1001 cách mở bài nghị luận văn học áp dụng cho mọi tác phẩm văn học
1001 cách mở bài nghị luận văn học áp dụng cho mọi tác phẩm văn học. Hãy đọc thật kĩ nếu không sáng tạo được hãy ghi nhớ
Mục đích yêu cầu của mở bài:
- Mục đích:
Giới thiệu vấn đề nghị luận (luận đề), trả lời câu hỏi: Phần thân bài bàn về vấn đề gì?
- Yêu cầu
- Hình thức: Mở bài là một đoạn văn (khoảng 4, 5 câu).
- Nội dung:
+ Dẫn dắt vào vấn đề: ngắn gọn, gần gũi và có liên quan đến vấn đề chính mà bài văn sẽ đề cập tới.
+ Giới thiệu vấn đề cần bàn luận. Vấn đề có thể được thể hiện rõ trong đề bài, có thể là một nhận định (dẫn nhận định vào mở bài).
+ Xác định được phạm vi nghị luận
1. MỞ BÀI CHO DẠNG ĐỀ: PHÂN TÍCH NHÂN VẬT
Cách 1:
“Đối tượng của văn học vốn là thân phận con người, nên chỉ có kẻ nào đọc và hiểu nó sẽ hóa thành không phải là một chuyên gia nghiên cứu văn học mà là một kẻ hiểu biết con người một cách sâu sắc”. Quả thực, con người luôn là nơi bắt đầu và cũng là nơi đi đến của văn học. Với mỗi thế giới khác nhau của mỗi một tác phẩm, người đọc lại có một thể nghiệm riêng về con người. Và trong tác phẩm…….., nhà văn/nhà thơ đã dùng ngòi bút của mình để mang đến những trang văn neo đậu mãi trong tâm hồn chúng ta về nhân vật…….
Cách 2:
Puskin từng viết: “Linh hồn là ấn tượng của một tác phẩm. Cây cỏ sống được là nhờ ánh sang, chim muông sống được là nhờ tiếng ca, một tác phẩm sống được là nhờ tiếng lòng của người cầm bút”. Và nhà văn/nhà thơ đã để tiếng lòng của mình cất lên, để linh hồn của tác phẩm bay lên qua hình tượng nhân vật……..
Cách 3:
Nhà phê bình văn học G.Jung từng viết “Từ sự không thỏa mãn với đương thời, nỗi buồn sáng tạo dẫn đưa nghệ sĩ đi vào bề sâu cho tới khi nó tìm thấy trong vô thức mình cái nguyên tượng có khả năng bù đắp lại cao nhất sự tổn thất và què quặt của tinh thần hiện đại.” Và trong tác phẩm , nhà văn/nhà thơ đã để nguyên tượng ấy hiện lên đầy sống động qua nhân vật…….
Cách 4:
Văn học như một thiên thần mang sứ mệnh che chở và bảo vệ con người. Trong tác phẩm …….., nhà văn/nhà thơ đã để ngòi bút của mình thực hiện trọn vẹn sứ mệnh cao cả đó qua hình tượng nhân vật thật ấn tượng.
2. MỞ BÀI CHO DẠNG ĐỀ: NGHỊ LUẬN VỀ ĐOẠN TRÍCH, THƠ, VĂN XUÔI
Cách 1:
Đâu là cầu nối giữa quá khứ và tương lai, đâu là thanh nam châm thu hút mọi thế hệ? Đó chẳng phải là văn học hay sao. Văn học vẫn luôn sống một cuộc đời cao đẹp gắn liền với con người và kết tinh những giọt ngọc của thời đại. Tất cả những giá trị vĩnh cửu đó đã thăng hoa cùng ngòi bút của nhà văn/nhà thơ……để tác phẩm ……., đặc biệt là đoạn trích ………còn vấn vương trong trái tim biết bao bạn đọc.
3. MỞ BÀI CHO DẠNG ĐỀ: SO SÁNH CÁC TÁC PHẨM
Mở bài cần nêu được khái quát tên tác phẩm, tác giả và đối tượng cần so sánh. Có thể dẫn từ những câu nhận định văn học sau:
Nếu tác giả không có lối đi riêng thì người đó không bao giờ là nhà văn cả… Nếu anh không có giọng riêng, anh khó trở thành nhà văn thực thụ (Sê – Khôp)
Nghệ thuật là lĩnh vực của cái độc đáo vì vậy nó đồi hỏi người viết sự sáng tạo phong cách mới lạ, thu hút người đọc. (LLVH)
Cái quan trọng trong tài năng văn học là tiếng nói của chính mình, là cái giọng riêng của chính mình mà không thể tìm thấy trong cổ họng của bất kỳ một người nào khác. (Tuốc– ghê – nhép)
Không có tiếng nói riêng không mang lại những điều mới mẻ cho văn chương mà chỉ biết dẫm theo đường mòn thì tác phẩm nghệ thuật sẽ chết. (Lêonit Lêonop)
