Vai trò của ngôi kể, điểm nhìn và lời trần thuật trong việc khắc họa nhân vật ông Năm Nhỏ trong bài Cải ơi
Để tạo nên một tác phẩm truyện ngắn xuất sắc, tác giả phải sử dụng rất nhiều tư liệu nghệ thuật và hiện thực. Như khi đọc truyện, người đọc mới cảm nhận được vai trò của ngôi kể, điểm nhìn và lời trần thuật trong việc khắc họa nhân vật ông Năm Nhỏ trong bài Cải ơi vô cùng quan trọng. Để tìm hiểu chi tiết hơn về những nét nghệ thuật này, mời các em theo dõi bài viết dưới đây.
Ngôi kể, điểm nhìn và lời trần thuật trong truyện ngắn Cải ơi
- Ngôi kể: Truyện được triển khai bằng ngôi kể thứ ba, giúp người đọc hiểu được toàn cảnh sự việc và khái quát được cốt truyện, nhân vật một cách khách quan nhất.
- Điểm nhìn: Điểm nhìn bên trong, giúp người đọc hiểu được những suy nghĩ, cảm xúc của nhân vật. Ngoài ra tác giả còn sử dụng điểm nhìn bên ngoài để thấy được mối quan hệ của các nhân vật, những dòng đời riêng biệt và sự phát triển của cốt truyện.
- Lời trần thuật: Ngôn ngữ giản dị, mộc mạc, phù hợp với bối cảnh và tính cách của nhân vật.
Phân tích vai trò của ngôi kể, điểm nhìn và lời trần thuật trong việc khắc họa nhân vật ông Năm Nhỏ
Có những câu chuyện được truyền đạt qua lời kể của tác giả, nhưng lại khiến cho người đọc như trực tiếp tham gia vào câu chuyện. Chúng ta được chiêm nghiệm nhân sinh của những người khác, thấy được nội tâm đằng sau vẻ ngoài của nhân vật. Bởi lẽ đó, Nguyễn Ngọc Tư mới có thể khắc họa được hình ảnh ông Năm với tình cha tha thiết và nỗi mong ngóng mỏi mòn. Đó chính là nhờ ngôi kể, điểm nhìn và lời trần thuật mà Nguyễn Ngọc Tư sử dụng trong truyện ngắn Cải ơi.
Truyện ngắn Cải ơi của Nguyễn Ngọc Tư kể về hành trình gian nan, vất vả của ông Năm nhỏ đi tìm con gái Cải đã bỏ nhà đi hơn mười hai năm. Cải là con gái riêng của vợ ông Năm, nhưng ông yêu thương và dành hết tâm huyết để chăm sóc, nuôi dạy. Một lần, Cải làm mất đôi trâu của nhà, vì sợ bị đánh nên đã bỏ nhà ra đi, đằng đẵng suốt 12 năm trời. Ông đã đi qua nhiều miền quê, gặp gỡ và hỏi thăm nhiều người nhưng vẫn không có tung tích của Cải. Ông đã bán hết tài sản, đi làm thuê, làm mướn để có tiền lo cho cuộc sống và tiếp tục đi tìm con. Đến cuối cùng, khi biết lên truyền hình sẽ có nhiều người nhìn thấy, ông đi trộm đôi trâu, bị người ta bắt và mời phóng viên đến quay chụp. Mục đích của ông đơn giản đến mức đau lòng, đó là thốt lên câu nói thân thương theo ông suốt hơn chục năm: Cải ơi, về nhà đi con!
Có thể nói, Nguyễn Ngọc Tư đã dành hết vốn liếng để viết lên trang truyện đầy cảm xúc và đánh sâu vào tâm trí của độc giả. Hình ảnh ông Năm không chỉ là một người cha “kiểu mẫu”, mà còn đại diện cho tình yêu thương giữa hai người không cùng máu mủ. Dù cái Cải chẳng phải con ruột ông, ông vẫn bỏ 12 năm lang bạt khắp mọi miền, làm đủ mọi nghề chỉ mong tìm được đứa con đã thất lạc! Nguyễn Ngọc Tư dùng ngôi kể thứ ba, đứng ở góc nhìn của một người bao quát được toàn bộ câu chuyện. Vậy nên, tình cảm của Ông Năm chân thật bộc lộ ra cho người đọc thấy, không bị giấu giếm cũng chẳng bị che đậy bởi suy nghĩ phiến diện của ai cả. Nhờ đó, những chuyện quá khứ được mở ra, từ việc Cải không phải là con gái ruột của ông đến việc ông đã bôn ba và lún sâu như thế nào. Nếu tác giả khai thác ngôi kể thứ nhất từ ông Năm, có thể nhiều người chẳng tin được cái việc ông đối với con riêng của vợ lại hết lòng hết dạ như thế!
Làm nên thành công của truyện ngắn, ngoài khai thác ngôi kể thứ ba, Nguyễn Ngọc Tư còn sử dụng điểm nhìn bên trong vô cùng tinh tế. Đến những đoạn đối thoại hay bày tỏ cảm xúc, tác giả đứng trên lập trường của ông Năm để thể hiện. Như đoạn Diễm Thương nói dối rằng cô chính là Cải, ông Năm “đứng im sững, ngơ ngác giây lát, môi rung lập bập hỏi, Cải phải không con?”. Chỉ chi tiết này thôi, chúng ta đã biết được ông mong ngóng ngày được nhận con như thế nào, hy vọng tìm lại được con sâu bao nhiêu. Đến nỗi khi biết mình bị lừa, ông “bẽ bàng ngồi đó, bẽ bàng lau nước mắt, cười héo queo héo quắt, ”con nhỏ giỡn có duyên hết hồn” mà trên khuôn mặt vẫn còn đầy ứ những thương yêu.” Điểm nhìn bên trong đã giúp người đọc hiểu rõ được tình yêu thương vô bờ bến của ông Năm Nhỏ dành cho con gái. Ông Năm Nhỏ là một người cha nghèo khó, chất phác nhưng lại giàu tình yêu thương cho đứa con không cùng máu mủ.
Lời trần thuật trong truyện ngắn Cải ơi là lời trần thuật khách quan, kết hợp với lời kể của nhân vật và điểm nhìn từ người quan sát thứ ba. Nhân vật người cha yêu thương con và kiên trì gần như “bướng bỉnh” được khắc họa rõ trước mắt người đọc. Lạ thay! Một người cha có thể làm đến thế nào để tìm được con gái, một người cha có thể hy sinh bao nhiêu vì con của mình đã được Nguyễn Ngọc Tư khắc họa trọn vẹn. Và tất nhiên, để làm nên một ông Năm như trong Cải ơi, những nét nghệ thuật như điểm nhìn, ngôi kể và lời trần thuật rất quan trọng. Đây chính là những yếu tố quyết định để người đọc thấy được một người cha vĩ đại vô ngần!
Có thể thấy, ngôi kể, điểm nhìn và lời trần thuật đã góp phần khắc họa nhân vật ông Năm Nhỏ một cách sinh động và chân thực. Qua đó, tác giả Nguyễn Ngọc Tư đã gửi gắm đến người đọc thông điệp về tình cha con thiêng liêng, bất diệt.