Đọc hiểu Thần mưa trắc nghiệm (3 đề)
Trả lời câu hỏi Đọc hiểu Thần mưa trắc nghiệm: Văn bản trên thuộc thể loại gì? Hình dạng của Thần Mưa được miêu tả như thế nào? Vì sao trời phải mở một cuộc thi chọn các giống thủy tộc có tài trở thành rồng hút nước phun mưa? Cuộc thi vượt Vũ Môn có liên quan đến thành ngữ, tục ngữ dân gian nào sau đây. Truyện Thần Mưa thể hiện khát vọng gì của con người thời xưa?
Đọc đoạn trích sau, trả lời các câu hỏi bên dưới:
Thần Mưa là vị thần hình rồng, thường bay xuống hạ giới hút nước biển, nước sông vào bụng rồi bay lên trời cao phun nước ra làm mưa cho thế gian có nước uống và cày cấy, cây cỏ trên mặt đất được tốt tươi. Thần Mưa thường theo lệnh Trời đi phân phát nước ở các nơi. Thần Mưa có tính hay quên, có vùng cả năm không đến, sinh ra hạn hán ở hạ giới, có vùng lại đến luôn, làm thành lụt lội. Do đó mà có lần người ở hạ giới phải lên kiện Trời vì Thần Mưa vắng mặt lâu ngày.
Công việc phân phối nước cho khắp mặt đất rất nặng nề, một mình thần Mưa có khi không làm hết, nên có lần trời mở một cuộc thi chọn các giống thủy tộc có tài trở thành rồng hút nước phun mưa để giúp sức thần Mưa. () Khi chiếu Trời ban xuống dưới Thuỷ phủ, vua Thuỷ Tề loan báo cho các giống dưới nước ganh đua nhau mà dự thi. Trời cắt một viên Ngự sử ra sát hạch. Hạch có ba kỳ, mỗi kỳ vượt qua một đợt sóng, con vật nào đủ sức đủ tài, vượt được cả ba đợt, thì mới lấy đỗ mà cho hóa rồng. Trong một tháng trời, bao nhiêu loài thủy tộc đến thi đều bị loại cả, vì không con nào vượt qua được cả ba đợt sóng. Có con cá rô nhảy qua được một đợt thì bị rơi ngay, nên chỉ có một điểm. Có con tôm nhảy qua được hai đợt, ruột, gan, vây, vẩy, râu, đuôi đã gần hóa rồng, nhưng đến lượt thứ ba thì đuối sức ngã bổ xuống, lưng cong khoăm lại và cứt lộn lên đầu. Hai con cùng phải trở lại yên nghiệp ở đồng như trước. Đến lượt cá chép vào thi thì bỗng gió thổi ào ào, mây kéo đầy trời, chép vượt luôn một hồi qua ba đợt sóng, lọt vào cửa Vũ Môn. Cá chép đỗ, vây, đuôi, râu, sừng tự nhiên mọc đủ, dạng bộ oai nghi, cá chép hóa rồng phun nước làm ra mưa. Bởi vậy, về sau người ta có câu ví rằng:
Gái ngoan lấy được chồng khôn,
Cầm như cá vượt Vũ Môn hóa rồng.
(Theo Hoàng Minh, Việt Dũng, Thu Nga, Thần thoại Việt Nam chọn lọc, Nxb Thanh Niên, 2019)
Đọc hiểu Thần mưa trắc nghiệm - Đề số 1
Câu 1. Văn bản trên thuộc thể loại gì?
A. Thần thoại
B. Truyền thuyết
C. Truyền kì
D. Truyện ngắn
Câu 2. Theo đoạn trích, có cuộc thi vượt Vũ Môn là vì:
A. Vì công việc phun nước làm mưa rất nặng nhọc nên trời sai Rồng làm nhưng số lượng Rồng trên Trời lại ít;
B. Vì hạ giới lên kiện trời vì Thần Mưa vắng mặt lâu ngày;
C. Vì các loài thủy tộc xin trời mở cuộc thi để được hóa Rồng;
D. Vì có quá nhiều loài thủy tộc xin được hóa Rồng nên Trời mở cuộc thi để tuyển chọn.
Câu 3. Cuộc thi vượt Vũ Môn có liên quan đến thành ngữ, tục ngữ dân gian nào sau đây:
A. Rồng đến nhà Tô
B. Cá chép hóa Rồng
C. Mưa tháng tư hư đất.
D. Nước mưa là cưa trời.
Câu 4. Đoạn trích lí giải hiện tượng hạn hán hoặc lụt lội ở hạ giới là do:
A. Thần Mưa có tính hay quên, có vùng cả năm không đến, có vùng lại đến luôn...
B. Thần mưa làm theo lệnh của Trời - khi Trời muốn trừng phạt một vùng nào đó;
C. Thần Mưa không kiểm soát được lượng mưa mình làm ra;
D. Thần Mưa làm việc theo cảm tính, thích thì mưa nhiều, không thích thì mưa ít.
Câu 5. Ý nghĩa của cá chép vượt vũ môn hóa Rồng:
A. Thi cử là môi trường rèn luyện con người
B. Nhân tài được chọn lọc qua các kì thi
C. Muốn trở nên xuất sắc, phải vượt qua các đối thủ khác
D. Muốn thành công, hãy nỗ lực, can đảm, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn thử thách
Trả lời câu hỏi đọc hiểu
Câu 1. A
Văn bản trên thuộc thể loại thần thoại (nội dung thể hiện quan niệm về vũ trụ và nhân sinh con người)
Câu 2. A
Theo đoạn trích, có cuộc thi vượt Vũ Môn là vì: Vì công việc phun nước làm mưa rất nặng nhọc nên trời sai Rồng làm nhưng số lượng Rồng trên Trời lại ít.
Câu 3. B
Cuộc thi vượt Vũ Môn có liên quan đến thành ngữ, tục ngữ dân gian “Cá chép hóa rồng”.
Câu 4. A
Đoạn trích lí giải hiện tượng hạn hán hoặc lụt lội ở hạ giới là do: Thần Mưacó tính hay quên, có vùng cả năm không đến, sinh ra hạn hán ở hạ giới, có vùng lại đến luôn, làm thành lụt lội.
Câu 5. D
Ý nghĩa của cá chép vượt vũ môn hóa Rồng là muốn thành công, hãy nỗ lực, can đảm, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn thử thách.
Đọc hiểu Thần mưa trắc nghiệm - Đề số 2
Câu 1. Dòng nào nêu đúng ngôi kể của truyện?
A. Truyện được kể theo ngôi thứ nhất
B. Truyện được kể theo ngôi thứ hai
C. Truyện được kể theo ngôi thứ ba
D. Truyện được kể theo ngôi thứ nhất và thứ ba.
Câu 2. Hình dạng của Thần Mưa được miêu tả như thế nào?
A. Thần Mưa là vị thần hình rồng
B. Thần thường bay xuống hạ giới hút nước biển, nước sông vào bụng rồi bay lên trời cao phun nước ra làm mưa
C. Thần Mưa có tính hay quên
D. Thần Mưa thường theo lệnh Trời đi phân phát nước ở các nơi
Câu 3. Vì sao trời phải mở một cuộc thi chọn các giống thủy tộc có tài trở thành rồng hút nước phun mưa?
A. Vì Thần Mưa có tính hay quên
B. Vì công việc phân phối nước cho khắp mặt đất rất nặng nề, một mình thần Mưa có khi không làm hết
C. Vì Thần Mưa đề nghị Trời mở cuộc thi tuyển thêm thần
D. Vì các loài thủy tộc yêu cầu trời mở cuộc thi.
Câu 4. Trình tự các chi tiết được kể trong truyện là:
A. Thần Mưa thường theo lệnh Trời đi phân phát nước ở các nơi -> trời mở một cuộc thi chọn các giống thủy tộc có tài trở thành rồng -> cá chép hóa rồng -> các giống dưới nước ganh đua nhau mà dự thi
B. Trời mở một cuộc thi chọn các giống thủy tộc có tài trở thành rồng -> các giống dưới nước ganh đua nhau mà dự thi -> cá chép hóa rồng -> Thần Mưa thường theo lệnh Trời đi phân phát nước ở các nơi
C. Trời mở một cuộc thi chọn các giống thủy tộc có tài trở thành rồng -> các giống dưới nước ganh đua nhau mà dự thi -> Thần Mưa thường theo lệnh Trời đi phân phát nước ở các nơi -> cá chép hóa rồng
D. Thần Mưa thường theo lệnh Trời đi phân phát nước ở các nơi -> trời mở một cuộc thi chọn các giống thủy tộc có tài trở thành rồng -> các giống dưới nước ganh đua nhau mà dự thi -> cá chép hóa rồng.