4. MỞ BÀI CHO DẠNG: ĐỀ TÀI KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, PHÁP.
Có thể nói văn học thời kì là một bộ phận của công cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc, đã có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Với trách nhiệm xã hội đó, mặc nhiên tinh thần yêu nước là nội dung bao trùm của toàn bộ nền văn học. Phẩm chất yêu nước ấy có từ văn học của cha ông qua các thời đại, mỗi khi dân tộc đứng trước họa xâm lăng, nhưng đến văn học giai đoạn chống Mỹ được thể hiện tập trung nhất, sâu sắc nhất, biến thành sức mạnh vật chất cụ thể nhất trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tồ quốc. Và ở đó ngời sáng vẻ đẹp của những chiến sĩ anh dũng,kiên cường, một lòng hướng về dân tộc. Người đọc có thể sống trọn với những ngày tháng hào hùng ấy qua hình ảnh người lính……trong tác phẩm……của………
5. MỞ BÀI VỀ NGƯỜI NÔNG DÂN / NHỮNG CON NGƯỜI BẤT HẠNH
Cách 1:
“Cuộc sống còn tuyệt vời biết bao trong thực tế và trên trang sách. Nhưng cuộc sống cũng bi thảm biết bao. Cái đẹp còn trộn lẫn niềm sầu buồn. Cái nên thơ còn lóng lánh giọt nước mắt ở đời.” (Trích trong Nhất ký của Nguyễn Văn Thạc). Có lẽ ta không thể cảm nhận trọn vẹn “niềm sầu buồn” hay “giọt nước mắt” đó nếu nhà văn/nhà thơ không dùng ngòi bút của mình để in dấu tất cả qua hình tượng nhân vật với đầy những áp bức, bóc lột và bất công nhưng trên hết những người nông dân ấy vẫn giữ trọn vẻ đẹp nhân cách, tâm hồn.
Cách 2:
“Nhà văn tồn tại ở trên đời trước hết để làm công việc giống như kẻ nâng giấc cho những con người bị cùng đường, tuyệt lộ, bị cái ác hoặc số phận đen đủi dồn đến chân tường. Những con người cả tâm hồn và thể xác bị hắt hủi và đọa đày đến ê chề, hoàn toàn mất hết lòng tin vào con người và cuộc đời. Nhà văn tồn tại ở trên đời để bênh vực cho những con người không có ai để bênh vực.”(Nguyễn Minh Châu). Với hình tượng nhân vật trong tác phẩm…….., nhà văn/nhà thơ đã thực hiện trọn vẹn sứ mệnh ấy.
6. MỞ BÀI BÀN VỀ CHỨC NĂNG CỦA VĂN HỌC
Bạch Cư Dị từng nói: “Cảm động lòng người trước hết không gì bằng tình cảm và tình cảm là cái gốc của văn chương”. Cái gốc ấy không gì khác ngoài tư tưởng mà nhà văn muốn kí thác vào tong tác phẩm, bởi điều còn lại đối với mỗi nhà văn chính là giọng nói của riêng mình. Tư tưởng gieo mầm vào tâm hồn nghệ sĩ và từ mảnh đời màu mỡ ấy nó triển khai thành một hình thức xác định, thành các hình tượng nghệ thuật đầy vẻ đẹp và sức sống. Bàn về tư tưởng trong tác phẩm văn học, nhà văn Nguyễn Khải khẳng định: “Giá trị của một tác phẩm nghệ thuật trước hết là ở giá trị tư tưởng của nó. Nhưng là tư tưởng đã được rung lên ở các cung bậc của tình cảm, chứ không phải tư tưởng nằm thẳng đơ trên trang giấy. Có thể nói, tình cảm của người viết là khâu đầu tiên và là khâu sau cùng trong quá trình xây dựng một tác phẩm nghệ thuật”……
7. MỞ BÀI BẰNG NHẬN ĐỊNH TÁC GIẢ VÀ QUAN NIỆM SÁNG TÁC
Nếu bạn mở bài bằng cách nêu quê quán, năm sinh, năm mất, cuộc đời của tác giả, cách mở bài này rất rập khuôn và hạn định khả năng của người viết. Thay vì vẫn bắt đầu bằng các thói quen cũ là năm sinh, quê quán, sự nghiệp của tác giả như vậy, bạn hãy mở bài bằng cách dẫn dắt một nhận định của nhà phê bình văn học nào đó về tác giả hoặc bạn nêu quan điểm sáng tác của tác giả đó.
