![image hoi dap](/_nuxt/img/Asked_Questions_mobile.40768fc.jpg)
![image hoi dap](/_nuxt/img/Asked_Questions_desktop.5d6ef50.png)
Tục ngữ có câu “Trâu buộc ghét trâu ăn.”. Trình bày ý kiến của em về thói xấu được nói đến trong câu tục ngữ trên
“Trâu buộc ghét trâu ăn” là một câu tục ngữ quen thuộc trong cuộc sống thường ngày của con người chúng ta. Hãy cùng Topbee viết đoạn văn về Tục ngữ có câu “Trâu buộc ghét trâu ăn.”. Trình bày ý kiến của em về thói xấu được nói đến trong câu tục ngữ trên nhé!
Dàn ý Tục ngữ có câu “Trâu buộc ghét trâu ăn.”. Trình bày ý kiến của em về thói xấu được nói đến trong câu tục ngữ trên
a. Mở bài: Giới thiệu về câu tục ngữ “Trâu buộc ghét trâu ăn”
b. Thân bài:
+ Nghĩa đen: Là sự đố kị giữa hai con vật cùng loài vì được nuôi nấng, chăm sóc khác nhau
+ Nghĩa bóng: Là thói xấu đố kị của con người với con người trong đời sống
+ Đố kị là khi ta không bằng lòng với những gì mà bản thân ta đang có
+ Thói đố kị sẽ dẫn đến việc chúng ta luôn mang tâm lí muốn chứng tỏ bản thân mình không thua kém người khác, hay thậm chí là vượt lên cả người khác
+ Lòng đố kị sẽ khiến chúng ta làm ra những việc xấu để hãm hại người khác mà nâng bản thân mình lên cao hơn
+ Tuy nhiên, trong xã hội vẫn còn có nhiều người sống với tấm lòng chân thành, yêu thương luôn rộng mở
+ Để có thể trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình, chúng ta phải không ngừng nỗ lực, rèn luyện cả về thể chất lẫn tinh thần
c. Kết bài: Nêu cảm nhận của bản thân và kết lại vấn đề
![Tục ngữ có câu “Trâu buộc ghét trâu ăn.”. Trình bày ý kiến của em về thói xấu được nói đến trong câu tục ngữ trên](https://api.topbee.vn/storage/uploads/images/tuc-ngu-co-cau-trau-buoc-ghet-trau-an-trinh-bay-y-kien-cua-em-ve-thoi-xau-duoc-noi-den-trong-cau-tuc_1.jpg)
Tục ngữ có câu “Trâu buộc ghét trâu ăn.”. Trình bày ý kiến của em về thói xấu được nói đến trong câu tục ngữ trên
Ông cha ta từ xa xưa đã có nhiều câu nói để răn dạy con người về cách sống, cũng như cách đối nhân xử thế giữa người với người. Thế nhưng có một câu tục ngữ vô cùng ấn tượng, đó là câu: “ Trâu buộc ghét trâu ăn”. Vậy “Trâu buộc ghét trâu ăn” là như thế nào? Nghĩa đen của câu tục ngữ trên là để chỉ về cùng một loài vật nhưng lại được chăm sóc, nuôi nấng trong hai hoàn cảnh khác nhau, chính bởi vậy mà sinh ra sự ghen ghét, đố kị vì nghĩ rằng con kia được phần nhiều hơn mình. Còn nghĩa bóng của câu là để phê phán, cũng như khuyên bảo con người về thói xấu là thói đố kị trong cuộc sống. Đố kị là khi ta không bằng lòng với những gì mà bản thân ta đang có. Hoặc đó là khi thấy một người khác làm được, sở hữu được một điều gì đó hơn bản thân mình và ta cảm thấy khó chịu, hay ghen ghét người ấy. Đố kị là một thói xấu cần phải loại bỏ trong đời sống của chúng ta để xã hội trở nên tốt đẹp hơn. Thói đố kị sẽ dẫn đến việc chúng ta luôn mang tâm lí muốn chứng tỏ bản thân mình không thua kém người khác, hay thậm chí là vượt lên cả người khác. Đôi lúc, chính lòng đố kị sẽ khiến chúng ta làm ra những việc xấu để hãm hại người khác mà nâng bản thân mình lên cao hơn. Thực tế đã chứng minh rằng, lòng đố kị không những không giúp con người đạt được thành công một cách dễ dàng hơn, mà còn ngược lại, đố kị sẽ kéo chúng ta tới thất bại gần hơn một bước. Một khi đã có lòng đố kị, con người ta sẽ luôn phải mang bên mình sự dằn vặt, khó chịu khi thấy người khác thành công hơn mình. Chính những điều đó sẽ tạo nên những hệ luỵ vô cùng nguy hiểm về sau này. Lâu dần, nó sẽ trở thành một thói xấu vô cùng nguy hiểm, khiến con người ta trở nên mù quáng, sẵn sàng bất chấp cả những nguy hiểm tới tính mạng để có thể thực hiện tham vọng của mình. Câu truyện cổ tích Tấm Cám là một câu truyện quen thuộc, mang tính răn dạy cao cho chúng ta. Dì ghẻ và Cám vì ghen ghét, đố kị với cô Tấm hiền dịu đã nhiều lần bày mưu hại chết cô. Thế nhưng, sau tất cả, Tấm vẫn trở lại, hai con người xấu xa kia cũng không nhận được kết thúc có hậu cho bản thân mình. Tuy nhiên, trong xã hội vẫn còn có nhiều người sống với tấm lòng chân thành, yêu thương luôn rộng mở. Họ biết được những điểm mạnh, điểm yếu của bản thân mình và chấp nhận nó. Họ thay đổi, hoàn thiện cuộc sống của bản thân trở nên hoàn hảo hơn. Để có thể trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình, chúng ta phải không ngừng nỗ lực, rèn luyện cả về thể chất lẫn tinh thần. Có như vậy, chúng ta mới không phải đố kị với bất kì ai, mà luôn hạnh phúc với cuộc sống của chính bản thân mình. Tôi xin được mượn những câu thơ của nhà thơ Nguyễn Sỹ Đại để kết lại vấn đề trên:
"Người vá trời lấp bể
Kẻ đắp lũy xây thành
Ta chỉ là chiếc lá
Việc của mình là xanh"