Câu 5. Chi tiết Đến lượt cá chép vào thi, thì gió thổi ào ào, mây kéo đầy trời, chép vượt luôn một hồi qua ba đợt sóng, vào lọt cửa Vũ Môn thể hiện ý nghĩa nào sau đây:
A. Ngợi ca tinh thần bất khuất, nỗ lực vượt qua khó khăn để đạt được mục đích của con người
B. Ngợi ca sự cần cù, chăm chỉ của con người
C. Ngợi ca tình yêu cuộc sống, yêu con người
D. Ngợi ca tinh thần hi sinh, cống hiến của con người cho cộng đồng, xã hội.
Câu 6. Truyện Thần Mưa thể hiện khát vọng gì của con người thời xưa?
A. Khát vọng chinh phục thế giới tự nhiên
B. Khát vọng lí giải các hiện tượng trong thế giới tự nhiên
C. Khát vọng có được thành công trong cuộc sống
D. Khát vọng chiến thắng trong tất cả các cuộc thi.
Câu 7. Truyện thần mưa rút ra cho em bài học nào?
Trả lời câu hỏi đọc hiểu
Câu 1. C
Truyện Thần mưa được kể theo ngôi thứ ba.
Câu 2. A
Hình dạng của Thần Mưa được miêu tả là: Thần Mưa là vị thần hình rồng
Câu 3. B
Trời phải mở một cuộc thi chọn các giống thủy tộc có tài trở thành rồng hút nước phun mưa vì công việc phân phối nước cho khắp mặt đất rất nặng nề, một mình thần Mưa có khi không làm hết.
Câu 4. D
Trình tự các chi tiết được kể trong truyện là: Thần Mưa thường theo lệnh Trời đi phân phát nước ở các nơi -> trời mở một cuộc thi chọn các giống thủy tộc có tài trở thành rồng -> các giống dưới nước ganh đua nhau mà dự thi -> cá chép hóa rồng.
Câu 5. A
hi tiết Đến lượt cá chép vào thi, thì gió thổi ào ào, mây kéo đầy trời, chép vượt luôn một hồi qua ba đợt sóng, vào lọt cửa Vũ Môn thể hiện ý nghĩa: Ngợi ca tinh thần bất khuất, nỗ lực vượt qua khó khăn để đạt được mục đích của con người.
Câu 6. B
Truyện Thần Mưa thể hiện khát vọng lí giải các hiện tượng trong thế giới tự nhiên của người xưa.
Đọc hiểu Thần mưa trắc nghiệm - Đề số 3
Câu 1. Câu truyện trên thuộc thể loại thần thoại nào dưới đây?
A. Thần thoại suy nguyên.
B. Thần thoại kể về loài người
C. Thần thoại sáng tạo
D. Thần thoại kể về loại vật
Câu 2. Theo em, đâu là nhân vật chính của câu chuyện?
A. Ngọc hoàng
B. Thần mưa
C. Cá chép
D. Cóc
Câu 3. Chi tiết thần mưa hay quên nhằm mục đích gì?
A. Thể hiện tư duy vạn vật hữu linh (vạn vật đều có linh hồn như con người).
B. Thể hiện sự nhận thức vạn vật của người cổ đại và sự sáng tạo của họ
C. Lý giải các hiện tượng tự nhiên như hạn hán hay lũ lụt.
D. Thể hiện đánh giá của con người về thế giới thần linh: Thần linh cũng có sai lầm.
Câu 4. Nhận định nào sau đây không đúng với văn bản trên?
A. Truyện kết thúc đặc biệt: kết thúc bằng một câu thơ
B. Truyện mang yếu tố kì ảo với nhân vật chính có năng lực siêu nhiên.
C. Truyện đã cắt nghĩa, lý giải về các hiện tượng tự nhiên dưới tư duy của người cổ đại.
D. Truyện sử dụng các biện pháp nghệ thuật so sánh, nhân hóa để làm nổi bật nội dung chính của truyện.
Trả lời câu hỏi đọc hiểu
Câu 1. A
Câu truyện trên thuộc thể loại thần thoại suy nguyên.
Câu 2. B
Nhân vật chính của câu chuyện là thần mưa.
Câu 3. C
Chi tiết thần mưa hay quên nhằm mục đích lý giải các hiện tượng tự nhiên như hạn hán hay lũ lụt.
Câu 4. D
Nhận định không đúng với văn bản trên là: Truyện sử dụng các biện pháp nghệ thuật so sánh, nhân hóa để làm nổi bật nội dung chính của truyện.
----------------------------------
Trên đây Topbee đã mang tới cho các bạn những kiến thức bổ ích qua bài Đọc hiểu Thần mưa trắc nghiệm. Những câu trả lời dựa trên ngữ liệu văn bản, được chắt lọc kỹ càng đảm bảo chính xác nhất. Hy vọng bài đọc hiểu sẽ giúp các em học tốt môn Ngữ Văn!