Ví dụ: Khi mở bài đề “ Cảm nhận của em về đoạn trích chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng”
Cách 1: Lối mở bài thông thường
Nguyễn Quang Sáng sinh năm 1932, quê ở Chợ Mới, tỉnh An Giang. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ ông sống và hoạt động tại chiến trường Năm Bộ. Ông đã để lại nhiều tác phẩm đăc sắc tiêu biểu với nhiều thể loại khác nhau như truyện ngắn: Con chim vàng, Người quê hương, Chiếc lược ngà, Bông cẩm thạch… tiểu thuyết có: Đất lửa, Mùa gió chướng, Dòng sông thơ ấu… Ngoài ra còn có một số kịch bản phim lưu trữ trong lòng người như: Một thời đã nhớ. Truyện ngắn “ chiếc lược ngà” viết vào tháng 9/1966 tại chiến trường Nam Bộ trong thời kì kháng chiến chống Mỹ ác liệt, ca ngợi tình cảm đồng chí, cha con sâu sắc.
Cách 2: Lối viết theo cách đưa ra một nhận định
Có một nhà văn đã nói rằng : “Không có câu chuyện cổ tích nào đẹp bằng chính cuộc sống viết ra”. Cuộc chiến tranh chống Mĩ của dân tộc ta với biết bao câu chuyện đã trở thành huyền thoại được các nhà văn ghi lại như những câu chuyện cổ tích hiện đại. Trong số ấy phải kể đến “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng. Câu chuyện đã thể hiện thật cảm động tình cảm cha con sâu nặng và cao đẹp trong cảnh ngộ éo le của chiến tranh.
Văn bản đoạn trích là ở phần giữa câu chuyện, tập trung thể hiện sâu sắc và cảm động tình cha con của ông Sáu và bé Thu qua những tình huống bất ngờ mà tự nhiên, hợp lí. Đó không chỉ là một tình cảm muôn thuở, có tính nhân bản bền vững, mà còn được thể hiện trong hoàn cảnh ngặt nghèo, éo le của chiến tranh và trong cuộc sống nhiều gian khổ, hi sinh của người cán bộ cách mạng.
Khi bạn mở bài theo cách hai bạn sẽ thể hiện được sự am hiểu kiến thức văn học của bạn về tác giả, những nhận định của những nhà phê bình văn học hay quan niệm sáng tác lúc nào cũng “đúng”, “trúng” và đặc biệt có vần, âm điệu rất dễ đi vào lòng người, thuyết phục người đọc. Tuy nhiên, điều đặc biệt là bạn phải có sự hiểu biết sâu rộng về nhà văn cũng như nhà phê bình văn học, bạn phải học thuộc và ghi nhớ tốt các câu nhận định để tránh các trường hợp “râu ông nọ cắm cằm bà kia”.
8. MỞ BÀI BẰNG CHỦ ĐỀ HAY HÌNH TƯỢNG TRUNG TÂM
Chủ đề là các khái quát bao trùm lên toàn bộ tác phẩm, toàn bài thơ, là mạch chính của toàn bộ tác phẩm. Hình tượng trung tâm có thể là nhân vật chính hay hình tượng mà nhà văn xây dựng lên.
Nếu như các bạn có thể mở bài bằng chủ đề hoặc hình tượng trung tâm thì bài viết sẽ mang tính khái quát cao hơn từ đó cho người chấm thấy rằng bạn có đọc qua và nắm vững được nội dung tác phẩm, biết cách liên quan tới chủ đề chính mà tác phẩm hướng tới. Tuy nhiên để mở bài tốt bằng cách này bạn phải đọc tác phẩm, nắm được nội dung cốt truyện, nhân vật chính, tình tiết và cả những tư tưởng của tác giả.
Ví dụ: Bài “ Đồng chí” của Chính Hữu trong ngữ văn 9 tập 2.
Cách 1:
Văn học hiện đại Việt Nam trong thời kì chống ngoại xâm đã thể hiện một cách chân thực, sáng tạo và độc đáo về hình ảnh thế hệ trẻ Việt Nam anh hùng quyết tâm gìn giữ, bảo vệ Tổ quốc. Họ mang trong mình nhiệt huyết chiến đấu sục sôi, quên đi lợi ích riêng của bản thân để cống hiến cho đất nước. Nghe theo tiếng gọi nồng nàn, cháy bỏng trong tim, họ sẵn sàng bước chân vào cuộc đời người lính. Và “Đồng chí” là tất cả những lời thơ mà Chính Hữu muốn ngợi ca sự cao đẹp của tình đồng đội trong kháng chiến họ dành cho nhau.
