Phân tích cấu tứ và hình ảnh bài thơ Thơ tình cuối mùa thu của Xuân Quỳnh
image hoi dap
image hoi dap

Phân tích cấu tứ và hình ảnh bài thơ Thơ tình cuối mùa thu của Xuân Quỳnh

icon-time28/11/2023

Thơ Xuân Quỳnh là một hổn thơ trẻ trung, tươi sáng, sôi nổi, đằm thắm của người phụ nữ khi yêu. Với trái tim nhạy cảm và chân thành, chị đã để lại nhiều bài thơ có giá trị cho kho tàng văn học nước nhà. Tiêu biểu là bài thơ “Thơ tình cuối mùa thu” cùng với nét đặc sắc về cấu tứ và hình ảnh thơ.


Dàn ý Phân tích cấu tứ và hình ảnh bài thơ Thơ tình cuối mùa thu của Xuân Quỳnh

1. Mở bài:  

- Giới thiệu tác giả Xuân Quỳnh (vị trí văn học, phong cách sáng tác,…)

- Giới thiệu bài thơ “Thơ tình cuối mùa thu” (hoàn cảnh sáng tác, khái quát nội dung và nghệ thuật...

- Giới thiệu vấn đề nghị luận: Cấu tứ và hình ảnh bài thơ “Thơ tình cuối mùa thu”

2. Thân bài:  

* Khái quát về cấu tứ (cấu tứ là gì? Các yếu tố cấu thành cấu tứ bài thơ, vai trò của cấu tứ...)

* Cấu tứ bài thơ “Thơ tình cuối mùa thu”:

- Nhan đề bài thơ là từ khóa để xác định cấu tứ bài thơ. Xuyên suốt tác phẩm là hai hình ảnh song song: (cuối) mùa thu và tình yêu của em - anh.

- Toàn bài thơ được tổ chức theo hình thức đối lập giữa các mặt: nhất thời - vĩnh cửu, mất - còn, ra đi - ở lại. Được thể hiện:

* Khổ thơ thứ nhất:

- Mùa thu hiện lên thông qua các hình ảnh: mây trắng bay, lá vàng, trong không gian cuối trời, rừng, biển cả, dòng nước mênh mang, hoa cúc.

- Mùa thu đang trôi theo dòng chảy của thời gian, quy luật tự nhiên khiến mùa thu dần vào giai đoạn cuối, chỉ còn những dấu hiệu mờ nhạt...

- “Chỉ còn anh và em”: đối lập với sự trôi đi của mùa thu thì tình cảm của anh và em vẫn không thay đổi.

* Khổ thơ thứ hai:  

- “Chỉ còn anh và em/Là của mùa thu cũ”: Nhấn mạnh dù mùa thu có trôi qua, có tiếp diễn thêm những mùa thu mới thì tình cảm của anh và em vẫn đẹp đẽ, nó như là giá trị duy nhất tồn tại của mùa thu cũ.

- Những hình ảnh ẩn dụ: làn gió heo may, lối đi quen, cỏ lật theo đường mây, đêm sương, gió lạnh => vừa mang màu sắc mùa thu, vừa là những trải nghiệm của người phụ nữ khi yêu, khát khao được sự ấm áp, chở che trong những lúc lạnh lẽo, bão tố.

* Khổ thơ thứ ba:

- Phép so sánh tình yêu như “hàng cây - qua mùa gió bão”, “dòng sông - yên mùa thác lũ” => niềm tin vào tình yêu, tình yêu là bến đỗ, điểm tựa tinh thần.

* Hai khổ thơ cuối:

- “Thời gian như là gió/ Mùa đi cùng tháng năm/Tuổi theo mùa đi mãi” >< “Chỉ còn anh và em/Cùng tình yêu ở lại” => sự đối lập giữa mất - còn, ra đi - ở lại một lần nữa khẳng định tình yêu vững bền, tha thiết, vượt qua những đổi thay, trắc trở.

