Hướng dẫn phân tích cấu tứ và hình ảnh trong bài thơ
Tham vấn chuyên môn bài viết
Giáo viên: Hoàng Thị Dung
Cử nhân sư phạm Ngữ Văn
Tham vấn chuyên môn bài viết
Giáo viên: Hoàng Thị Dung
Cử nhân sư phạm Ngữ Văn
Cấu tứ và hình ảnh là một trong những yếu tố quan trọng góp phần tạo nên sự thành công của các tác phẩm văn học xuất sắc. Sau đây, mời các em cùng Topbee tìm hiểu bài viết hướng dẫn phân tích cấu tứ và hình ảnh trong bài thơ.
1. Cấu tứ là gì
Sách giáo khoa 11 chương trình GDPT 2018 có viết: Cấu tứ là cách thức triển khai mạch cảm xúc và tổ chức hình tượng trong tác phẩm thơ trữ tình.
Khái niệm trên được Thầy Trần Lê Duy chia sẻ thêm 1 số ý để các em dễ hiểu hơn:
Nhìn từ góc độ văn bản, không phân biệt “cấu tứ” và “tứ thơ”. Theo đó, “cấu tứ” (danh từ) – hay còn được gọi là “tứ thơ”, là “cách thức triển khai mạch cảm xúc và tổ chức hình tượng trong tác phẩm thơ trữ tình”.
2. Hướng dẫn phân tích cấu tứ và hình ảnh trong bài thơ
Bước 1: Đọc kĩ tác phẩm thơ cần phân tích, nắm được nội dung chính của bài thơ, phong cách sáng tác của nhà thơ để nắm được cách viết và sử dụng ngôn từ của tác giả.
- Học sinh cần đọc kĩ văn bản thơ trước khi đi vào phân tích để có thể cảm nhận tốt nhất ý nghĩa và thông điệp mà tác giả muốn truyền đạt
- Nhờ vào đó có thể phân tích kĩ hơn về cấu tứ và hình ảnh trong bài thơ
Bước 2: Tìm hiểu về khái niệm cấu tứ và hình ảnh trong bài thơ
+ Cấu tứ có thể xem là linh hồn, là cốt lõi và là mô hình chính cho tác phẩm, nhờ vào cấu tứ mà người đọc có một vị trí đứng, thế nhìn bao quát để có thể cảm nhận toàn bộ tác phẩm. Chính cấu tứ đã giúp cho người đọc và tác phẩm đến gần với nhau hơn, nhờ đó mà người đọc có thể hiểu và dành cảm xúc nhiều hơn cho tác phẩm.
+ Hình ảnh trong thơ là những hình ảnh đẹp được tác giả gửi gắm vào trong tác phẩm, đây là nơi mà tác giả thoả sức sáng tạo, đặt vào trong đó cảm xúc và suy nghĩ, giúp người đọc cảm nhận được những điều hay, những điều mới lạ.
Bước 3: Tìm hiểu về tầm quan trọng, tác dụng của cấu tứ và hình ảnh trong bài thơ
+ Tác dụng của cấu tứ: Đây là nơi phản ánh ý nghĩa và cảm xúc của bài thơ, qua cấu tứ, người đọc cảm nhận được tư duy mới lạ, độc đáo và khác biệt của người cầm bút. Đồng thời cũng khiến bài thơ thêm phần hấp dẫn, thu hút, khiến người đọc nhớ mãi không quên.
+ Tác dụng của hình ảnh: Gợi ra cho người đọc nhiều liên tưởng, tạo sự ấn tượng và tăng phần ý nghĩa cho bài thơ
Bước 4: Đi vào phân tích bài thơ theo cấu tứ và hình ảnh
+ Theo cấu tứ:
Cần phân tích bài thơ theo các luận điểm chính của bài, theo mạch cảm xúc xuyên suốt cả bài thơ để tìm ra cấu tứ của bài.
+ Xác định mối quan hệ giữa các câu trong bài, giữa các đoạn thơ với nhau, các biện pháp tu từ (Thường gặp như: Ẩn dụ, hoán dụ, so sánh…), âm điệu và nhịp điệu chính trong bài, từ đó dễ dàng phân tích bài thơ theo cấu tứ.
Ví dụ như trong bài thơ Từ ấy, cấu tứ của bài được xuyên suốt từ nhan đề của tác phẩm, qua nhịp điệu và mối quan hệ giữa các câu, người đọc cảm nhận được tâm hồn mới lạ, được khai sáng và giác ngộ theo lý tưởng cách mạng của Tố Hữu, là mạch ngầm liên kết toàn bộ bài thơ với bạn đọc.
- Theo hình ảnh:
+ Cần tìm ra những hình ảnh tiêu biểu, nổi bật, mới lạ mà tác giả gửi gắm vào trong tác phẩm.
+ Phân tích hình ảnh ấy trên nhiều phương diện, giải thích tại sao tác giả lại đưa hình ảnh ấy vào bài thơ? Tầm quan trọng của hình ảnh thơ ấy? Hình ảnh thơ này có đại diện cho điều gì hay mang ý nghĩa gì hay không?
+ Cần phân tích cái hay, cái mới lạ và độc đáo của hình ảnh thơ
Ví dụ như trong bài Tràng Giang, Huy Cận đã vận dụng hình ảnh “Củi một cành khô lạc mấy dòng”, không vận dụng các hình ảnh ước lệ tượng trưng, chỉ sử dụng một hình ảnh đơn sơ, giản dị, hết sức tầm thường nhưng lại gợi cho người đọc rất nhiều suy nghĩ về thân phận trôi nổi, lênh đênh, gặp nhiều trắc trở của số kiếp con người. Đây chính là điểm mới lạ trong việc sử dụng hình ảnh thơ.