Cách 2:
Vào những năm kháng chiến chống Pháp, đất nước ta sục sôi ý chí, quyết tâm đánh giặc. Hoà mình vào khí thế ấy đã có hàng vạn, hàng triệu thanh niên nhập ngũ. Những chiến sĩ dũng cảm, can trường ấy đã trở thành một hình tượng, một đề tài trong thơ ca thời đó. Một trong những bài thơ rất hay về người chiến sĩ, về tình đồng đội là bài Đồng chí của nhà thơ lính Chính Hữu.
Cách 3:
Tình cảm là thứ quan trọng nhất đối với mỗi con người. Nó như dòng nước ngọt ngào chảy dọc trong ống nhựa tắm mát tâm hồn ta, tưới nước cho cái hạt giống tinh thần bên trong ta nảy nở. Thiếu đi cái ngọt ngào của tình cảm, tả sẽ chỉ như cái ống nước rỗng ruột, khô cứng, tâm hồn ta sẽ chẳng khác gì hoang mạc cằn khô nứt nẻ.
Tình cảm trong chiến tranh, trong những mưa bom bão đạn, những khói lửa mịt mù lại càng đáng nhớ hơn, nó thể hiện sự gắn bó, yêu thương không điều kiện, đồng cam cộng khổ vượt qua những chông gai của cuộc chiến. Thứ tình cảm thiêng liêng ấy không gì khác chính là tình đồng chí. Nhà thơ Chính Hữu đã viết về tình cảm cao đẹp ấy, đồng thời tái hiện lài một cách chân thực hình ảnh người lính chống Pháp, qua bài thơ “Đồng chí” của ông.
Cách 4:
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lần thứ hai của dân tộc ta thắng lợi được nhân loại tiến bộ vinh danh là "cuộc chiến tranh thần thánh". Tính thần thánh, huyền thoại ấy được biểu hiện ở đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng suốt , ở lòng yêu nước, lý tưởng độc lập - tự do, ở tinh thần kiên cường, dũng cảm của quân dân ta. Với một lực lượng nhỏ bé, vũ khí thô sơ, chưa có nhiều kinh nghiệm chiến đấu, quân ta phải đối diện trước bọn thực dân Pháp binh hùng, tướng mạnh, vũ khí hiện đại,...Vậy mà cuối cùng dân tộc ta đã chiến thắng. Một trong những nguyên nhân thắng lợi là sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân, sức mạnh của tình dân với Cách mạng, tình người mặn nồng, tha thiết, yêu thương, gắn bó với nhau.Vẻ đẹp của khối đoàn kết toàn dân, của tình người ấy đã được ….. ngợi ca bằng những từ ngữ, những câu thơ, những hình tượng thẩm mĩ vô cùng ấn tượng trong bài thơ …………………
9. MỞ BÀI CẢM NHẬN VỀ CHẤT ANH HÙNG QUA HAI TÁC PHẨM CÁCH MẠNG
“Trong bài “Nhận đường”, Nguyễn Đình Thi có viết: “Văn nghệ phụng sự kháng chiến nhưng chính kháng chiến đem đến cho văn nghệ một sức sống mới. Sắt lửa mặt trận đang đúc nên văn nghệ mới của chúng ta”. Từ chiến trường đầy ác liệt, từ những nỗi đau chiến tranh chất chứa đầy máu và cả sự hy sinh , những áng văn, thơ bất hủ đã được tạo nên. “ ……” của ……… và “………………” của đã ra đời trong hoàn cảnh ấy. Dẫu hai tác phẩm ấy được viết theo hai phong cách khác nhau nhưng cả hai nhà thơ đã gặp nhau ở nơi hội tụ của mọi ánh sáng văn chương chân chính mọi thời, đó là chủ nghĩa anh hùng cách mạng lớn lao, cao cả, hào hùng. Vẻ đẹp ấy được thể hiện rõ nét nhất qua ………..
10. MỞ BÀI BÌNH LUẬN MỐI QUAN HỆ GIỮA VĂN HỌC NGHỆ THUẬT VÀ HIỆN THỰC CUỘC SỐNG
“Có ai đó đã ví sáng tạo nghệ thuật như việc thả diều. Con diều dù có bay bổng bao nhiêu vẫn phải gắn với mặt đất bằng một sợi dây vững chắc. Ý tưởng ấy gợi cho ta nhiều suy nghĩ sâu sắc về mối quan hệ giữa văn học và hiện thực cuộc sống. Nhìn vào một số tác phẩm văn học lớn, chúng ta thấy rõ mối quan hệ máu thịt này.”