- Hai câu thơ cuối: sự nối tiếp của các cặp đôi, các tình yêu mới chớm nở và trải qua các mùa thu.

* Nghệ thuật: thể thơ, giọng thơ, hình ảnh thơ, các biện pháp tu từ nghệ thuật...

3. Kết bài: Khái quát lại giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.

Phân tích cấu tứ và hình ảnh bài thơ Thơ tình cuối mùa thu của Xuân Quỳnh

Phân tích cấu tứ và hình ảnh bài thơ Thơ tình cuối mùa thu của Xuân Quỳnh

Nếu Xuân Diệu được mệnh danh là “Ông hoàng thơ tình” thì Xuân Quỳnh được biết tới là “Bà hoàng tình yêu”. Thơ Xuân Quỳnh là một hổn thơ trẻ trung, tươi sáng, sôi nổi, đằm thắm của người phụ nữ khi yêu. Với trái tim nhạy cảm và chân thành, chị đã để lại nhiều bài thơ có giá trị cho kho tàng văn học nước nhà. Tiêu biểu là bài thơ “Thơ tình cuối mùa thu” cùng với nét đặc sắc về cấu tứ và hình ảnh thơ.

Trước hết cấu tứ thơ được hiểu là cách tác giả bố tri và tổ chức các ý và câu trong bài, biến đổi ý tưởng thành cảm xúc và hình ảnh. Nó không chỉ thể hiện suy nghĩ và cảm xúc của tác giả mà còn tạo ra sự liên kết giữa các ý, giúp bài thơ có tính thống nhất và cân đối. Để xác định được cấu tứ cần chú ý đến các yếu tố: nhan đề bài thơ, mạch cảm xúc chính, trình tự triển khai nội dung, nhịp điệu bài thơ, các biện pháp nghệ thuật,...và đặc biệt là hình ảnh thơ, hệ thống hình tượng nghệ thuật. Cấu tứ đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với một tác phẩm. Nó là điểm tựa, vị trí để tác giả triển khai ý tưởng, hoàn thành tác phẩm. Cấu tứ góp phần hình thành phong cách tác giả, tạo nét riêng và khẳng định tài năng, vị thế của người sáng tác. Còn với người đọc, cấu tứ là phương tiện để thâm nhập vào thế giới nghệ thuật, giúp người đọc có cái nhìn trọn vẹn về tác phẩm cũng như tư tưởng, tình cảm tác giả gửi gắm.

Nhan đề bài thơ là cánh cửa để người đọc khám phá toàn bộ thế giới nghệ thuật của tác phẩm. “Thơ tình cuối mùa thu” - hai hình ảnh tồn tại song song chi phối toàn bài thơ: mùa thu và tình yêu của anh-em. Mặc dù tồn tại đồng tại đồng thời, có sự hỗ trợ, bổ sung, làm nổi bật nhau song hai hình ảnh này luôn có sự tương phản nhau. Nói cách khác cấu tứ bài thơ là các mặt đối lập giữa mất - còn, ra đi - ở lại, nhất thời - vĩnh cửu trong quan hệ tình yêu và mùa thu, từ đó làm nổi bật tư tưởng, tình cảm của Xuân Quỳnh

Mở đầu khổ thơ thứ nhất là hình ảnh thiên nhiên đang độ cuối thu: mây trắng, lá vàng, mùa thu được đặt trong không gian cuối trời, rừng, biển cả, dùng nước mênh mang, hoa cúc. Như vậy, những dấu hiệu của mùa thu đã phai nhạt đần theo dòng chảy của thời gian, mây trắng đã đi về phía cuối trời, lá vàng gần rụng hết chỉ “thưa thớt” một ít trên cành. Đặc trưng của mùa thu là mây trắng, lá vàng, hoa cúc nhưng mọi thứ đã dần biến mất, mang theo mùa thu ra biển cả, tuân theo dòng chảy tuần hoàn, quy luật tự nhiên. Nhịp thơ chậm đều kết hợp với giọng thơ nhẹ nhàng, sâu lắng đã thể hiện sự lưu luyến, tiếc nuối của nhân vật trữ tình trước một mùa thu sắp qua, sự bịn rịn ấy cũng như “mùa thu vào hoa cúc”, không nỡ tách rời. Tuy nhiên trái ngược với sự ra đi của mùa thu là khẳng định sự ở lại của tình yêu “Chỉ còn anh và em”. Không tuân theo quy luật tự nhiên, tình yêu của em và anh vượt qua sự trôi chảy của thời gian.

