, trắc vần với trắc. Bằng không bao giờ vần với trắc. Ví dụ: cùng một vần ơi nhưng mời không vần với mới.
Ví dụ về thơ 8 chữ
1. Xuân (Xuân Diệu)
Lá bàng non ngon lành như ăn được.
Trời tạnh mà lá mới ướt như mưa.
Nhựa bàng đỏ còn thắm đầu lá biếc;
Gió rào rào tốc áo lá còn thưa.
Một dẫy cây bàng tuổi còn trẻ lắm
Biết gió đùa nên cây lại đùa hơn.
Những chồi nhọn vui tươi châm khoảng thắm,
Cành lao xao chuyền ánh lá xanh rờn.
Tôi đi giữa buổi đầu ngày, đi giữa
Buổi đầu xuân - đi giữa buổi đầu tiên
Như sáng nay cuộc đời vừa mới mở.
Và ban đầu cây với gió cười duyên.
2. Tiếng trống (Chế Lan Viên)
Trống cầm canh đâu đây nghe nặng trĩu
Trong tha ma dày đặc khí u buồn
Và vô tình, lay động những linh hồn
Bỗng, vội vàng trong bao mồ lạnh lẽo
Liên miên giăng dưới ánh mờ trăng yếu
Những bóng người vùn vụt đuổi bay ra!
Những cô hồn! Không khí lặng như tờ
Sao thôi rụng. Lá vàng trăng biếng giãi
Giòng Linh Giang nước mờ không dám chảy
Các cô hồn lặng ngắm cõi Hư Vô
Rồi đua nhau trở lại trong trăm mồ
Để kinh khủng Trần Gian niềm sợ hãi
3. Hai đứa trẻ (Tố Hữu)
Tôi không muốn mời anh đi xa lạ
Tìm đau thương trong xã hội điêu tàn.
Kể làm sao cho hết cảnh lầm than
Lúc trái ngược đã tràn đầy tất cả!
Này đây anh, một bức tranh gần gũi:
Nó thô sơ? Có lẽ. Nhưng trung thành.
Nó tầm thường? Nhưng chính bởi hồn anh
Chê chán kẻ bị đời vui hắt hủi.
Hai đứa bé cùng chung nhà, một tuổi
Cùng ngây thơ, khờ dại, như chim con
Bụi đời dơ chưa vẩn đục hồn non
Cùng trinh tiết như hai tờ giấy mới.
Ồ lạ chửa! Đứa xinh tròn mủm mỉm
Cười trong chăn và nũng nịu nhìn me.
Đứa ngoài sân, trong cát bẩn bò lê
Ghèn nhầy nhụa, ruồi bu trên môi tím!
Đứa chồm chập vồ ôm ly sữa trắng
Rồi cau mày: “Nhạt lắm! Em không ăn!”
Đứa ôm đầu, trước cổng đứng treo chân
Chờ mẹ nó mua về cho củ sắn!
Đứa ngây ngất trong phòng xanh mát rượi
Đây ngựa ngà, đây lính thổi kèn Tây.
Đứa kia thèm, giương mắt đứng nhìn ngây
Không dám tới, e đòn roi, tiếng chưởi!
Vẫn chưa hết những cảnh đời đau khổ
Nhưng kể làm chi nữa, bạn lòng ơi!
Hai đứa kia như sống dưới hai trời
Chỉ khác bởi không cùng chung một tổ:
Đứa vui sướng là đứa con nhà chủ
Và đứa buồn, con mụ ở làm thuê.
4. Quê hương (Tế Hanh)
Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới:
Nước bao vây cách biển nửa ngày sông.
Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng,
Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá:
Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã
Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang.
Cánh buồm trương, to như mảnh hồn làng
Rướn thân trắng bao la thâu góp gió...
5. Con gà liếp nhiếp (Trần Đăng Khoa)
Ngoài sân lội, mấy chú gà liếp nhiếp
Đi tìm mồi cùng mẹ bắt giun sâu
Trời mưa lâm thâm làm các chú ướt đầu
Chú rùng mình, giọt mưa rơi khỏi cánh
Trời mưa to hơn, rồi sau đâm ra tạnh
Chú chẳng giũ lông bởi mải bắt giun sâu
Nhưng nắng to chú vẫn khô đầu
Đôi mắt tròn trong như hai giọt nước
Hai giọt nước không bao giờ khô được