11. MỞ BÀI NGHỊ LUẬN XUẤT PHÁT TƯ LÝ LUẬN VĂN HỌC
Một bài văn hay là một bài văn có sự thống nhất, logic chặt chẽ giữa ba phần: mở bài, thân bài và kết bài.
Trong đó phần mở bài được đánh giá rất quan trọng. Nó là cái người đọc thấy đầu tiên, cảm nhận. Có rất nhiều cách viết một Mở bài nghị luận văn học. Xưa nay, học sinh thường đi theo một hướng đi truyền thống là mở bài xuất phát từ tác giả, tác phẩm để dẫn đến đề bài. Tuy nhiên cách mở bài dễ gây cho người đọc sự nhàm chán và khô khan. Chúng ta có thể có nhiều hướng đi nhưng một trong những hướng đó là đi từ lý luận văn học bởi lý luận văn học là “ gốc rễ” của văn chương. Muốn làm được mở bài đi từ lý luận văn học, học sinh cần trang bị cho mình những kiến thức lý luận văn học thiết thực, làm cơ sở để đi tới các vấn đề văn học nhỏ hơn. Trong bài viết này, tôi xin giới thiệu một số mở bài mẫu xuất phát từ những vấn đề văn học trong lý luận văn học nói chung.
Cách 1. Mở bài về thơ ca
Mở bài 1:
“Những trang sách suốt đời đi vẫn nhớ. Như đám mây ngũ sắc ngủ trên đầu”. Có những tác phẩm ra đời để rồi lãng quên ngay sau đó, nhưng có những tác phẩm lại như những dòng sông đỏ nặng phù sa in dấu ấn chạm khắc trong tâm khảm. Những tác phẩm ấy đã trở thành “ những bài ca đi cùng năm tháng” và để lại trong tâm hồn bạn đọc những ấn tượng không bao giờ quên. Một trong số đó phải kể tới “ ……..“ của Trong bài thơ có những vần thơ thật hay và ý nghĩa trong đó đoạn thơ…(Trích dẫn thơ)..là
Mở bài 2:
“Thơ là âm nhạc của tâm hồn, nhất là những tâm hồn cao cả, đa cảm”. (Voltaire) Thơ ca chỉ bật ra khi trong tim người nghệ sĩ đang rung lên những nhịp đập thổn thức, đang ngân lên những điệu ngân của tâm hồn. Chính bởi vậy, mỗi vần thơ dù ngắn gọn nhưng lại có sức truyền tải lớn tới người đọc. Và có những bài thơ đã ra đời cách chúng ta hàng chục năm nhưng tới nay vẫn còn nguyên giá trị. “ …” của là một thi phẩm như vậy. Trong bài thơ có những vần thơ ngân lên khiến người đọc không khỏi ngậm ngùi(Trích dẫn thơ)…..
Mở bài 3:
“Thời gian vẫn trôi đi và bốn mùa luôn luôn chuyển. Con người chỉ xuất hiện một lần trong đời và cũng chỉ một lần ra đi mãi mãi vào cõi vĩnh hằng. Nhưng những gì là thơ, là văn, là nghệ thuật đích thực...thì vẫn còn mãi với thời gian. Trước khi chết có lần vua Phổ cầm tay Mô-da mà nói: “Ta tiêu biểu cho trật tự, người tiêu biểu cho cái đẹp. Biết đâu hậu thế sẽ quên ta và nhắc nhở đến người”. Có lẽ mãi mãi về sau, chúng ta vẫn gặp lại một “mùa thu vàng” trong tranh Lêvitan, một mùa thu thôn quê Việt Nam trong thơ Nguyễn Khuyến và một “…….” trong thơ ……, một mùa xuân tràn đầy sức sống, vui tươi mà không ồn ào, thắm đượm sắc màu mà không sặc sỡ, một mùa xuân duyên dáng rất Việt Nam.
(Trích bài thơ “….”)
Cách 2. Mở bài văn xuôi
Mở bài 1:
“Văn chương có loại đáng thờ và loại không đáng thờ. Loại không đáng thờ là loại chỉ chuyên chú ở văn chương, loại đáng thờ là loại chuyên chú ở con người .(Nguyễn Văn Siêu). Văn chương muôn đời luôn phải phục vụ con người, hướng con người tới những giá trị cao cả của cuộc sống. “ …..” của ….. là một trong những tác phẩm xuất sắc của nền văn học nước nhà. Truyện ngắn đã hướng con người, đặc biệt những con người nghèo khổ tới ánh sáng của ngày mai, giúp họ vững tin hơn giữa giông bão của cuộc đời. Trong truyện…., Nhà văn… đã xây dựng thành công nhân vật ….. – là một hình tượng nhân vật điển hình của nông thôn Việt Nam trong nạn đói.