Sang khổ thơ thứ hai, ta lại một lần nữa thấy sự khẳng định tình yêu giữa anh-em: “Chỉ còn anh và em/Là của mùa thu cũ”, như vậy dù mùa thu có trôi qua, có tiếp diễn thêm những mùa thu mới thì tình cảm của anh và em vẫn đẹp đẽ, nó như là giá trị duy nhất tồn tại của mùa thu cũ. Những hình ảnh ẩn dụ: làn gió heo may, lối đi quen, cỏ lật theo đường mây, đêm sương, gió lạnh vừa mang màu sắc giao mùa nhưng cũng vừa là những trải nghiệm của người phụ nữ khi yêu, khát khao được sự ấm áp, chở che trong những lúc lạnh lẽo, bão tố. Đó cũng chính là khao khát của Xuân Quỳnh về một tình yêu ấm áp, vượt qua mọi khó khăn thử thách, tồn tại song song với thời gian. 

“Tình ta như hàng cây 

Đã qua mùa gió bão 

Tình ta như dòng sông 

Đã yên ngày thác lũ”

Phép so sánh “tình ta” như “hàng cây - qua mùa gió bão”, “dòng sông - yên ngày thác lũ” cho thấy được niềm tin, hi vọng của Xuân Quỳnh vào tình yêu. Không phải là tình yêu vừa chớm nở, tình yêu của anh – em ở đây đã trải qua nhiều khó khăn, giông tố, là tình yêu từng trải và đến được bến đỗ bình yên. Tình yêu chính là điểm tựa tinh thần cho người phụ nữ, là sức mạnh và cũng là hi vọng để con người vượt qua những trở ngại để tiến lên phía trước.

Cấu tứ thơ “ra đi - ở lại”, “còn - mất” lại tiếp tục được thể hiện ở hai khổ thơ cuối cùng: Thời gian như là gió/ Mùa đi cùng tháng năm/Tuổi theo mùa đi mãi” >< “Chỉ còn anh và em/Cùng tình yêu ở lại”. Dẫu thời gian trôi qua như gió thổi, mùa tuần hoàn trôi qua cùng tháng năm, tuổi trẻ theo mùa không bao giờ quay lại nhưng anh – em cùng tình yêu hai ta vẫn tồn tại, vẫn đẹp đễ và chứng kiến bao mùa. Hai câu thơ cuối như tiếng reo mừng, niềm vui của tác giả trước sự nối tiếp không ngừng của tình yêu: “Kìa bao người yêu mới/Đi qua cùng heo may”. Bài thơ kết thúc đột ngột tưởng chừng như hụt hẫng, nuối tiếc thế nhưng nó lại mở ra sự chớm nở, phát triển của các tình yêu mới, các thế hệ “anh - em” tiếp theo. Như vậy dòng chảy của thời gian không thể chấm dứt, mang tình yêu đi mà chỉ có thể luân phiên nhau chứng kiến sự phát triển và tiếp nối không ngừng của tình yêu.

Tóm lại, việc sử dụng những hình ảnh sóng đôi thiên nhiên (mùa thu) và tình yêu anh – em đã tạo nên cấu tứ đặc biệt cho bài thơ. Bài thơ vừa là cảm xúc của tác giả đối với tình yêu, vừa là khúc ca tình muôn thuở cho thế hệ mai sau.

Tác giả : Topbee
Đánh giá bài viết
Đặt câu hỏi
icon-make-question icon-make-question