Tóm tắt Thương nhớ đồng quê của Nguyễn Huy Thiệp
Nguyễn Huy Thiệp là một trong những nhà văn nổi bật của văn học Việt Nam. Các tác phẩm của ông thường lấy chất liệu từ nông thôn với những con người bình dị, đa tính cách, trong đó tiêu biểu là truyện ngắn “Thương nhớ đồng quê”.
Tóm tắt Thương nhớ đồng quê của Nguyễn Huy Thiệp - Mẫu số 1
Tác phẩm kể về cuộc đời của những con người thôn quê xoay quanh nhân vật chính tên Nhâm. Bố và anh trai đi làm xa, Nhâm sống với mẹ, chị dâu và em trai. Cuộc sống nhà nông và nếp sinh hoạt làng quê được lồng ghép sinh động thông qua diễn biến sự kiện xảy ra trong ba ngày của Nhâm, mở đầu là việc Nhâm được dì nhờ đi đón Quyên, cháu chồng của dì đang học Đại học ở Mỹ nay về thăm quê. Theo hành trình của Nhâm, những nhân vật lần lượt xuất hiện với những số phận và nét tính cách riêng biệt, như chị Ngữ sống nội tâm, ông giáo Quì thương người, dì Lưu hiền lành, sư Thiều tôn kính, chú Phụng trăng hoa nhưng mang nỗi niềm riêng, Quyên thực tế hiện đại, Minh và cái Mị là hai đứa trẻ hồn nhiên… Câu chuyện có cao trào là cái chết của Minh và Mị do tai nạn giao thông, sau đó Quyên nhất quyết quay về thành phố. Nhâm ở lại làng quê với những nỗi trăn trở về ngày mai của cậu bé sắp tròn mười bảy tuổi.
Tóm tắt Thương nhớ đồng quê của Nguyễn Huy Thiệp - Mẫu số 2
“Thương nhớ đồng quê” là một trong những truyện ngắn đặc trưng cho phong cách sáng tác của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.
Câu chuyện miêu tả về cuộc sống của những con người ở một làng quê gần biển, được kể qua góc nhìn của nhân vật chính tên Nhâm. Nhâm là cậu bé sắp tròn mười bảy tuổi đầy mộng mơ và nhiều suy tư. Nhâm sống cùng với mẹ, chị dâu và em trai. Bên cạnh đó, Nhâm còn có mối quan hệ thân tình với họ hàng, làng xóm. Sau giờ học, như những cậu bé khác sống ở vùng nông thôn, Nhâm cũng phụ giúp mẹ và mọi người công việc đồng áng như gánh lúa, bắt ếch, làm những việc lặt vặt… Một ngày nọ, Nhâm được dì Lưu em gái mẹ nhờ đón Quyên, cháu chồng của dì về thăm làng. Quyên đang học ở Mỹ nên có lối sống thực tế, sòng phẳng. Câu chuyện làng quê êm đềm trở nên bi thương với cái chết của hai đứa bé Minh và Mị, em ruột và em họ của Nhâm. Sau đám tang, Quyên trở về thành phố. Nhâm tiễn Quyên ra ga, chờ tàu đi khuất mới trở về, nhìn ngôi làng mình vốn mang nặng tình thương nhớ, trong lòng Nhâm tự vấn những câu hỏi về ngày mai.
Tác phẩm đã tái hiện sinh động hình ảnh làng quê với những thói quen sinh hoạt đặc trưng, thấm đượm nét trữ tình, đầy ắp yêu thương. Ở đó, những con người thôn quê chân chất, mộc mạc với cuộc đời long đong, trải qua nhiều truân chuyên nhưng vẫn hướng thiện và giàu nghĩa tình.