Mở bài 2:
“Vạt áo của triệu nhà thơ không bọc hết vàng mà đời rơi vãi.
Hãy nhặt lấy chữ của đời mà góp nên trang.”
(Chế Lan Viên)
Thơ ca nói riêng cũng như văn chương nói chung phải bắt rễ từ cuộc đời để rồi “ nở hoa nơi từ ngữ”. Mỗi tác phẩm văn chương được ví như tấm gương phản chiếu thời đại. Trong nền văn học Việt Nam, có những tác phẩm văn học ra đời giữa thời kỳ mưa bom bão đạn của dân tộc để rồi trở thành “ những bài ca không bao giờ quên”. Trong số đó phải kể tới “ …….” của………….. Truyện ngắn đã phản ánh …………. trong những năm và sâu sắc nhất qua ………….
12. CÔNG THỨC MỞ BÀI NGHỊ LUẬN ĂN HỌC GÂY ẤN TƯỢNG
Công thức 1: Mở bài thông thường
Công thức áp dụng cho những cách mở bài đơn giản, trực tiếp. Nêu khái quát về một vấn đề, nêu nét chung sau đó dẫn dắt về tác phẩm đó.
Ví dụ minh họa:
Chúng ta đã từng gặp không ít những số phận người phụ nữ bi thương trong các tác phẩm văn học Việt Nam (nét chung, nét khái quát). Nhưng khi tiếp cận với dòng văn học cách mạng, vẫn những người phụ nữ ngày xưa ấy nhưng họ lại có sức phản kháng để rồi trỗi dậy, mạnh mẽ làm chủ đời mình. Một trong số đó là nhân vật…. của nhà văn/ nhà thơ (dẫn vấn đề cần nói đến, nét riêng)…..
Công thức 2: Đi từ tác phẩm/tác giả
Đối với dạng bài nghị luận văn học, có thể mở bài bằng cách dẫn dắt trực tiếp vào tác phẩm/ tác giả sau đó bàn đến yêu cầu đề bài (tùy đề).
Ví dụ minh họa:
Thời gian vẫn trôi đi và bốn mùa luôn luân chuyển. Con người chỉ xuất hiện một lần trong đời và cũng chỉ một lần ra đi mãi mãi vào cõi vĩnh hằng. Nhưng những gì là thơ, là văn, là nghệ thuật đích thực thì vẫn còn mãi mãi với thời gian. “ABC/XYZ” của nhà văn/ nhà thơ….là một trong số những tác phẩm nghệ thuật như thế. Đặc biệt là trích đoạn….(Nếu đề yêu cầu phân tích đoạn trích).
Công thứ 3: Đi từ nhân vật hoặc hình tượng
Ví dụ minh họa: áp dụng đối với dạng bài yêu cầu phân tích nhân vật và hình tượng.
Xây dựng hình tượng nhân vật đã khó, nhưng để nhân vật đó có sức lay động, chiếm trọn trái tim người đọc còn khó hơn. Ấy vậy mà nhà thơ/nhà văn … đã làm được điều đó. Nhân vật “ABC/XYZ” của ông đã ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng người đọc về hình ảnh của một… (Tùy yêu cầu đề bài)
Ví dụ:
A. người nông dân chân chất hiền lành, bị những rào cản của xã hội thực dân-phong kiến tha hóa và biến chất đẩy đến bước đường cùng
B. người phụ nữ ba nổi bẩy chìm lênh đênh số kiếp trên con đường đi tìm hạnh phúc và bứt mình khỏi những rào cản tăm tối.
C. số phận éo le, hoàn toàn mờ nhạt trong cái bộn bề, sóng gió bấp bênh của cuộc sống…
Công thức 4: Đi từ một nhận định
Mở bài bằng một nhận định sẽ giúp bài viết được dẫn dắt tự nhiên. Đây là một công thức mở bài nghị luận văn học gây ấn tượng, thu hút, giúp các em ghi điểm cao.
Có một nhà văn đã nói rằng: “Không có câu chuyện cổ tích nào đẹp bằng chính cuộc sống viết ra”. Hiện thực cuộc sống được xem như là cái nền cho những cảm hứng nghệ thuật chắp cánh và đâm chồi. Chính vì vậy mà bức tranh hiện thực cuộc sống và con người trong tác phẩm ABC/XYZ của nhà văn/nhà thơ gây ấn tượng đặc biệt sâu đậm trong lòng người đọc… Và nhân vật Y được phác họa như….