Bước 5: Cần tìm hiểu bài thơ trên nhiều phương diện khác nhau, phân tích những điểm mới do cấu tứ và hình ảnh trong bài thơ mang lại
- Nhờ vào cấu tứ và hình ảnh mà bài thơ được thổi vào một làn gió mới, mang cảm hứng mới và đặc biệt, ghi dấu ấn trong trái tim bạn đọc.
- Các em cần phải phân tích sâu vào những đặc điểm trên để có thể cảm nhận được tác dụng và ý nghĩa của cấu tứ và hình ảnh.
3. Một số lưu ý khi dạy học sinh kĩ năng nhận biết, phân tích cấu tứ trong thơ trữ tình
Để thuận lợi trong tiến trình dạy kĩ năng nhận biết, phân tích cấu tứ, giáo viên có thể lưu ý những điểm sau:
Thứ nhất, nên đặt hoạt động tìm hiểu cấu tứ sau cùng. Bởi vì cấu tứ là yếu tố có tính hệ thống và bao quát, nên học sinh cần tìm hiểu hết các yếu tố khác như từ ngữ, hình ảnh, nhạc điệu, mạch tình cảm, cảm xúc thì mới có đủ căn cứ để khái quát, suy luận, phát hiện ra cấu tứ.
Thứ hai, về dạy Tri thức Ngữ văn, không nên cung cấp quá nhiều kiến thức về cấu tứ như một giờ dạy lí luận văn học cho sinh viên Ngữ văn, mà cần tinh lọc, ngắn gọn, và gắn với quá trình thực hành đọc. Có nghĩa là, ngôn từ diễn đạt các khái niệm cần dễ hiểu với HS, cần quan tâm đến cả “cái” và “cách” khi cung cấp khái niệm.
Thứ ba, giáo viên có thể đưa ra ví dụ để học sinh phân tích mẫu hoặc làm mẫu kĩ năng phân tích cấu tứ trong một bài thơ cụ thể.
Lưu ý: Ngữ liệu thơ dùng để phân tích mẫu và làm mẫu nên đơn giản, ngắn gọn, vừa sức với học sinh, hoặc nên chọn những ngữ liệu thơ học sinh đã được học. Có thể kết hợp kĩ thuật nói to suy nghĩ (think – aloud) để học sinh hình dung về cách tư duy khi tìm hiểu về cấu tứ.
Thứ tư, việc tìm hiểu văn bản thơ nên trực quan, có nghĩa là học sinh cần quan sát được bằng mắt những yếu tố hình thức (gợi ra yếu tố nội dung) trên văn bản thơ để từ đó phát hiện, kết nối các yếu tố riêng lẻ thành một chỉnh thể.
Đây là bước đầu giúp học sinh nhận ra cấu tứ. Vì vậy nếu giáo viên dạy bằng phần mềm trình chiếu, nên chiếu đoạn thơ lên slide và thao tác với đoạn thơ để học sinh quan sát. Nếu dạy bằng bảng thì cũng cần chép đoạn thơ lên và thực hành các thao tác hướng dẫn học sinh quan sát, rút ra kinh nghiệm.
4. Một số bài phân tích cấu tứ và hình ảnh trong thơ trữ tình tiêu biểu
1/ Phân tích cấu tứ và hình ảnh bài Nắng mới của Lưu Trọng Lư
2/ Viết bài văn viết bài văn tìm hiểu về cấu tứ và hình ảnh trong bài thơ nỗi niềm Thị Nở
3/ Hướng dẫn phân tích cấu tứ và hình ảnh trong bài thơ
4/ Phân tích cấu tứ và hình ảnh bài thơ Từ ấy của nhà thơ Tố Hữu
5/ Phân tích cấu tứ và hình ảnh trong bài thơ Chiều tối
6/ Phân tích cấu tứ và hình ảnh trong bài thơ Tống biệt hành (Thâm Tâm)
7/ Nghị luận bàn về vẻ đẹp của cấu tứ và hình ảnh bài Khi con Tu hú
8/ Phân tích cấu tứ và hình ảnh trong bài thơ Đây thôn Vỹ Dạ
9/ Phân tích cấu tứ và hình ảnh trong bài thơ Tràng Giang
10/ Nghị luận phân tích cấu tứ và hình ảnh trong bài thơ Hoa cỏ may của Xuân Quỳnh
11/ Phân tích cấu tứ và hình ảnh của bài Hát ru của Xuân Quỳnh
12/ Phân tích cấu tứ và hình ảnh bài thơ Trường tôi của Tố Hữu
13/ Phân tích cấu tứ và hình ảnh bài thơ Thơ tình cuối mùa thu của Xuân Quỳnh
14/ Nghị luận phân tích cấu tứ và hình ảnh trong bài thơ Viếng Lăng Bác
15/ Phân tích cấu tứ và hình ảnh bài thơ Cô lái đò của Nguyễn Bính
16/ Phân tích cấu tứ và hình ảnh bài Ngậm ngùi của Huy Cận
17/ Phân tích cấu tứ và hình ảnh trong bài thơ Sang thu
18/ Nghị luận về cấu tứ và hình ảnh trong bài thơ Thời gian của Văn Cao
19/ Phân tích cấu tứ và hình ảnh của bài thơ Thêm một của Trần Hòa Bình