Công thức 5: Sử dụng châm ngôn, ca dao, tục ngữ để bắt đầu
Đây là cách mở bài gây ấn tượng, khá độc đáo. Các em có thể sử dụng những câu châm ngôn, ca dao, tục ngữ tương đồng với các vấn đề nghị luận trên.
Ví dụ minh họa: Nếu là con chim chiếc lá
Thì chim phải hót, lá phải xanh
Lẽ nào vay mà không có trả Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”
Một nhà thơ đã từng viết như vậy song chỉ đến khi đọc tác phẩm ABC/XYZ của nhà văn/ nhà thơ…, tiếp xúc với các nhân vật trong tác phẩm, đặc biệt là nhân vật… ta mới cảm nhận sâu sắc hơn về lẽ cho và nhận trong đời.
Cách 6: Đi từ hoàn cảnh sáng tác
Tác phẩm nào cũng có hoàn cảnh sáng tác và đều được đề cập tới trong quá trình phân tích tác phẩm ở trên lớp. Đi từ hoàn cảnh sáng tác, bạn chỉ cần lồng ghép khéo léo tên tác giả, tác phẩm và vấn đề cần nghị luận là trọn vẹn.
Ví dụ: Đề bài yêu cầu cảm nhận hình tượng người lái đò trong tác phẩm "Người lái đò sông Đà".
=>Thí sinh có thể viết: "Được viết trong thời kì xây dựng CNXH ở miền Bắc, "Người lái đò sông Đà" là kết quả từ chuyến đi thực tế của Nguyễn Tuân đến Tây Bắc. Qua ngòi bút sắc sảo, độc đáo, cùng tình yêu thiên nhiên đất nước, hình tượng người lái đò hiện lên... "
Cách 7: Đi từ chủ đề
Bất kỳ tác phẩm nào cũng đều có một chủ đề nhất định. Qua tác phẩm, tác giả muốn gửi gắm điều gì... bạn có thể lồng ghép đưa vào mở bài.
Cách 8: So sánh
So sánh cũng là cách rất hay giúp học sinh triển khai mở bài hấp dẫn. So sánh chính là đối chiếu hai hoặc nhiều đối tượng với nhau để người đọc hiểu rõ hơn về bản chất của đối tượng đó.
Cách mở bài theo kiểu so sánh cũng giúp người đọc nhận thấy được vốn hiểu biết văn học phong phú của bạn. Bạn có thể so sánh về tác giả, đề tài, chủ đề, nội dung, cảm hứng, thể loại, giai đoạn, giá trị, nhân vật… của các tác phẩm với nhau.
Ví dụ: đồng chí, bài thơ về tiểu đội xe không kính.
Cách 9: Phản đề
Với cách này, bạn nêu sự đối lập, tương phản so với vấn đề nêu trong đề bài. Cách này rất thú vị, có thể tạo sự kích thích ngay từ đầu cho giáo viên chấm điểm.
13. Một số mẫu mở bài đạt điểm cao trong kì thi THPT và HSG Quốc gia
1. Mở bài Tây Tiến (Điểm 10 ĐH)
"Có một bài ca không bao giờ quên"
Có một bài ca như thế. Cũng có những năm tháng không bao giờ quên, không phai mờ trong kí ức của nhiều thế hệ đã qua, hôm nay và mai sau. Đó chính là những ngày tháng kháng chiến chống Pháp, khi toàn dân tộc bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ với tất cả sức lực, niềm say mê. Chúng ta vừa qua nạn đói, vừa giành được độc lập thì thực dân Pháp trở lại xâm lược. Dấu ấn của nạn đói năm 45 vẫn còn, rất đậm, trong mỗi người Việt Nam. Tự do hay trở về cuộc đời cũ? Đây là câu hỏi day dứt bao người. Theo tiếng gọi của tự do, những người công nhân, nông dân, người mẹ, người chị kháng chiến, tạo nên hào khí dân tộc một thời đại.
2. Mở bài Vợ Nhặt (Điểm 10 ĐH năm 2005)
Nạn đói khủng khiếp và dữ dội năm 1945 đã hằn in trong tâm trí Kim Lân – một nhà văn hiện thực có thể xem là con đẻ của đồng ruộng, một con người một lòng đi về với “thuần hậu phong thủy” ấy. Ngay sau cách mạng, ông đã bắt tay viết ngay tiểu thuyết “Xóm ngụ cư”. Khi hòa bình lập lại (1954), nỗi trăn trở tiếp tục thôi thúc ông viết tiếp thiên truyện ấy. Và cuối cùng, truyện ngắn “Vợ nhặt” đã ra đời. Trong lần này, Kim Lân đã thật sự đem vào thiên truyện của mình một khám phá mới, một điểm sáng soi chiếu toàn tác phẩm. Đó là vẻ đẹp của tình người và niềm hy vọng vào cuộc sống của những người nông dân nghèo tiêu biểu như Tràng, người vợ nhặt và bà cụ Tứ. Thiên truyện thể hiện rất thành công khả năng dựng truyện, dẫn truyện và đặc sắc nhất là Kim Lân đã có khám phá ra diễn biến tâm lý thật bất ngờ.
3. Giữa bộn bề phồn tạp buổi chợ phiên văn chương, giữa náo nhiệt đông đúc giữa gian hàng lãng mạn, Thạch Lam được người ta ví như một khách hàng đặc biệt. Con người của Tự lực văn đoàn ấy đã không đưa ta đến những chân trời phiêu du, mộng tưởng của những tình yêu, khát vọng thường thấy trong trời lãng mạn mà dắt ta đi vào cõi đời ta đang sống, con người dịu dàng nhân ái ấy đã nguyện gắn ngòi bút của mình với những kiếp người đau khổ, vẫn luôn trân trọng sự sống nơi trần gian.
( Nhì quốc gia năm 1989)
4. Con người, tạo vật hoàn mĩ nhất của tự nhiên lại luôn luôn không bằng lòng với chính mình, luôn luôn sống trong mâu thuẫn: cuộc sống đời người là hữu hạn - cả về không gian và thời gian - làm thế nào để vươn lên cái khát vọng cao cả vô cùng của đời sống. Thơ ca - một trong những " niềm vui cao cả nhất mà loài người đã tạo ra cho mình " ( K Max) - đã sinh ra để giải quyết một phần mâu thuẫn đó. Đã có bao nhiêu quan niệm về thể loại nữ hoàng này. Có người cho đó là " thần hứng"
( Platon), là " ngọn lửa thần" ( Đecgiavin), thậm chí còn là " những con điên loạn thần thánh.. Còn đối với chúng ta, thơ thật gần gũi biết bao, là cái cao và mà không xa lạ, đẹp bình dị mà không bình thường...
( Bài văn giải nhất quốc gia 1989)
5. Có những tác phẩm ra đời rất lâu mà không bao giờ cũ, vẫn để lại trong lòng người đọc những ấn tượng, ám ảnh, day dứt không nguôi. Đó là những câu chuyện cổ tích, những áng ca dao - dân ca. Dù năm tháng đổi thay, những đền đài rồi sụp đổ, những tranh tượng rồi tiêu tan thì các tác phẩm văn học dân gian ấy vẫn cứ tồn tại bền bỉ, như dòng sông chảy mãi tưới mát tâm hồn bao thế hệ người đọc hôm qua, hôm nay và mai sau. Song không chỉ bồi đắp tâm hồn muôn triệu con người, những câu chuyện cổ, những áng ca dao còn là nguồn cảm hứng khơi nguồn cho các tác phẩm thơ ca, văn chương của văn học viết, giúp các nhà thơ nhà văn học được nhiều điều. Bởi thế khi bàn về chuyện cổ tích và ca dao có ý kiến cho rằng: " Các nhà văn học được văn trong truyện cổ tích và học được thơ trong ca dao"
( Bài văn đạt giải nhất quốc gia năm 1990)
6. Cuộc sống xung quanh ta không bao giờ phẳng lặng mà luôn sôi động. Cũng như mặt biển nhiều lúc êm ả và thanh thản nhưng trong lòng nó luôn có những đợt sóng ngầm. Là một hình thái ý thức xã hội, văn học nghệ thuật bám chặt lấy sự sống để lớn lên và với tư cách là đứa con tinh thần, nó lại trở về nơi sinh ra nó để góp phần khám phá, hiểu biết, và sáng tạo đời sống.
(Nhì quốc gia)
7. Cuộc sống mở ra với muôn vàn vị ngọt của âm thanh, hình ảnh và thu lắng mình vào trang văn của bao nghệ sĩ. Văn học ưu ái một chú chim hót vang mừng sáng, thiết tha một cánh đồng phả hương vào buổi sớm; nhưng bao giờ cũng thế, văn học luôn lấy con người làm tâm điểm phản ánh và vẻ đẹp con người kết tinh nên tác phẩm hay. Có phải thế chăng mà có ý kiến cho rằng: "Tác phẩm văn học chân chính bao giờ cũng là sự tôn vinh con người qua những hình thức nghệ thuật độc đáo".
(Bài văn đạt giải nhất quốc gia năm 2009-2010).
……………
Đọc xong phần mở bài bạn thấy ổn hơn chưa? Mời các bạn đọc tiếp bài: Kết bài nghị luận văn học áp dụng cho mọi tác phẩm